Tập đoàn An Đông bị nhắc tên trong đề nghị kỷ luật của Uỷ Ban Kiểm tra Trung ương

Khánh Ly Thứ bảy, ngày 15/06/2024 15:47 PM (GMT+7)
CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông - "mắt xích" quan trọng trong Đại án Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan vừa bị "gọi tên" trong kết luận đề nghị kỷ luật của ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Bình luận 0

Theo kết luận đề nghị kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Tài chính đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Tài chính và một số tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý nhà nước và tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách về phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại các doanh nghiệp. Trong đó có các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn An Đông (tức CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông).

Tập đoàn An Đông "hút" gần 25.000 tỷ đồng trái phiếu như thế nào?

Tập đoàn An Đông đã phát hành 3 lô trái phiếu với tổng giá trị lên đến gần 25.000 tỷ đồng. Cả 3 lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 5 năm và được lưu ký tại CTCP Chứng khoán Tân Việt.

Trong đó, có 2 lô trái phiếu mã ADC-2018.09 và ADC-2018.09.1 được phát hành vào tháng 9/2018, kỳ hạn trả lãi lần lượt là 3 tháng và 6 tháng. Với kỳ hạn 5 năm, 2 lô trái phiếu này đã đáo hạn ngày 10/09/2023.

2 lô trái phiếu mã ADC-2018.09 và ADC-2018.09.1 có mệnh 100.000 đồng/trái phiếu với tổng số lượng trái phiếu phát hành lần lượt là 119,7 triệu trái phiếu và 30 triệu trái phiếu. Như vậy, tổng giá trị phát hành của 2 lô trái phiếu này là gần 15.000 tỷ đồng.

Tập đoàn An Đông bị nhắc tên trong đề nghị kỷ luật của Uỷ Ban Kiểm tra Trung ương- Ảnh 1.

Thông tin 3 lô trái phiếu Tập đoàn An Đông đã phát hành. Nguồn: Cbonds.hnx.

Đến năm 2019, Tập đoàn Đầu tư An Đông phát hành thêm một lô trái phiếu ADC-2019.01 trị giá 10.000 tỷ đồng, đáo hạn ngày 22/01/2024. Như vậy, giai đoạn 2018 - 2020, Tập đoàn Đầu tư An Đông đã trả lãi trái phiếu tổng cộng hơn 2.854 tỷ đồng cho cả 3 lô trái phiếu.

Tại kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan, Bộ Công an kết luận Tập đoàn An Đông đã phát hành thành công 3 lô trái phiếu mã ADC-2018.09, ADC-2018.09.1 và ADC-2019.01 với tổng dư nợ 24.969 tỷ đồng không có tài sản đảm bảo.

Với lô trái phiếu mã ADC-2018.09, có tổng trị giá 11.969 tỷ đồng ghi nhận có 5 công ty ký với Tập đoàn An Đông các hợp đồng đặt mua trái phiếu, sau đó chạy dòng tiền "khống" thanh toán để hợp thức tư cách trái chủ sơ cấp. 5 công ty bao gồm: Công ty VIPD mua sơ cấp 20 triệu trái phiếu, Công ty VN GROUP mua sơ cấp 50 triệu trái phiếu, Công ty WMC mua sơ cấp 30 triệu trái phiếu, Công ty Tập đoàn Đầu tư VTP mua sơ cấp gân 4,7 triệu trái phiếu và Công ty DUC mua sơ cấp 15 triệu trái phiếu. 

Với cách thức thực hiện tương tự, Tập đoàn An Đông đã ký hợp đồng đặt mua trái phiếu với Công ty VIPD, mua sơ cấp 30 triệu trái phiếu của mã ADC-2018.09.1, trị giá 3.000 tỷ đồng. Vào các ngày 4, 5, 6 và 7/9/2018, Công ty VIPD đã thực hiện 13 giao dịch chuyển thanh toán 5.000 tỷ đồng cho Tập đoàn An Đông đến tài khoản số 00099526868 mở tại Ngân hàng SCB.

Cuối cùng là mã trái phiếu ADC-2019.01, Công ty WMC là công ty duy nhất ký với Tập đoàn An Đông để mua sơ cấp 100 triệu trái phiếu, trị giá 10.000 tỷ đồng. Sau đó, Công ty WMC đã thực hiện chuyển 10.000 tỷ đồng cho Tập đoàn An Đông đến tài khoản 00099526868 mở tại Ngân hàng SCB.

Bộ Công an xác định, cả 3 lô trái phiếu trên đều trong tình trạng không có khả năng thanh toán. Đặc biệt, Bộ Công an xác định tổng số người bị hại (tức trái chủ thứ cấp) là hơn 38.000 người.

Tập đoàn An Đông - "mắt xích" quan trọng trong đại án Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan kinh doanh ra sao?

Dữ liệu của Dân Việt cho thấy, Tập đoàn An đông được thành lập ngày 20/4/2007. Địa chỉ trụ sở chính là 193-203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo pháp luật tại thời điểm thành lập doanh nghiệp là ông Kwok Hakman Oliver (SN 1954, quốc tịch Úc) và ông Dương Duy Mỹ (SN 1975) - Tổng giám đốc Tập đoàn An Đông.

Tuy nhiên, tháng 2/2015, ông Dương Duy Mỹ thôi giữ chức vụ Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn An Đông. Do vậy, Tập đoàn An Đông chỉ còn ông Kwok Hakman Oliver làm người đại diện theo pháp luật, kiêm chức vụ Tổng Giám đốc.

Tại thay đổi hồi tháng 1/2018 cho thấy, Tập đoàn An Đông có vốn điều lệ 9 tỷ đồng, tuy nhiên, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. Lãnh đạo thượng tầng của Tập đoàn An Đông lúc này gồm có: Ông Kwok Hakman Oliver đảm nhiệm vị trí Giám đốc, Tổng giám đốc; bà Ngô Thanh Nhã - Chủ tịch HĐQT.

Ngoài ra, bà Trương Huệ Vân (cháu gái Trương Mỹ Lan) và ông Trương Lập Hưng cùng giữ chức vụ Thành viên HĐQT. Còn bà Lê Thị Thu, bà Nguyễn Thụy Mỹ Thanh, ông Nguyễn Văn Thoại cùng là Thành viên Ban Kiểm soát.

Thay đổi gần nhất là tháng 4/2021 cho thấy, Tập đoàn An Đông hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Dù huy động thành công khối nợ lên đến 25.000 tỷ trong chớp mắt, nhưng Tập đoàn An Đông lại có hoạt động kinh doanh không mấy lấp lánh. 

Tập đoàn An Đông bị nhắc tên trong đề nghị kỷ luật của Uỷ Ban Kiểm tra Trung ương- Ảnh 2.

Một số chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn An Đông. Nguồn: Dân Việt tổng hợp.

Cụ thể, năm 2018, Tập đoàn An Đông báo lãi sau thuế 155,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến giữa 2020, Tập đoàn An Đông ghi nhận lợi nhuận lao dốc không phanh, từ lãi 37,6 tỷ đồng (năm 2019) xuống lỗ 22,8 tỷ đồng.

Theo đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm dần từ 1,64% (năm 2018) xuống 0,4% (năm 2019) và âm 0,25% (6 tháng đầu năm 2020).

Ngược chiều, tổng nợ phải trả của Tập đoàn An Đông có xu hướng "phình to". Tại ngày 30/6/2020, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này là 36.897 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm 2019 nhưng tăng 39% so với năm 2018 (26.623 tỷ đồng).

Trước đó, hồi cuối tháng 3/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 113/QĐ-XPHC về việc xử phạt 92,5 triệu đồng đối với hành vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông.

Theo quyết định, Tập đoàn Đầu tư An Đông không công bố đối với các thông tin phải công bố theo quy định. Đó là việc công ty không gửi nội dung công bố thông tin định kỳ cho Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) về Báo cáo tài chính năm 2020 và năm 2022; Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện bán niên 2023.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Đầu tư An Đông cũng không báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ năm 2020 và 2022; Báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2020 và năm 2022; Báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu năm 2022. Ngoài ra, công ty này cũng không công bố thông tin đúng thời hạn về Báo cáo tài chính bán niên trong năm 2021 - 2022 và tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên 2021...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem