Vẫn biết cuộc đời con người “sinh, lão, bệnh, tử”, mặc dù chẳng ai muốn điều xấu xảy ra, song đối với anh, em, bạn bè bằng hữu thì cửa tử đối với nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo dường như phần nào đã được đoán định kể từ sau trận tai biến khiến anh gần như liệt nửa người. Sự màu nhiệm đã không đến với anh lần thứ 2 khi căn bệnh ung thư phổi quái ác xuất hiện.
Và rồi điều gì đến cũng phải đến. Gần 11h trưa 7.1.2019, vừa tan cuộc họp ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhận được tin của một người bạn thân anh Tạo gọi từ bệnh viện. Giọng anh đứt quãng “Anh Tạo khó rồi em ơi!”. Tim tôi như nghẹn lại, tôi chẳng hỏi được gì… Suốt từ trưa cho tới chiều, nhiều cuộc điện thoại từ các nơi, rồi những thông tin dồn dập được chia sẻ, chúng tôi chỉ biết cầu mong anh bình an.
Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã ra đi vào tối 7.1.2019 ở tuổi 72.
Nguyễn Trọng Tạo: Kiếp đam mê
Sống và đam mê, Nguyễn Trọng Tạo đi đến tận cùng của thi ca để tìm ra vẻ đẹp và chiều sâu thăm thẳm của triết lý và tính nhân văn trong từng con chữ như “Đồng dao cho người lớn”, “Nương thân”, “Thế giới không còn trăng”, đặc biệt phải để kể đến trường ca “Con đường của những vì sao” và “Biển mặn”... mà nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến từng nhận xét: “Thơ Nguyễn Trọng Tạo là thơ của những cái chớp mắt, cảm hứng nhân văn của Nguyễn Trọng Tạo không hề dễ dãi và lấp lánh vô tận như những cái chớp mắt” (Đồng dao cho người lớn - NXB Hội Nhà văn 1994), còn nhà phê bình Thụy Khuê (Paris) nhận xét rằng: "...Những câu thơ hay như thể bất chợt đến, bất chợt gặp trong thơ anh rất nhiều. Thơ anh thản nhiên, nhẹ nhàng và dễ dàng như hình tượng đã sẵn có trên cây, anh chỉ việc rung cây là chúng rụng xuống thơ anh...” (Đồng dao cho người lớn - NXB Hội Nhà văn 1994).
Với âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo viết không nhiều, viết chậm, nhưng hơn 100 tác phẩm ra mắt bạn yêu nhạc là cả trăm câu chuyện để lại dấu ấn trong lòng người yêu nhạc bốn phương. Đối với những người xa quê, âm nhạc của Nguyễn Trọng Tạo như sợi dây se kết, rút ngắn khoảng cách không gian, thời gian như gần hơn với cố hương, mà bất cứ ai cũng có thể nhớ đôi ba câu hát trong “Làng quan họ quê tôi” (thơ Phan Hách); “Đôi mắt đò ngang”, "Khúc hát sông quê” (Lê Huy Mậu), “Tình ca bên một dòng sông”, “Mẹ tôi”, “Đồng Lộc thông ru”, “Tình ca hạt giống vàng”, “Trống hội cổng làng”, “Tình thu”( phỏng thơ Bế Kiến Quốc), “Tình đông”, “Tình xuân”, “Tình hạ”(Nguyễn Thụy Kha), “Mưa”, “Nghe biển ru đêm”, “Con dế buồn” (Nguyễn Thụy Kha), “Tình ca hoa cúc biển”…
Dù tác phẩm văn xuôi, thơ ca hay âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đều khắc tên mình bằng rất nhiều giải thưởng, trong đó phải kể đến Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật được trao năm 2012.
Với bạn bè văn nghệ
Vốn là người sống hào sảng, coi trọng tình cảm bạn bè, chữ nghĩa, nên làm bất cứ điều gì, nói bất cứ câu nào, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cũng đều rất cẩn trọng, khiến người đối diện phải suy ngẫm và cũng vì thế, tình cảm và nhân cách của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo cũng luôn được bạn bè ghi nhận.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo với bạn bè văn nghệ sĩ.
Nói về nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Phan Hách cho rằng: “Nguyễn Trọng Tạo là một trong những nhà thơ hàng đầu trong thế hệ các nhà thơ giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thơ ông mang tính triết lý và nhân văn sâu sắc, nhất là càng về sau thơ Nguyễn Trọng Tạo càng trở nên vững chãi, và giữ được phong độ cho tới bây giờ. Tôi phục Nguyễn Trọng Tạo bởi cái gì cũng tài, kể cả trong cuộc sống hàng ngày, thì Nguyễn Trọng Tạo cũng thể hiện được sức sống mãnh liệt trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Trên thi đàn thì sẵn sàng lăn xả vào mọi lĩnh vực đầy sáng tạo. Một người nghệ sĩ lý tưởng và sống rất nghệ sĩ”.
Có lẽ nhà thơ Nguyễn Phan Hách với nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo có khá nhiều “duyên nợ”, từ những câu chuyện văn chương, âm nhạc đến cuộc sống hàng ngày, mà khi nhắc tới nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo thì câu chuyện của ông dường như khó dứt. Nhà thơ Phan Hách nhớ lại: “Nguyễn Trọng Tạo viết sung sức nhưng không dễ dãi và tôi bất ngờ với khả năng sáng tạo của Nguyễn Trọng Tạo. Nhớ lại, khi tôi về làm Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, tôi có chủ trương ra tuyển tập Tinh hoa thơ Việt, mỗi tác giả chọn 30 bài, trong đó thơ Nguyễn Trọng Tạo đã được đưa vào tập đầu tiên cùng với các nhà thơ Nguyễn Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh. Tôi đánh giá rất cao thơ của Nguyễn Trọng Tạo bởi chất triết lý, trăn trở về cuộc đời”.
Là người tài, nhưng với lớp thế hệ hậu sinh chúng tôi, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo như một người anh gần gụi, thân thương, hết lòng chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề. Chúng tôi ngưỡng mộ không chỉ ở tài năng, nhân cách con người anh mà còn ở cả cái tình với đồng nghiệp, bạn bè đầy chân thành, độ lượng.
Nhạc sĩ Giáng Son nhớ lại: “Tiền thân của 5 dòng kẻ là nhóm Du ca, nhưng rồi do nhân duyên, Giáng Son gặp nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo qua câu chuyện với nhạc sĩ Ngọc Đại. Trong một buổi trò chuyện giữa nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, Ngọc Đại và Nguyễn Trọng Tạo, mọi người đã đưa ra ý tưởng đổi tên của nhóm. Và cái tên 5 dòng kẻ do nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đặt cho nhóm với lập luận: 5 ca sĩ là 5 dòng kẻ trên một khuông nhạc. Những dòng kẻ ấy chứa đựng những thanh âm, giai điệu của các thành viên, nó không chỉ đúng mà còn phù hợp với chất nhạc, dòng nhạc mà nhóm theo đuổi. 5 dòng kẻ cũng có ý nghĩa của sự gắn kết, tạo dựng riêng cho mình một phong cách. Rồi sau đó là cái duyên của Giáng Son với nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo qua ca khúc “Cỏ và mưa” phổ thơ anh. Quả thực trong đời sống hai anh em cũng có nhiều câu chuyện thân thiết và hiểu nhau. Với Giáng Son, anh Tạo là một nghệ sĩ đa tài, bởi Son rất ấn tượng với những thiết kế bìa sách của họa sĩ Nguyễn Trọng Tạo, thích những giai điệu thấm đẫm hồn quê của anh và đặc biệt thích thơ anh, nên Giáng Son đã phổ rất nhiều bài như: “Cây nến trắng”, “tình bạn”, “Cỏ và mưa”... Phải thú thật, anh Tạo là người sống tình cảm, phóng khoáng, nồng hậu, hết lòng vì bạn bè, nhất là mỗi khi ở trại sáng tác hay đi đâu đó, mọi người sẽ rất vui khi có anh Tạo đi cùng”.
Tôi với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo!
Với tôi, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo là một người anh lớn, người đồng nghiệp gần gụi, thân thương.
Cảm nhận của tôi về anh là người kiệm lời, những gì cần nói anh đều trải ra bằng thơ và nhạc mà tôi đã viết nhiều về anh trên báo chí... Có quá nhiều những câu chuyện, những kỷ niệm về anh mà em muốn giữ lại, nhưng lại muốn chia sẻ về “Nỗi nhớ rong chơi” là một bài thơ được anh viết thời gian gần đây trong chuyến đi thực tế và cũng là dịp để anh nghỉ ngơi, sau cơn bạo bệnh kéo dài. Cảm xúc trước biển, trước thiên nhiên của một người thơ, yêu đến tận cùng cảm xúc đã cho anh những phát hiện mới, để có những góc nhìn, cách cảm riêng mang tên Nguyễn Trọng Tạo về con còng biển (còng gió).
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và tác giả - nhà báo Trần Lệ Chiến.
Cảm phục và trân quý anh, nên ngay khi nhận đọc được bài thơ anh trên facebook, tôi đã lập tức ngồi vào đàn và viết một mạch. Hình dung của tôi lúc ấy về nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là một khuôn mặt nhân từ, an yên, bình thản trước mọi sóng gió của cuộc đời... và chỉ có thi ca, âm nhạc cất cánh giữa mây trời bảng lảng.
Cũng giống như những chú còng gió đang rong chơi ngoài bờ cát, thi thoảng lại nhẩy nhót, đu đưa theo những đợt sóng xô nhẹ vào bờ, đầy hứng khởi, chẳng vướng bận lo toan...
Sau khi bài hát được nhạc sĩ Đức Thụy phối khí, mix master, ca sĩ Lê Kim Long thể hiện, tôi đã đến thăm và tặng anh món quà tinh thần ấy để nhận từ anh một nụ cười đôn hậu, nhân từ và một lời khích lệ “Là thơ của anh đây ư?… Em viết rất lạ, được, bài này được”…
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã bỏ “cuộc chơi” đầy đa đoan trên dương thế để thực hiện một chuyến đi dài nơi miền Tây phương cực lạc vào một đêm đông. Cơm mưa phùn đêm đông Hà Nội như lạnh thêm, càng khiến cho lòng người cảm thấy như thiếu vắng, trống trải. Vâng, không trống trải sao được bởi với bất kỳ người bạn nào của anh Tạo, dù là lớn tuổi hay nhỏ tuổi, thì hẳn đều có chung một cảm giác hụt hẫng về sự ra đi của anh.
Sẽ là một chuyến đi dài mà anh sẽ lại gặp những người bạn thơ, nhạc luôn trân quý, kính trọng anh!
RIP người anh mà em trân trọng, kính quý!
Sẽ nhớ mãi nụ cười anh lần cuối khi nghe “Nỗi nhớ rong chơi” và những lời khen tặng. Còn giờ thì anh hãy “rong chơi” ở miền Tây phương cực lạc nhé!
Vĩnh biệt Anh!!!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.