Nguyên Bí thư Bình Định cảnh báo vụ đề xuất nhận chìm 400.000m3 bùn, cát

Dũ Tuấn Thứ năm, ngày 02/11/2017 15:14 PM (GMT+7)
Khi xảy ra sự cố nhận chìm hơn 400.000m3 bùn, cát xuống biển Bình Định thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Bình luận 0

Dân từ chối, đừng triển khai

Ngày 2.11, trao đổi với Dân Việt, ông Tô Tử Thanh - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho biết đã nắm được thông tin ban đầu về việc Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định cấp phép nhận chìm với khối lượng dự kiến ban đầu hơn 400.000m3 bùn, cát nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn.

Ông Thanh cho hay: “Tôi đang băn khoăn chính quyền địa phương sẽ đồng ý nhận chìm bùn, cát ở vị trí nào. Thực tế, ngoài bờ biển Quy Nhơn có dòng hải lưu nên nhận chìm không đúng vị trí gây hậu quả rất phức tạp, ảnh hưởng đến môi trường, người dân. Khi xuất hiện bão, lũ sẽ tác động đến toàn bộ khối lượng nhận chìm và làm đen hết biển Quy Nhơn, những chất bẩn sẽ đẩy vào thành phố”.

img

Trước đây, khi chất thải tấp vào bờ biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định tốn rất nhiều kinh phí để dọn dẹp. Ảnh: D.T

Theo ông Thanh, trước đây chủ trương lấp 12ha biển đoạn eo Mũi Tấn (TP.Quy Nhơn) làm dự án du lịch đã để lại hậu quả, làm đục biển Quy Nhơn. Vì vậy, việc nhận chìm bùn, cát... lần này cần phải xem xét cẩn trọng.

“Thời tôi làm Phó chủ tịch, Chủ tịch, Bí thư tỉnh ủy chưa thấy ai nhắc đến chuyện này. Vì vậy, việc nhận chìm dứt khoát phải công khai cho người dân được biết, thông báo về thời gian, phương pháp và đưa ra cảnh báo tác hại cụ thể. Nếu người dân không đồng ý thì không nên triển khai”, ông Thanh nói.

Ông Thanh đưa ra lời khuyên,  Bộ TNMT, Bộ GTVT và chính quyền tỉnh Bình Định cần “ngồi lại” đánh giá tác động môi trường, tránh ảnh hưởng đến người dân. Phải cam kết nếu "xảy ra chuyện”, người đứng đầu lãnh đạo địa phương, đơn vị đưa ra quyết định phải chịu tránh nhiệm trước dân.   

Đánh đổi tài nguyên, không nên “làm liều”

Trong khi đó, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch tại Quy Nhơn cho rằng việc nhận chìm bùn, cát chắc chắn gây ảnh hưởng đến độ trong của nước biển. Họ lo lắng, khi thay đổi dòng chảy, lớp bùn thải sẽ được đẩy vào bờ, khiến các vùng biển ven bờ bị đục. Tất cả những vấn đề này, về lâu dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Phạm Kiên Trung - Giám đốc Công ty TNHH Du Lịch Miền Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định - cho biết: “Việc nhận chìm bùn, cát chắc chắn tác động tiêu cực đến nhiều vấn đề, nơi sinh trưởng của các loại thủy hải sản tầng đáy và môi trường biển khu vực. Vùng biển Quy Nhơn là nơi sinh sống của rất nhiều loài tôm, cá... vì vậy khi thay đổi môi trường sẽ gây hại đến nguồn lợi thủy sản. Đối với môi trường du lịch, đổ bùn ở khu vực xa bờ có tác động rất lớn, khiến biển Quy Nhơn thiếu đi độ trong. Vì bùn thường ở khu vực ven biển cửa sông, bây giờ đưa ra xa, biển Quy Nhơn chắc chắn sẽ đục liên tục, cảnh quan ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Ông Trung đưa ra dẫn chứng, hiện nay thành phố Quy Nhơn đang sở hữu rất nhiều thiên đường biển. Độ trong của biển là giá trị đặc biệt, tài nguyên vô giá mà vùng đất Bình Định nắm giữ. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ việc nhận chìm bùn, cát và không nên “làm liều” khi đánh đổi giá trị tài nguyên.

“Nếu xảy ra sự cố thì việc khắc phục là chuyện không thể. Chẳng ai lại tiếp tục đi múc bùn dưới đáy để đổ chỗ khác. Cái này phải hết sức thận trọng, nếu là cát sạch thì là câu chuyện khác nhưng đây là bùn nên ảnh hưởng rất lớn. Cần có đánh giá tác động môi trường, tổ chức hội thảo mời các nhà khoa học tham dự, đóng góp ý kiến rồi mới đưa ra quyết định", ông Trung bày tỏ.

Trước đó, Dân Việt đã đưa tin, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định cấp phép nhận chìm với khối lượng dự kiến ban đầu hơn 400.000m3 bùn, cát nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn. Theo đề nghị của Cục Hàng hải Việt Nam, tọa độ vị trí nhận chìm là ngoài phao số 0 - theo quy định tối thiểu 2,5km từ bờ biển trở ra. Chính quyền tỉnh Bình Định đã thống nhất về mặt chủ trương đồng ý việc lập dự án và yêu cầu đánh giá tác động môi trường cụ thể... trước khi đưa ra quyết định cấp phép.

Nếu tác động xấu, biển nhiều tỉnh sẽ "chết"

Trao đổi với Dân Việt, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang - cho rằng, việc nhận chìm ở biển rất “nhạy cảm” nhưng không thể không thực hiện vì nhu cầu phát triển kinh tế. Thậm chí, các nước trên thế giới còn chôn cả chất độc nhưng cách làm bài bản, đúng quy trình, làm vì mục tiêu dân sinh nên được người dân ủng hộ.

“Ở nước ta, họ hay nói có gì tôi lấy tiền đền bù khi xảy ra sự cố nhưng đối với môi trường, tiền không quan trọng, môi trường tuyệt đối không bàn đến chuyện lấy tiền đền bù. Các nước khác, không chỉ xử lý người trực tiếp gây ra ô nhiễm mà còn xử cả người ký quyết định, ban tư vấn tham mưu. Tất cả những người góp tay tạo ra sự cố đó đều sẽ bị trừng trị theo pháp luật. Vì vậy, tỉnh Bình Định phải làm việc có khoa học, có cơ quan tư vấn, đánh giá tác động dự án nhận chìm thật rõ ràng và mang ra cho người dân bàn công khai, xem họ có thống nhất không. Nếu bị ảnh hưởng thì không chỉ riêng biển Bình Định “chết” mà mà các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa đều bị ảnh hưởng”, Tiến sĩ An dẫn chứng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem