Xã hội hiện đại, nam nữ bình đẳng, chuyện phụ nữ làm những chuyện giống đàn ông đã chẳng có gì phải bàn cãi. Thế nhưng ở thời cổ đại, địa vị của phụ nữ vô cùng thấp kém, bị ràng buộc bởi rất nhiều quy tắc, quy định về lễ giáo.
Người xưa quan niệm, hành vi cử chỉ của một người sẽ phản ánh ra sự tu dưỡng của bản thân người đó. Vì vậy, mỗi cử chỉ đi, đứng, ăn uống, hay ngồi đều phải tuân theo các nguyên tắc, chuẩn mực vô cùng chi tiết. Chỉ cần mắc lỗi nhỏ, ví dụ như ngồi sai, phụ nữ cũng có thể bị chồng ruồng bỏ.
Trong các bộ phim cổ trang lịch sử Trung Quốc, ghế đã trở thành vật dụng xuất hiện hết sức phổ biến thế nhưng trên thực tế, phải tới cuối thời nhà Đường, đầu thời nhà Tống, từ "ghế" mới bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2020/images/2020-02-15/1-1581744592-width500height358.jpg)
Ghi chép trong các tư liệu cho thấy, hình dáng sơ khai của chiếc ghế tại Trung Quốc bắt nguồn từ đồ vật để ngồi do người Hồ ở Tây Vực truyền vào, được biết tới với tên gọi "giường Hồ" (Hồ sàng).
Chiếc ghế sơ khai này được sử dụng phổ biến từ thời Ngụy Tấn và Tùy Đường, kích cỡ vừa phải, hình dáng và công dụng không khác nhiều so với chiếc ghế ngày nay.
Thời đó, những người giàu có, quyền thế đều sắm cho mình vài chiếc trong nhà, thậm chí khi đi ra ngoài còn cho người khiêng theo để tiện nghỉ ngơi cũng là để khoe khoang giàu sang phú quý.
Cho tới thời nhà Tống, ghế đã có rất nhiều dạng khác nhau, vô cùng phong phú từ kiểu dáng đến màu sắc, kích thước, được coi là đồ vật tương đối phổ biến... Thế nhưng, việc phụ nữ ngồi ghế lại bị coi là đồi bại, làm bại hoại gia phòng, đi ngược lại thuần phong mỹ tục.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2020/images/2020-02-15/2-1581744608-width500height362.jpg)
Dưới con mắt của người thời xưa, phụ nữ có địa vị thấp kém, không xứng đáng được ngồi ghế. Danh sĩ Lục Du đã từng đề cập đến định kiến này: "Thời ấy, con gái nhà có học mà ngồi ghế tựa, ghế nhỏ, ghế đẩu tất sẽ bị người đời châm biếm, phỉ nhổ là không có giáo dưỡng, làm đồi bại gia phong, không cách nào cứu vãn được".
Thậm chí, có bậc thánh hiền còn đòi mẹ cho bỏ vợ chỉ vì vô tình nhìn thấy vợ ngồi không đúng theo tắc, vô cùng thất vọng.
Đáng nói, không chỉ có các phụ nữ dân gian phải chịu định kiến vô lý này, mà tới các phi tần, mỹ nữ trong cung cũng phải chịu như vậy.
Phải mãi đến thời Nam Tống, việc phụ nữ ngồi ghế mới dần được coi là bình thường. Tuy nhiên, họ cũng chỉ được ngồi các loại ghế không tay vịn, còn phải tuân thủ các yêu cầu cứng nhắc như ngồi ngăn ngắn, thân trên thẳng đứng, mắt nhìn thẳng hoặc nhìn về phía người đang nói chuyện cùng mình, không được có khoảng cách giữa hai gối, không được bắt chéo chân. Ngoài ra, còn phải luyện tập làm sao cho tư thế ngồi tự nhiên thoải mái, như vậy mới thể hiện được sự thanh tao, nhã nhặn, có tu dưỡng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.