Nguy hiểm khi trẻ em mắc bệnh cường giáp lại bị chậm trễ điều trị

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 20/08/2023 06:03 AM (GMT+7)
Khi trẻ em mắc bệnh cường giáp có thể dẫn đến tim đập nhanh, gầy sút cân..., nếu không được điều trị kịp thời có thể nguy hiểm cho sức khỏe.
Bình luận 0

Tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, khoa Nhi của bệnh viện đã tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhi mắc bệnh lý cường giáp. 

Đa số trường hợp bệnh nhi nhập viện đều có một hoặc nhiều biểu hiện liên quan đến bệnh lý này như có khối to vùng cổ, không sưng tấy đỏ, run tay, chân, mắt lồi, mạch nhanh… 

Nguy hiểm bệnh cường giáp ở trẻ  - Ảnh 1.

Khoa Nhi Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận thăm khám, điều trị cho bệnh nhi mắc bệnh cường giáp. Ảnh BVCC

Bệnh nhân gần nhất là cháu Nguyễn T.N.A (14 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh). Bệnh nhi đến khám sức khỏe tại Bệnh viện Bãi Cháy với các triệu chứng tuyến giáp to độ II, không khó thở, nuốt nghẹn.

Kết quả xét nghiệm chỉ số hormone tuyến giáp tăng cao (FT4>100 pmol/l). Các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh lý cường giáp và điều trị kháng giáp, chẹn beta giao cảm. Sau 7 ngày điều trị, tình trạng trẻ tạm ổn định, xuất viện và kê đơn điều trị tiếp.

Bác sĩ Vũ Thị Bầu - Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, nguyên nhân gây ra bệnh cường giáp ở trẻ em rất đa dạng như do bệnh basedow (chiếm tới 98%), các bệnh lý gây viêm tuyến giáp bẩm sinh, dùng iod thời gian dài dự phòng bệnh bướu cổ. 

Cường giáp ở trẻ sơ sinh chủ yếu do mẹ của trẻ đã hoặc đang mắc bệnh cường giáp. Nếu mẹ bị cường giáp thì 2% trẻ sơ sinh cũng bị cường giáp.

"Cường giáp là bệnh lý do tình trạng tăng tiết hormone tuyến giáp (triiodothyronine và thyroxin) quá mức vào trong máu dẫn đến các triệu chứng tim mạch, tăng chuyển hóa quá mức với các biểu hiện: tim đập nhanh, gầy sút cân...", bác sĩ Bầu chia sẻ. 

Theo bác sĩ Bầu, bệnh cường giáp không thường gặp ở trẻ nhỏ, do đó cha mẹ thường chủ quan, không đưa con đi khám sớm. Nhiều trẻ đến viện thì bướu cổ đã phát triển to, khó nuốt. 

"Bệnh cường giáp ở trẻ nếu được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đối với tim mạch (rối loạn nhịp tim, suy tim), thần kinh (suy giảm trí nhớ, kích động, lú lẫn, nói sảng), hệ cơ xương (nhược cơ, liệt cơ), chậm phát triển, ảnh hưởng đến ngoại hình thẩm mỹ của trẻ như mắt lồi, bướu cổ. 

Đặc biệt biến chứng cấp tính là cơn nhiễm độc giáp xảy ra đột ngột với các triệu chứng như thân nhiệt tăng cao, vã mồ hôi, nôn ói, tiêu chảy, kích động, mê sảng, liệt cơ, hôn mê, nhịp tim rất nhanh, loạn nhịp, suy tim và cuối cùng dẫn đến trụy tim mạch… 

Bệnh có thể gây tử vong cho trẻ nếu không được cấp cứu kịp thời”, bác sĩ Bầu cho biết. 

Nguy hiểm bệnh cường giáp ở trẻ  - Ảnh 2.

Bệnh nhi mắc bệnh cường giáp có thể sờ thấy hoặc nhìn thấy bướu cổ. Ảnh BVCC

Hiện nay, điều trị bệnh cường giáp trẻ em ưu tiên điều trị nội khoa. Nếu điều trị nội khoa mà bệnh tái phát nhiều lần hoặc không có kết quả thì có thể lựa chọn các phương pháp iod phóng xạ hoặc phẫu thuật cắt tuyến giáp. 

"Bệnh cường giáp ở trẻ nhỏ có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. 

Trong quá trình chăm sóc trẻ nhỏ, phụ huynh có thể nhận biết những dấu hiệu cường giáp điển hình như bướu cổ nhìn hoặc sờ thấy được, mắt lồi, sụp mí, khả năng tập trung kém, lo lắng hồi hộp, nóng, vã mồ hôi, run chân tay, tăng nhịp tim, sụt cân, chậm lớn…

Việc khám sức khỏe định kỳ cho trẻ nhỏ tại các cơ sở y tế chuyên khoa cũng giúp phát hiện sớm bệnh, kịp thời điều trị tránh biến chứng nguy hiểm", bác sĩ Bầu khuyến cáo. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem