Nguyên Chủ tịch EVN: Người làm điện không muốn và không độc quyền

Đào Văn Hưng - Nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam Thứ tư, ngày 21/06/2023 07:45 AM (GMT+7)
Ông Đào Văn Hưng - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, người làm điện không muốn và không độc quyền cả 3 khâu phát điện - truyền tải điện và phân phối điện. Hiện nay cấp trên giao EVN quản lý từng cấp độ đảm bảo lợi ích Nhà nước và nhân dân.
Bình luận 0

LTS: Dân Việt xin trích đăng bài viết của ông Đào Văn Hưng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đây là quan điểm của tác giả và Báo Dân Việt kính mời bạn đọc là chuyên gia, doanh nghiệp có bài viết bày tỏ quan điểm và gửi về báo. Ban Biên tập báo NTNN/Dân Việt sẽ rất trân trọng.

Thời gian qua, câu chuyện về ngành điện trở thành vấn đề thời sự nhận được sự quan tâm của dư luận. Sức nóng của vấn đề đã trực tiếp lan tỏa tại các phiên thảo luận tổ, thảo luận hội trường cũng như phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đặc biệt là từ khi tình trạng cắt điện diễn ra đang làm ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân và các doanh nghiệp cũng "dở khóc, dở cười" vì bị cúp điện. Nguyên nhân đưa ra rất nhiều, song quy tụ lại nhiều ý kiến vẫn là "đổ" cho ngành điện độc quyền. Vậy điều đó có đúng không? Với tư cách là người rất nhiều năm làm trong ngành điện, ông Đào Văn Hưng - nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết để mọi người có thể tự lý giải về vấn đề này một cách khách quan nhất.

Nguyên Chủ tịch EVN: Người làm điện không muốn và không độc quyền - Ảnh 1.

Câu chuyện về ngành điện trở thành vấn đề thời sự nhận được sự quan tâm của dư luận. (Ảnh: EVN)

EVN có độc quyền về điện?

Với khâu phát điện: Sau ngày giải phóng đến nay, Nhà nước luôn khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế và nước ngoài tham gia đầu tư nhà máy điện. Các nhà đầu tư (NDT) nước ngoài đã nhanh chóng "nhập cuộc" tìm hiểu, khảo sát cũng như tính toán thời gian thu hồi vốn, lợi nhuận, rủi ro … Cuối cùng, chỉ có 8 nhà máy nhiệt điện BOT (xây dựng, vận hành, chuyển giao), với tổng công suất chiếm khoảng 9,7% trong hệ thống điện. Trong đó, nhà máy nhiệt điện BOT vận hành sớm nhất là Phú Mỹ 2.2 vào năm 1/3/2004.

Quá trình đàm phán với nhà đầu tư BOT phải rất trường kỳ (thường trên 10 năm mới xong hợp đồng BOT), vì họ đưa ra các điều kiện gần như bất khả kháng, trong đó có thiên tai, địch họa, quyền chuyển đổi ngoại tệ, rủi ro về chính trị và lợi nhuận trên 15%, nên phía Việt Nam khó đáp ứng.

Trong nước, các nhà đầu tư trong nước đầu tư mạnh mẽ nhất như Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và rất nhiều nhà đầu khác cũng tham gia.

Đến nay, có 426 nhà máy điện, trong đó EVN có 20 nhà máy, các Tổng công ty Phát điện (Genco 1;2&3) có 37 nhà máy, và 369 nhà máy của các Tâp đoàn, Tổng công ty và tư nhân. Loại hình nhà máy cũng rất phong phú, bao gồm nhiệt điện, thủy điện, điện mặt trời, điện gió, đều có mặt của tất cả các thành phần kinh tế trong nước và người nước ngoài.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, Hiện EVN chiếm 38,5% tổng công suất toàn hệ thống, các đơn vị ngoài chiếm 61,5%.

Các Tổng công ty Phát điện (Genco 1;2&3) thuộc EVN, nay cũng đã cổ phần hóa Genco 2 và 3, trong khi Genco 1 đang quá trình lập hồ sơ cổ phần hóa. Điều đáng nói, sau khi được cấp trên duyệt giá, chào bán trên sàn, cổ đông bên ngoài mua rất ít, Genco 3 chỉ bán ra được 0,87% và Genco 2 bán ra được 0,13% số cổ phần chào bán. Nhiều lý do được đưa ra như vốn quá lớn trong khi nhà đầu tư Việt Nam thì vốn không nhiều và trở ngại chính vẫn là giá đầu ra thấp, nguy cơ lỗ.

Vài năm qua, Chính phủ có cho đầu tư năng lượng tái tạo với giá lên tới 9,35 USD cent/kWh, thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia và công suất tăng thêm 20.000 MW. Phải nói, đây là đợt đầu tư nhanh, lượng lớn công suất, huy động được nguồn lực trong xã hội. Nhờ đó mà đáp ứng được yêu cầu của người dùng điện phía Nam.

Nhìn chung, khâu phát điện gần 50 năm nay thực hiện theo đúng chủ trương của Nhà nước, luôn muốn có nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư vào ngành điện để đủ điện cho dân dùng.

Với phân tích trên cho thấy: Khâu phát điện đã được xã hội hóa.

Về khâu phân phối điện: EVN đã thực hiện thí điểm cổ phần hóa Công ty Điện lực Khánh Hòa từ năm 2005. Tiếp đó, EVN đề xuất cổ phần hóa tất cả các công ty điện lực tỉnh, nhưng cấp trên cho rằng: Vùng nông thôn chịu nhiều gian khổ trong chiến tranh, không có điện là thiệt thòi cho dân, cần phải điện khí hóa (lúc đó vùng nông thôn cả nước mới có điện 50 - 70%). EVN hiểu rõ, đấy là sự tri ân của Nhà nước đối với đồng bào đã cống hiến trong các cuộc kháng chiến, nên đã không tính toán thiệt hơn, nên vốn đầu tư hầu như không thu hồi được, vì suất đầu tư trên hộ dân rất cao, giá điện rẻ dẫn đến lỗ nặng (nếu khi cổ phần hóa các cổ đông sẽ không đồng ý bỏ vốn đầu tư điện nông thôn).

Nay EVN đã đưa điện về 100% số xã và 99,58% số hộ nông thôn. Cơ bản điện khí xong nông thôn, rất thuận lợi cho việc cổ phần hóa. Và đương nhiên, EVN rất muốn cổ phần hóa nhanh để có nguồn vốn đầu tư tiếp...

Tại khâu truyền tải điện: Truyền tải - nói nôm na giống như động mạch chủ trong cơ thể người. Để đảm bảo an ninh năng lượng, nhiều quốc gia do Nhà nước nắm giữ, nhưng gần đây cũng có một số quốc gia đã cổ phần hóa lưới truyền tải.

Những năm vừa qua, Nhà nước Việt Nam cũng đã cho phép Tập Đoàn Trung Nam và 3 đơn vị khác xây dựng lưới truyền tải siêu cao áp đường dây và trạm 500 kV. Ngoài ra, từ trước đến nay các khách hàng cũng tự xây dựng rất nhiều đường dây và trạm 110 kV và 220 kV đấu nối vào lưới điện quốc gia. Như vậy, khâu truyền tải cũng đang xã hội hóa mạnh.

Tóm lại, người làm điện không muốn và không độc quyền cả 3 khâu phát điện- truyền tải điện và phân phối điện. Hiện nay cấp trên giao EVN quản lý từng cấp độ đảm bảo lợi ích Nhà nước và nhân dân.

Với tình hình đầu tư chậm và giá điện như hiện nay, nguy cơ thiếu điện có thể tiếp diễn. Theo kinh nghiệm của 1 số quốc gia, việc thành lập thị trường điện là cấp thiết. điều này sẽ giúp giải quyết được vấn đề thiếu điện. Bài học thành công thị trường điện tại Philippine và Úc cho thấy rất rõ. Do đó, nên chăng khẩn trương thiết lập thị trường điện tại 1 tổng công ty điện lực hoặc chọn ra 1 miền để thực hiện thí điểm cùng lúc cả 2 bước mua buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh (hiện nay cũng đã có 1 vài công ty tư nhân về phân phối điện bán lẻ điện cũng rất cạnh tranh với công ty điện lực Nhà nước). Sau 1 năm tổng kết, đánh giá và hoàn chỉnh hệ thống quản lý, sau đó triển khai toàn quốc.

Tất cả các mặt hàng đều theo thị trường, duy nhất chỉ có sản phẩm điện không theo thị trường thì không thể tồn tại ổn định và phát triển được, như thực tế đang hiện hữu.

Giá điện nhập khẩu "đắt"

Dư luận cũng phản ứng khá gay gắt với việc EVN phải mua điện của nước láng giềng với giá đắt. Vậy, thực tế thế nào?

Hiện nay EVN có mua bán điện với 3 nước láng giềng: Lào, Campuchia và Trung Quốc - đây là những chia sẻ quí báu, hỗ trợ nhau.

Với Lào, EVN mua điện cao áp, giá mua của Nhà máy điện Xekaman 3 là 5,62 USDcent/kWh và Xekaman 1 với giá 1,493 đ/kWh để bán điện ở cấp điện áp 35 - 22 kV cho vùng biên giới với giá 9,48 USDcent/kWh.

Với Campuchia, EVN bán điện cao áp 220 kV đến PhnomPenh giá theo giờ và theo mùa. Trong mùa khô - giờ cao điểm (12,87 USDcent/kWh), giờ bình thường(11,44 USDcent/kWh), giờ thấp điểm (9,72 USDcent/kWh). Mùa mưa, giá thấp hơn một ít.

Với Trung Quốc, trong khoảng thời gian từ năm 2005 - 2006, theo tính toán, thì 6 tỉnh phía Bắc phải cắt điện vì thiếu điện nghiêm trọng. Đây là những tỉnh biên giới có liên quan đến an ninh và đời sống người dân vùng cao, EVN tính sơ bộ 2 phương án cấp điện: Lắp 6 nhà máy diesel tại 6 tỉnh, vốn đầu tư khoảng 1.000 -1.500 tỷ đồng, chạy dầu DO, giá thành 2.500 - 3.000đ/kWh, thời gian thiết kế, đặt hàng thiết bị, xây dựng 2 - 3 năm; hoặc xây dựng nhà máy chạy than, thời gian xây dựng 5 - 6 năm, vốn đầu tư khoảng 7.000 - 9.000 tỷ đồng công suất 1.000 MW (tùy công nghệ) để kết hợp cấp điện cho một số địa phương khác.

Nhưng cả 2 phương án trên đều không khả thi, vì số vốn đầu tư lớn và không kịp nhu cầu cấp bách. Trước tình hình đó, EVN đã đàm phán với nước bạn và Trung Quốc sẵn sàng xây dựng đường dây 220 kV cấp điện cho Việt Nam.

Hai bên làm việc liên tục trong 3 ngày để ký các thỏa thuận về xây dựng, đấu nối lưới, phương thức vận hành, các điều khoản hợp đồng mua bán điện. Hai bên cam kết thi công nhanh nhất, ngay sau đó 2 bên khảo sát, phóng tuyến, thiết kế xong móng nào là duyệt ngay để thi công, địa hình xây dựng cả 2 bên đều hiểm trở. Hai bên trao đổi đôn đốc đưa ra các biện pháp thi công sáng tạo và táo bạo nhất, cùng nhau cùng xây dựng đường dây điện mỗi bên, cuối cùng cả 2 bên đều đạt tiến độ.

Phía Việt Nam có 2 xuất tuyến gồm: Hà Giang đi Mutalang và Lào Cai đến Guman. Tổng giá trị xây dựng 2 đường dây 220kV phía Việt Nam khoảng 215 tỷ đồng. Hợp đồng mua bán điện có hiệu lực thi hành ngay, với giá có thể nói là hữu nghị 4,5 cent/ 1kwh (hàng năm có tính trượt giá theo thông lệ quốc tế). Điều đáng mừng là 6 tỉnh phía Bắc không bị cắt điện trong những năm qua. Đến nay, EVN vẫn duy trì đàm phán mua sản lượng điện 220 kV theo mùa, mùa khô giá 6,32 cent/1 kWh, mùa mưa giá 5,17 cent/1kwh, thấp hơn giá so với giá phát nhiệt điện FO, DO, kể cả với giá 1 số nhiệt điện than và giá mua điện mặt trời 9,35 cent /1kwh. Song về lâu dài, EVN vẫn đang tìm giải pháp thay thế điện mua.

Nguyên Chủ tịch EVN: Người làm điện không muốn và không độc quyền - Ảnh 3.

Tính đến 8 giờ ngày 14/6 miền Bắc chỉ còn duy nhất Hòa Bình phát điện (Ảnh EVN).

EVN có tiền gửi lấy lãi mà kêu lỗ

Có thông tin cho rằng: Năm tổng công ty điện lực (Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh) năm 2021 có tiền gửi ngân hàng, mà EVN lại kêu lỗ để đòi tăng giá điện.

Cụ thể, năm 2021 EVN có lãi. Năm 2022 EVN báo cáo lỗ trên 26.000 tỷ đồng do chi phí đầu vào tăng cao (hợp đồng mua điện thì chi phí nhiên liệu theo nguyên tắc chuyển ngang).

Hầu hết mọi người đều hiểu rằng hoạt động của bất cứ doanh nghiệp nào cũng luôn có dòng tiền luân chuyển trong tài khoản để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn, dài hạn đến kỳ phải trả (bao gồm nợ vay ngân hàng để đầu tư phải trả gốc và lãi, nợ mua nguyên, nhiên, vật liệu, trả lương, nộp thuế, nộp phạt, cấp vốn thanh toán đầu tư …, đặc biệt khoản lớn nhất là trả tiền mua điện hàng tháng). Theo định mức tính toán, 5 tổng công ty điện lực phải có dòng tiền trên 40.000 tỷ đồng.

Năm 2021 doanh thu của 5 tổng công ty điện lực khoảng trên 400.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng thu trên 33.000 tỷ đồng (thu rải ra theo chu kỳ ghi chữ số hàng tháng của trên 20 triệu khách hàng dùng điện). Tiền về, đương nhiên phải gửi vào tài khoản ngân hàng rồi trả cho các khoản nói trên. Chưa nói đến tiền cổ tức từ cổ phần hóa các nhà máy điện, trích lập quỹ đầu tư phát triển 30%, quỹ khen thưởng phúc lợi, 3 tháng lương… Khi gửi tiền, doanh nghiệp phải tính toán thời điểm chi ra và "khôn" nhất là gửi lấy lãi có kỳ hạn, hoặc không có kỳ hạn từ những khoản chờ thanh toán, để cuối năm cộng gộp vào lợi nhuận của doanh nghiệp.

Năm 2022, EVN lỗ nhưng vẫn bán điện,vẫn có dòng tiền trên 400.000 tỷ đồng ra vào tài khoản, vẫn có lãi tiền gửi.

Năm 2023, EVN lỗ nặng hơn nhưng vẫn bán điện,vẫn thu tiền trên 400.000 tỷ ra vào tài khoản, vẫn có lãi tiền gửi. Nếu tiếp tục lỗ, đến thời điểm nào đó mất khả năng thanh toán, không còn dòng tiền thì lúc đó mới hết lãi tiền gửi. Lúc đó, đồng nghĩa với việc EVN hết khả năng bán điện (tình huống này chắc là khó xảy ra). Nó cũng giống như máu lưu thông trong người, hết máu thì tim cũng ngừng đập.

Theo nguyên tắc kế toán, phải hạch toán rành mạch lãi (lỗ) kinh doanh điện riêng, lãi tiền gửi riêng, lãi kinh doanh khác riêng. Và cuối cùng, sẽ cộng trừ ra lãi (lỗ) của doanh nghiệp. Lãi (lỗ), số dư tiền gửi, nợ quá hạn, nợ xấu, thuế phải nộp là những nội dung quan trọng mà các đoàn thanh kiểm tra cấp trên khó có thể bỏ sót.

Là tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, EVN không thể lãi mà báo lỗ 26.000 tỷ đồng. Hơn bao giờ hết, rất mong tất cả bàn tay khối óc tập trung giúp EVN và ngành Điện Việt Nam các kế sách, giải pháp "cứu nguy" cho tình trạng thiếu điện như hiện nay, cũng như thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem