Phục hưng và Thập tự chinh
Kỷ nguyên phục hưng của bóng đá Pháp đầu thế kỷ 21 bắt đầu với ngôn ngữ chính là tiếng... Arab. Tập đoàn của Qatar - Sports Investment đã mua 70% cổ phần của CLB PSG (Pháp) và đang có những đầu tư khổng lồ cho đội bóng này.
Sau nhiều năm bết bát tại các giải châu Âu, với hàng loạt những sa sút cả về cấp độ CLB và đội tuyển: Bây giờ, người hâm mộ đã mơ đến một kỷ nguyên phục hưng cho bóng đá Pháp.
|
Tỷ phú Mansour đang làm cho Man xanh trở thành đội bóng đáng gờm. |
Với tiền của tỷ phú Al Thani (ông chủ của Qatar Sports Investment), tân GĐTT Leonardo háo hức với tham vọng biến PSG thành đội bóng hàng đầu nước Pháp (thậm chí là cả châu Âu). Trong vòng vài ngày gần đây, Al Thani đã chi 86 triệu euro để Leonardo mua về một loạt cầu thủ ngôi sao: Pastore, Sirigu, Menez, Sissoko, Matuidi.
Ở nước Anh, hiệp sĩ già Sir Alex Fuguson - HLV M.U chắc chắn sẽ còn phải chiến đấu miệt mài trước thế lực mới của bóng đá Anh, CLB Manchester City của tỷ phú Mansour đến từ Abu Dhabi.
Những số tiền khổng lồ của tỷ phú này đã kiếm được cho Man xanh danh hiệu đầu tiên (Cúp FA) sau rất nhiều năm lẹt đẹt. Đó là tín hiệu vui cho Man xanh, cho ông chủ Arab nhưng đó là hồi kèn trận báo hiệu một cuộc chiến khốc liệt giữa các hiệp sĩ Anh với các tín đồ Hồi giáo ngay trên các sân bóng Anh và châu Âu.
Thỏa thuận hòa bình bằng thể thao
Không phải đến tận bây giờ mà cách đây vài năm, các ông chủ dầu mỏ của thế giới đạo Hồi đã sang “chơi” thể thao tại châu Âu. Tập đoàn Western Gulf Advisory (Bahrain) đã mua CLB bóng đá Racing Santander (Tây Ban Nha) từ tháng 1.2011.
Tại nước Anh, khi M.U (với ông chủ người Mỹ Glazer) gặp MC (ông chủ người Arab Mansour), người ta dễ sởn gai ốc khi bắt gặp những cái tít trên mặt báo kiểu như: “Cuộc chiến giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo trên… sân cỏ Anh”.
Tập đoàn Bahrain Mumtalakar đã mua 30% cổ phần của đội đua công thức 1 McLaren từ năm 2007, Dubai Royal Emirates đã mua CLB bóng đá Getafe của Tây Ban Nha vào đầu năm 2011. Qatar Foundation tài trợ áo đấu cho Barcelona từ 2011 đến 2016; một thành viên gia đình Hoàng gia Qatar mua đội Malaga (Tây Ban Nha) vào năm 2010…
Không có tình yêu bóng đá cuồng nhiệt như các tỷ phú Nga, lại không lạnh lùng coi bóng đá là lĩnh vực kinh doanh đơn thuần như mấy “ông bạn” Mỹ, vậy các tỷ phú Arab ồ ạt đầu tư vào các đội bóng châu Âu làm gì?
Không miễn cưỡng cho rằng đó là các thỏa thuận hòa bình thông qua thể thao nhưng dẫu sao thì chỉ sau một vài mùa bóng nữa thì những từ như “Hồi giáo”, “Thánh Mohamed” hay “Arab” sẽ trở nên thân thiện hơn ở châu Âu khi mà nó gắn với môn thể thao được yêu thích nhất hành tinh.
Nam Hải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.