Nguyên Phó thống đốc Đặng Thanh Bình nhận trách nhiệm "về mặt chính trị"

Nam Sơn Thứ ba, ngày 26/06/2018 18:28 PM (GMT+7)
Ngày 26.6, ông Đặng Thanh Bình - nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tại phiên tòa xét xử tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB) hàng ngàn tỷ đồng, cho biết ông có trách nhiệm về mặt chính trị trong vụ sai phạm này.
Bình luận 0

Trả lời thẩm vấn, ông Đặng Thanh Bình cho biết, ngoài chức vụ Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông còn kiêm nhiệm nhiều công tác khác. Việc thành lập Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước đặt tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) là thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhằm ngăn ngừa sự đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát của 6 ngân hàng hoạt động yếu kém thời điểm đó, trong đó có Ngân hàng Đại Tín (Trustbank, sau này là Ngân hàng Xây dựng - VNCB).

Ông Đặng Thanh Bình khẳng định đã làm đầy đủ, kịp thời trách nhiệm của mình trong công tác chỉ đạo thanh tra giám sát, tái cơ cấu ngân hàng thương mại. Những vấn đề vượt thẩm quyền của bị cáo sẽ được xin ý kiến, báo cáo với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.

Về trách nhiệm của mình trong việc "càng tái cơ cấu, ngân hàng càng lỗ", ông Bình cho biết: "Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, đối chiếu với các quy định pháp luật, tôi thấy đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng với cương vị là một đảng viên và là người đứng đầu việc thực hiện đề án chính trị của tập thể thì tôi có trách nhiệm về mặt chính trị".

Khi được luật sư hỏi về việc chỉ đạo kiểm tra năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh, bị cáo Đặng Thanh Bình cho rằng mình có chỉ đạo kiểm tra năng lực tài chính. Ngân hàng Nhà nước đã đánh giá năng lực từ tháng 5.2013 đến khi thực hiện đề án tái cơ cấu. Cơ quan giám sát tiếp tục đánh giá hai lần nữa. Ông Bình cho biết, mình có bút phê kiểm tra vốn góp...

img

Bị cáo Đặng Thanh Bình (bìa phải) và các đồng phạm tại tòa.

Bị cáo Lê Văn Thanh (nguyên Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước tỉnh Long An) bật khóc trả lời đại diện VKS. Ông cho rằng không hề có quy định nào quy định giám sát tại đơn vị thì những người trong tổ giám sát như bị cáo phải làm những cái gì.

Ông Thanh cũng trình bày giai đoạn đó dù bị bệnh nhưng vẫn phải làm. Theo bị cáo, khoảng cách địa lý là trở ngại khách quan, ảnh hưởng chất lượng giám sát nên mới dẫn đến sai phạm không nhận ra.

Bị cáo Ngô Văn Thanh (nguyên Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An) cho rằng, với chức năng, nhiệm vụ của tổ viên, bị cáo chỉ báo cáo trực tiếp với tổ trưởng chứ không báo cáo qua tổ viên khác. Đối với giao dịch, ông Thanh chỉ cho ý kiến đề xuất, theo dõi tiền có đi hay không đi, còn kiểm soát dòng tiền sau đó thì tổ trưởng giao cho người khác làm.

Đối với bị cáo Phan Thành Mai, khi được luật sư hỏi nguyên cớ gì mà Ngân hàng Nhà nước không thể thực hiện được đề án tái cơ cấu VNCB thì ông cho rằng toàn bộ số liệu sử dụng trong đề án tái cơ cấu đều bị từ chối do số liệu không chính xác, bị lừa dối. Đối với khoản vay 3.600 tỷ đồng, nhóm Phú Mỹ đã lừa dối. Bên cạnh đó, việc mua sắm tài sản đã bị nâng khống lên 28 lần, làm cho toàn bộ số liệu của đề án sai, không thể xử lý được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem