Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Những kẻ từng ca tụng Nguyễn Văn Thiệu lên mây như một Tổng thống chống Cộng khét tiếng chắc sẽ bật ngửa khi biết xuất phát điểm, gia đình Thiệu lại có cảm tình và từng… ủng hộ Cộng Sản.
Người từng nêu ra và xác nhận quan điểm này là ông Nguyễn Văn Hoàng, tức nhà tình báo lỗi lạc Hoàng Đạo, người nổi tiếng với chiến công tình báo nổ mìn phá hỏng Thông báo hạm Amyot d'Inville của Pháp trên biển Sầm Sơn, Thanh Hóa (1950). Cuối năm 1933, ông Nguyễn Văn Hoàng đã được Đảng Cộng sản cử từ depot xe lửa Dĩ An ra depot xe lửa Tháp Chàm chỉ huy phong trào đình công của công nhân đường sắt. Mật thám Pháp chờ sẵn, bắt Nguyễn Văn Hoàng tại depot Tháp Chàm và đưa lên giam giữ tại nhà thương Phan Rang, định từ đó đưa về Sài Gòn xét xử.
Cuộc biểu tình của công nhân đường sắt đòi thả Nguyễn Văn Hoàng đã được quần chúng nhân dân nhiều ngành nghề khác ủng hộ, biến thành một cuộc đấu tranh lớn. Mật thám nhượng bộ, phải thả, Nguyễn Văn Hoàng được hàng ngàn dân chúng hộ tống, đã quay lại Tháp Chàm tổ chức một cuộc diễn thuyết hô hào đấu tranh tại cầu Bảo, ngay trước Biệt điện Bảo Đại.
Trong số các nhân sĩ, trí thức các tổng An Sơn, Ninh Hải, An Phước (tỉnh Ninh Thuận) đến dự có ông Nguyễn Văn Chung, cha của Nguyễn Văn Thiệu. Khi đi nghe diễn thuyết, ông Chung có cõng theo cậu con trai Nguyễn Văn Thiệu, lúc đó mới 10 tuổi.
Lương thực dự trữ cho công nhân đấu tranh cạn dần, ông chủ hãng buôn Hiệp Thạnh Võ Văn Vi ở Phan Rang và ông Nguyễn Văn Chung ở Tri Thủy đã tặng cho công nhân đấu tranh một số tiền đủ mua 600 kg gạo. Cô chủ nhà máy xay Cầu Bảo cũng "học tập", không những không lấy tiền xay xát mà còn góp thêm cho anh em công nhân một số gạo để cho tròn 1 tấn.
Một người anh ruột của Nguyễn Văn Thiệu là Giáo sư Nguyễn Văn Kiểu (sau này làm Đại sứ VNCH tại Đài Loan), khi còn dạy học tại khu vực chợ Bàn Cờ cũng thường xuyên tham gia phong trào đấu tranh, bãi thị, bãi khóa và biểu tình của sinh viên - học sinh nhằm đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi cảng Sài Gòn (1-1950).
Riêng Nguyễn Văn Thiệu, ngay từ bé đã tỏ ra là một người đa nghi, thận trọng. Năm 1949, Thiệu trở thành một sĩ quan trong quân đội Liên hiệp Pháp, chống lại Việt Minh, đứng hẳn sang bên kia chiến tuyến với những người Cộng sản. Chọn quan lộ, Thiệu đã rời bỏ truyền thống và khuynh hướng của gia đình.
Cựu Đại tướng VNCH Cao Văn Viên từng nhận xét: "Ông Thiệu có phẩm chất của một mưu sĩ". Nghĩa là ông ta thức thời, biết nắm bắt và khai thác cơ hội để thăng tiến nhanh, vì thế Nguyễn Văn Thiệu đã phải vứt bỏ yếu tố đạo đức sang một bên.
Chọn Nguyễn Văn Thiệu để trao chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 5, chứng tỏ Ngô Đình Diệm rất tin cậy và ưu ái đối với viên sĩ quan trẻ tuổi này. Đáp lại ân sủng, ngày 1/11/1963, Nguyễn Văn Thiệu đã đưa Sư đoàn 5… bao vây và tấn công Dinh Gia Long để buộc anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu phải đầu hàng. Sau này, Thiệu lấp liếm rằng ông ta chỉ ra lệnh bắn vào Dinh Gia Long khi đã biết chắc Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu đã thoát ra ngoài!
Nguyễn Văn Thiệu và Kissinger tại Dinh Độc Lập.
Sau đảo chính, Thiệu được phong hàm Thiếu tướng. Chỉ hơn một năm sau, năm 1965, Thiệu lại được gắn lon Trung tướng. Nhờ có sự hậu thuẫn của nhóm tướng trẻ, Thiệu đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo Quốc gia, trở thành Quốc trưởng của miền Nam. Trên cương vị này, ngày 31/10/1966, Nguyễn Văn Thiệu đã đứng chủ tọa, cắt băng khánh thành Dinh Độc Lập. Nguyên thủy, nó là Dinh Norodom, bị 2 phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc lái 2 máy bay AD6 ném bom đánh sập vào ngày 27/2/1962.
Đầu tháng 7/1962, Ngô Đình Diệm quyết định xây dựng lại dinh còn bản thân ông và gia đình người em Ngô Đình Nhu thì dọn sang sống tạm bên Dinh Gia Long (nay là Bảo tàng Tp HCM). Ngô Đình Diệm đã không bao giờ còn cơ hội quay lại chốn quyền lực cũ.
Ám ảnh về sự trả thù và lo sợ bị đảo chính, Nguyễn Văn Thiệu đã hai lần tổ chức cầu siêu theo nghi lễ Thiên Chúa giáo cho anh em cố Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Vẫn chưa yên, năm 1967, ông ta lại cho triệu một thầy địa lý người Hoa vào Dinh Độc Lập yểm bùa. Thầy phán: "Dinh được xây trên long mạch, trấn ngay vị trí đầu rồng. Đuôi rồng nằm cách đó non 1km, rơi vào vị trí Công trường Chiến Sĩ. Cần phải dùng một con rùa lớn yểm đuôi rồng lại, sự nghiệp của Tổng thống mới mong bền vững".
Nguyễn Văn Thiệu tin theo, cho xây hồ nước tại công trường thành hình bát giác, từ trên cao nhìn xuống giống hệt ô bát giác trên mai rùa. Vị trí của hồ được đặt ngay chính vị trí cửa Khảm Khuyết của thành Gia Định xưa (còn gọi là thành Bát quái hay thành Qui). Giữa trung tâm hồ nước là một đài tưởng niệm, trên có đúc một con rùa lớn bằng kim loại đội bia ở trên lưng và một cột cao có hình cánh hoa xòe ở phía trên, xem như một chiếc đinh đóng xuống giữa hồ để ghim đuôi rồng lại! Năm 1972, Công trường Chiến sĩ được đổi tên thành Công trường Quốc tế, dân Sài Gòn vẫn quen gọi đó là hồ Con Rùa.
Bày trò bầu cử độc diễn, ngày 6/3/1971, Thiệu tuyên bố tái đắc cử ghế Tổng thống với tỉ lệ 94,36% số phiếu và được Tối cao Pháp viện Sài Gòn công nhận kết quả vào ngày 22/10/1971. Để tạ ơn, Thiệu đã đưa gia đình về quê thắp hương mộ tổ. Ông cho gom mồ mả của dòng họ cải táng về một nghĩa trang lập riêng sau Trường tiểu học Dư Khánh và lệnh cho tỉnh trưởng Ninh Thuận phải thường xuyên cắt hai lính bảo an ôm súng đứng gác.
Ông cũng cho sửa sang lại Trùng Sơn tự trên đỉnh núi và Văn Thánh miếu ở lưng chừng núi Đá Chồng nằm giữa hai xã Khánh Hải và Văn Hải. Trùng Sơn tự là nơi mẹ của Tổng thống chọn làm nơi quy y cửa Phật lúc xế chiều. Còn Văn Thánh miếu, đó là nơi thờ tự, lễ lạt của những thành viên Hội Khổng học Ninh Thuận. Ông muốn chứng tỏ, dù đã cải sang đạo Thiên Chúa, mang tên Thánh Martino Nguyễn Văn Thiệu, ông vẫn chưa hề quên truyền thống Nho học của gia đình.
Mục đích chính, Nguyễn Văn Thiệu muốn đưa thầy địa lý theo chấm, trấn, yểm long mạch trên núi Đá Chồng, nhằm bảo vệ sự vững bền cho ngôi vị Tổng thống. Chóp phía bắc ngọn núi Đá Chồng có một tảng đá rất lớn, hình lưỡi dao, gọi là Hòn Đá Dao, được thầy phán là vật "yểm mệnh" của Tổng thống. Ngọn Đá Dao đứng chênh vênh nhìn về phía đông bắc, hướng thôn Dư Khánh, quê Thiệu. Ngay trước mặt nó còn có 3 tảng đá lớn chồng lên nhau, dân gian gọi là tảng đá Mặt Quỷ.
Để "ém" long mạch ngay phía trước mặt hai tảng Đá Dao và Mặt Quỷ, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho tỉnh trưởng tỉnh Ninh Thuận điều một trung đội Công binh gấp rút xây lại Văn Thánh miếu thành 3 ngôi nhà lớn tạo hình chữ Công (I), án chóp phía bắc núi Đá Chồng, sau đó làm gấp một con đường trải nhựa chạy thành hình vòng cung từ dưới tỉnh lộ lên đến Văn Thánh miếu. Công trình hoàn tất, một trung đội Biệt động quân đã được điều về để ngày đêm bảo vệ.
Âm dương bài bố đầy đủ, Nguyễn Văn Thiệu yên tâm, hứng khởi và tin tưởng đến mức gửi trọn tiền đồ quốc gia cho những phán truyền sấp ngửa. Đầu xuân năm 1972, theo lệnh của Nguyễn Văn Thiệu, Đại tá Trần Văn Lâm Giám đốc Việt Tấn xã đã long trọng mời 3 ông thầy Huỳnh Liên, Minh Nguyệt và Khánh Sơn - lên đài truyền hình nói trước dân chúng về vận mạng quốc gia. Cả 3 thầy đều thao thao bất tuyệt về "một nền hòa bình vĩnh cửu đang đến rất gần", về "quốc gia may mắn có một vị tổng thống anh minh và sáng suốt, có chân mạng đế vương tất sẽ lãnh đạo binh sĩ và dân chúng giành thắng lợi tuyệt đối trước Cộng sản".
Đầu năm 1975, Quân Giải phóng đã đánh chiếm Phước Long, "Giáp Tý Kị Ất Mão" như lời thầy tử vi phán cho đời Thiệu bắt đầu. Nhưng trên mặt báo vẫn còn có những kẻ xu nịnh ca tụng "quý số" và tài năng của ông Thiệu hết lời, đại loại như: "Người lãnh tụ phải biết trị quốc. Cụ Ngô Đình Diệm cầm quyền 9 năm bị 2 lần đảo chánh, vậy không biết trị quốc và quá tin người nên chết thảm. Đại tướng Dương Văn Minh cầm quyền 3 tháng bị 1 lần đảo chánh, vì không biết trị quốc nên thân bại danh liệt. Nguyễn Khánh cầm quyền 13 tháng, Phan Huy Quát 5 tháng, Nguyễn Cao Kỳ 2 năm, tất cả đều bị lật đổ, vậy không biết trị quốc nên sự nghiệp tiêu tùng. Riêng ông Nguyễn Văn Thiệu cầm quyền 10 năm không một lần đảo chánh, vậy là người biết trị quốc - xứng danh là lãnh tụ" (!)
Đùng một phát, từ lưng chừng núi, ngọn Đá Dao - linh vật giữ vận mạng đời Thiệu như lời thầy phán bị vỡ đôi lăn lông lốc xuống, đánh vỡ ba hòn đá Mặt Quỷ và lăn xuống chân núi giữa một chiều không mưa, trời quang mây tạnh...
Đại tá Võ Thứ, hiện nay là Trưởng Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận thuật lại: Tiết Kinh trập (sâu nở) mùa xuân năm 1975, toàn vùng Văn Sơn, Bình Sơn, Khánh Hải, Ninh Chữ đột nhiên xảy ra một trận thiên địch lớn chưa từng thấy. Hàng đàn sâu các loại xuất hiện dày đặc, quét hết đợt này, đợt khác lại xuất hiện. Tại núi Đá Chồng, trong các hốc đá của hòn Đá Dao bị vỡ, sâu và bọ hung cũng xuất hiện lũ lượt. Chúng túa ra, bò hàng đàn qua lộ và nối nhau mất hút ra phía biển. Dân chúng kháo nhau: vận ông Thiệu đã hết.
Ngày 2/4/1975, Nha Trang giải phóng. Các sắc lính VNCH cuống cuồng kéo nhau theo Quốc lộ 1 chạy về phía Phan Rang. Theo đề xuất của tướng Feredrich C.Weyand - Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ, đến Sài Gòn ngày 28/3/1975, Nguyễn Văn Thiệu quyết định lập phòng tuyến Phan Rang để chặn bước tiến của Quân Giải phóng. Thiệu ra lệnh sáp nhập 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận của Quân khu II vào Quân khu III, lập Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn III, cử Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm Tư lệnh, đại bản doanh đặt tại Sân bay Thành Sơn, Phan Rang. Trên khắp mặt trận mới mở thuộc hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Thiệu đã ném vào canh bạc cuối cùng hơn 75.000 quân các loại.
Nhưng chỉ hai tuần sau đó, sức tiến công vũ bão của Quân Giải phóng đã đập nát tuyến phòng thủ Phan Rang, bắt sống 1.665 binh sĩ VNCH, 11 xe tăng, thiết giáp và 51 máy bay nguyên vẹn. Ngày 16/4/1975, tại xóm Dừa, phường Đô Vinh (Tháp Chàm) Bộ Tư lệnh tiền phương của Quân đoàn III VNCH gồm Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang và toàn bộ sĩ quan tùy tùng đã bị bắt gọn trên 3 chiếc xe bọc thép. Trước đó, ngày 13/4/1975, trung đội lính bảo vệ núi Đá Chồng đã bắn chết người cai quản Văn Thánh miếu, rồi xô vào đập nát các bệ thờ, cạy cả mái ngói để "tìm vàng ông Thiệu giấu".
Ngày 21/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu đã phải ngậm ngùi lên đài đọc lời từ chức, thú nhận sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn và chính bản thân ông ta, để rồi sau đó chạy ra nước ngoài sống hết những năm còn lại trong kiếp lưu vong không Tổ quốc.
Thầy số Huỳnh Liên - nhân vật nắm chặt tử vi của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu số phận còn bi thảm hơn. Không chỉ đoán sai bét vận mệnh "quý tướng" của ngài Tổng thống, ông thầy "đại tài" còn mù tịt, chẳng đoán được tí gì về số phận của chính bản thân. Quân giải phóng làm chủ Sài Gòn, thầy đoán không ra nên không kịp di tản để tháo thân. Ở lại không lâu, nhâm cầm độn toán trật lất, thầy rước hai gã thợ điện về sửa nhà (ở Sông Bé) mà không hay đó là hai thằng kẻ cướp giả dạng. Thánh không vật tội một đời bịp bợm, nhưng thầy lại bị hai thằng cướp đè ra siết cổ bằng dây điện cho đến khi lè lưỡi chết thẳng cổ ngay giữa ban ngày!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.