Nguyễn Hoàng Điệp: "Người ta bảo tôi hâm, giờ còn ai thích thơ nữa"

Hà Thúy Phương Thứ năm, ngày 18/04/2019 18:29 PM (GMT+7)
Khi lôi kéo mọi người đọc thơ thì Nguyễn Hoàng Điệp bị bảo là hâm, nhưng chị không dừng lại và "Se sẽ thôi kẻo cánh buồm bay mất" kỷ niệm 71 năm ngày sinh Lưu Quang Vũ đã diễn ra với rất đông người tham dự vào tối qua 17.4.
Bình luận 0

img

Nguyễn Hoàng Điệp (bên phải) làm MC trong "Se sẽ thôi kẻo cánh buồm bay mất"

Đêm thơ thành công có khiến Nguyễn Hoàng Điệp hài lòng không?

- Mình không hài lòng vì không gian này chưa đủ rộng để có nhiều người được tham gia hơn. Còn với mỗi sự kiện văn hóa, thành công đối với mình là trải nghiệm của khán giả, những người tham gia, họ cảm thấy được truyền cảm hứng chứ không phải là ở thiết bị hay người tổ chức.

Tại sao chị lại tổ chức sự kiện này?

- Mình rất mê thơ của Lưu Quang Vũ, thơ anh là chỗ dựa tinh thần cho các thế hệ 6x, 7x, 8x, thế hệ sau thì họ không đọc chứ nếu đọc thì ai cũng thấy tìm thấy trong thơ của Lưu Quang Vũ phần xáo động của tuổi trẻ, và một phần mạnh mẽ khao khát của người trưởng thành. Đó là điều thuộc tâm thế nhân loại, bạn là ai, quốc tịch màu da nào thì cũng trải qua từng ấy thứ.

img

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp 

Khi tìm hiểu những tư liệu về vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ, có điều gì khiến chị bất ngờ không?

- Hay lắm! Ví dụ mình chỉ nghe đồn đại một số thứ thì giờ dựa lên những văn bản cụ thể, mình biết đưoqjc rất rõ ràng về ngày đó tháng đó anh đã ghi thế, anh đã gặp chuyện thế, thông qua cả lời kể của chị Quỳnh trong nhật ký của chị. Chị kể là ngày đó anh viết bài thơ đó, sau 2-3 năm sau khi ra bản thảo, anh lại ghi đè lên bản thảo đó, có rất nhiều trang gạch xóa đè lên, ghi là “trang này không xứng đáng”, chỉ khi tiếp cận trên văn bản thì mình mới biết được và rất xúc động.

Có những văn bản thơ như trong bài “Ru em ngủ”: “Người đi đường mệt mỏi ơi, ngủ đi cho lại sức/Như chưa hề khổ nhọc” thì chữ “nhọc” là chữ “nhục”, mình sẽ hiểu được là nhà thơ viết thế, ra văn bản lại thế, thì mình phải tự có câu hỏi đặt ra và câu trả lời dựa trên xác thực của văn bản. Mặc dù có rất nhiều lời kể và lời kể dựa trên tình yêu với nhà thơ. Việc này như là mình được dựng lại một thứ đã mất thông qua giấy tờ cụ thể.

img

Không gian thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh được Nguyễn Hoàng Điệp sắp đặt

Có điều gì khiến bạn trăn trở khi làm công việc này?

- Một cái mình không biết là giọng nói của anh như thế nào. Mình phát hiện ra một người nổi tiếng như thế lại không có một tư liệu hình ảnh video nào ngoại trừ 2 phút quay đám tang là cái ảnh trên bia mộ. Bạn sẽ phải đặt câu hỏi vì sao lại thế và tìm câu trả lời. Một nhà thơ từng có lúc có những câu thơ dữ dằn như thế thì giọng anh như thế nào, khi cáu giận anh như thế nào, qua lời kể của chị gái anh, mình cũng hình dung ra được điều đó.

Mọi người nói rằng anh dũng cảm, đi trước thời đại, Nhưng đó là những từ chung chung, anh Vũ là người cụ thể, không chung chung, chị Quỳnh cũng vậy, hai bài thơ cuối cùng họ viết cho nhau chúng ta đã biết, nhưng nếu đọc những bài thơ trước của họ thì sẽ hiểu tại sao lại như thế, nó khiến ta càng day dứt hơn, thương mến hơn hoặc nhẹ nhõm hơn dựa trên sự biên tập văn bản.

img

Các bản thảo của Lưu Quang Vũ

Có khó khăn gì khi bạn tạo dựng một điều gì đó từ những văn bản chết không?

- Mình sắp xếp không gian này là có ý đồ, mình đặt bài thơ này của chồng gần bài thơ kia của vợ là có sự song hành về ý tứ, thời gian, bạn chỉ có thể nhìn vào văn bản để tìm cho mình câu trả lời. Khi nào văn bản đầy đủ thì mình sẽ có một hình ảnh rõ ràng về nhân vật. Nó là văn bản chết từ giấy, nhưng nó hoàn toàn cho mình rất nhiều thứ chứ không phải chết, nhất là ai có ký ức, có trầm tích, biết hoàn cảnh sống và từng nghe những lời đồn đại thời bấy giờ, càng xây dựng được con người thơ chính xác, mà con người thơ thì quyết định thơ.

img

Nhiều bản thảo của Lưu Quang Vũ bị tẩy xóa, ghi đè với thời gian khác nhau

Chị có định làm phim về họ?

- Không, mình chưa nghĩ đến điều đó, mình chỉ nghĩ họ là những người xứng đáng được tìm hiểu với bất cứ loại hình nào chứ không cứ phải là phim ảnh.

Chị có thể chia sẻ về sự kiện tiếp theo về Lưu Quang Vũ chị đang ấp ủ?

- Mình đang dự định phục dựng được một căn phòng thơ thật nhất, căn phòng bây giờ chủ yếu theo hướng sắp đặt theo cách nhóm mình hiểu vể anh. Nếu có văn bản xác thực trên tay, mình mong sẽ phục dựng được không gian như thật.

img

Không gian của bài thơ "Nhà chật"

Hôm nay có rất nhiều người trẻ chưa từng sống trong giai đoạn của nhà thơ đến nghe, chị thấy thế nào về điều này?

- Mỗi năm mình đều lôi kéo mọi người đọc thơ vì thơ sẽ làm cho mọi người đẹp hơn, giàu hơn, xinh đẹp hơn, nhưng những người yêu quý mình bảo mình hâm, giờ ai còn thích thơ nữa. Khi mình nói tổ chức sự kiện này, mọi người cũng bảo mình hâm, lấy đâu ra kinh phí. Nhưng khi gần đến ngày diễn ra sự kiện, mọi người lại book vé ra dự rồi trách mình sao không tổ chức to hơn, tử tế hơn. Mình đã lường trước được là câu chuyện này sẽ khiến cho nhiều người xúc động ngay cả khi họ không biết Vũ và Quỳnh là nhà thơ, vì không gian này vô cùng tạo cảm hứng. Mình cũng là người bình thường, mình chỉ yêu thơ, mình đã lên không gian đó và cảm thấy xúc động thì những người khác cũng sẽ cảm thấy như vậy.

Khi đọc bài “Nhà chật” thì ta chỉ thấy sao nó thơ thế, duyên dáng thế, tình thế, nhưng thực tế là nó rất thật, tất cả điều đó nhắc nhớ cho mọi người là có những thứ mọi người phải được nhìn, trải nghiệm và thơ cho thấy sự chân thật nhất cho dù là tưởng tượng.

Nguyễn Hoàng Điệp (sinh năm 1982) là nhà làm phim độc lập nổi bật của Việt Nam với "Đập cánh giữa không trung" (2014), đã dự các LHP quốc tế, nhận được nhiều giải thưởng, được nước Pháp trao tặng huân chương Hiệp sĩ Văn chương và Nghệ thuật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem