Nhà báo hãy tự cứu mình trước khi... trời cứu

Thứ sáu, ngày 22/06/2012 14:31 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Tôi rất thích một câu mà nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thường hay nói: "Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu". Để tự cứu mình, các nhà báo trước hết phải hoạt động đúng pháp luật" - luật sư Trần Đình Triển chia sẻ.
Bình luận 0
img
 Luật sư Trần Đình Triển

Trước thực trạng ngày càng nhiều nhà báo bị cản trở, tấn công khi tác nghiệp, PV Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với TS - luật sư Trần Đình Triển (Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân) .

Thời gian qua, việc các nhà báo bị tấn công và cản trở khi tác nghiệp có xu hướng tăng cao. Ông nhận xét gì về hiện tượng này?

- Ngoài Luật Báo chí ra còn có rất nhiều quy định pháp luật khác bảo vệ nhà báo như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và các luật hành chính… Thế nhưng thời gian qua, việc cản trở nhà báo tác nghiệp khá phổ biến. Nguyên nhân đầu tiên có lẽ là do pháp luật chưa được thực thi kịp thời. Nhiều sự việc cản trở nhà báo không được xử lý, một số việc xử lý thì không nghiêm minh dẫn đến việc người này cản trở được thì người khác cũng cản trở được.

Tôi còn nhớ cách đây mấy năm, trong một phiên tòa ly hôn mà ông bảo vệ cho bên nguyên đơn, chính ông và nhà báo Ngọc Thành (Báo KHĐS) bị tấn công ngay trong phòng xử. Vụ việc sau đó được xử lý ra sao, thưa ông?

- Đúng là tại phiên tòa xét xử vụ ly hôn của vợ chồng một vị đại tá quân đội, nhà báo Ngọc Thành và tôi đã bị bị đơn vác guốc tấn công vào đầu và rượt đuổi xung quanh phòng xử. Trớ trêu thay, lúc đó Hội đồng xét xử chỉ làm một việc duy nhất là cắp tài liệu ra về và cho bảo vệ đuổi tất cả mọi người ra ngoài.

Sau đó, nhà báo Ngọc Thành và tôi đã có đơn gửi các cơ quan chức năng, CA TP. Hà Nội đã thụ lý vụ việc và chuyển hồ sơ về CA quận Hoàn Kiếm theo đúng thẩm quyền. Nhưng sự việc đã bị "đóng băng" từ ngày đó đến giờ và người tấn công nhà báo và luật sư vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Tôi nhắc lại chuyện này để ta thấy nhà báo chưa có đủ những công cụ bảo vệ cần thiết để tác nghiệp. Giả sử, cùng thời điểm đó, tại chính phòng xử đó, nếu đương sự chỉ cần giơ tay tát thẩm phán, kiểm sát viên hay thư ký tòa thì anh ta sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ. Cùng làm nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ uy tín của Đảng và Nhà nước, bảo vệ nhân dân, nhưng nhà báo lại chưa được đối xử công bằng.

Vậy điều này là do lỗ hổng của pháp luật?

- Đúng vậy, hiện nay luật pháp của chúng ta còn có mâu thuẫn. Với những tờ báo thuộc cơ quan quản lý nhà nước thì các nhà báo công tác ở cơ quan đó là công chức. Chống lại họ là chống lại người thi hành công vụ. Nhưng với những cơ quan báo chí thuộc các hội nghề nghiệp hoặc các tổ chức hành chính sự nghiệp, không hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì các nhà báo không phải là công chức và vì vậy, khi tác nghiệp, họ không được coi là người thi hành công vụ.

Như thế là cùng làm việc như nhau, đem lại một kết quả giống nhau, nhưng lại bị đối xử khác nhau. Tôi nghĩ phải đặt tiêu chí là các nhà báo dù là công chức hay không, nếu hoạt động vì Đảng, vì nước, vì dân và được pháp luật công nhận thì đều là người đi thi hành công vụ. Phải bình đẳng về công việc của các nhà báo làm.

Với kinh nghiệm của ông, nhà báo cần làm gì để tự bảo vệ mình trước nguy hiểm khi tác nghiệp?

- Tôi rất thích một câu mà nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thường hay nói: "Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu". Để tự cứu mình, các nhà báo trước hết phải hoạt động đúng pháp luật. Động cơ, mục đích phải lành mạnh để tránh người ta phản kháng. Nhưng quan trọng nhất, cứ làm việc gì được lòng dân thì người dân sẽ bảo vệ các nhà báo trước khi các cơ quan nhà nước can thiệp.

Xin cảm ơn luật sư!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem