Nhà báo và việc bảo vệ nguồn tin: “Sống để vậy, chết mang theo”

Hoàng Linh Thứ ba, ngày 21/06/2016 06:32 AM (GMT+7)
Việc tiết lộ nguồn tin không chỉ hủy hoại cá nhân mà còn là thanh danh của tòa soạn - nơi phóng viên, nhà báo công tác... Bài viết của nhà báo Hoàng Linh (nguyên phóng viên nội chính của báo Tuổi Trẻ) chia sẻ quan điểm của mình về một trong những kỹ năng quan trọng nhất của nhà báo điều tra: Đó là bảo vệ nguồn tin bằng mọi giá.
Bình luận 0

Nguyên tắc số 1 của nghề báo

Theo luật, chỉ khi nào Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh,chánh án tòa cấp tương đương yêu cầu bằng văn bản trong vụ án mà mức độ rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì nhà báo mới cung cấp danh tính người cung cấp tin.

img

Các phóng viên tác nghiệp trong một sự kiện tại Hạ Long, Quảng Ninh. Ảnh:   T.L

Luật Báo chí quy định: Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin, trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng (mức án từ trên 7 năm đến 15 năm tù), đặc biệt nghiêm trọng (mức án từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Hiếm khi tình huống này xảy ra nhưng việc nhiều tổ chức, cá nhân truy tìm nguồn tin sau một bài báo là chuyện thường xuyên và tỉ lệ thành công khá cao. Nhà báo gây nguy hiểm cho nguồn tin ngay trong bài báo của mình với những trích dẫn trực tiếp và thiếu khôn ngoan, cứ khoanh vùng là biết ai cung cấp.

Tuy không cố ý, nhưng việc tiết lộ nguồn tin luôn gây rắc rối, nhất là khi có quy chế về người phát ngôn, sự “trả thù” trong vỏ bọc “luật pháp” sẽ nặng hơn và chắc chắn xảy ra.

Các báo cáo về đề tài, báo cáo theo thời gian (báo cáo tuần, báo cáo tháng) cũng sẽ tiết lộ nguồn tin, đừng tin vào bất cứ ai và hệ thống bảo mật nào. Các bản photo với bút phê và đóng dấu cũng sẽ phơi bày ai là người tuồn nó ra ngoài.

img

Nhà báo Hoàng Linh.

Nguyên tắc số 1, luôn luôn là số 1

Nhưng thực tế để bảo vệ được nguồn tin còn khó hơn nhiều, người làm báo phải xem đó là nguyên tắc số 1, luôn luôn là nguyên tắc số 1 thì mới không gây hại cho nguồn tin.

Tôi rất đồng ý với ý kiến của nhà báo Mai Thúc Long -Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam trong một lần chia sẻ với truyền thông về nguồn tin: “Người dân có số liệu, tài liệu để cung cấp cho báo chí, có nghĩa là họ mong muốn cơ quan báo chí cùng họ điều tra để đưa được vụ việc tiêu cực ra ánh sáng, họ muốn báo chí cùng họ làm sáng tỏ một số bức xúc trong họ. Và từ những nguồn tin riêng, báo chí đã triển khai thành những tuyến bài, đóng góp rất lớn trong việc đấu tranh chống tiêu cực nảy sinh trong một số cơ quan công quyền và điều chỉnh một số chính sách bất cập của cơ quan nhà nước. Người dân nhận thức rõ điều đó và họ nhận thấy việc cung cấp thông tin cho báo chí mang lại hiệu quả đấu tranh cao”.

Nhà báo Mai Thúc Long cũng chỉ rõ hơn: Trong bất kỳ tình huống nào, lẽ phải cũng cần được xác định một cách rõ ràng. Tất nhiên, cũng có người tố cáo sai, đưa thông tin sai lên các trang mạng, lợi dụng sự tự do báo chí và diễn đàn đưa thông tin không đúng sự thật. Nhưng nhà báo bằng nghiệp vụ của mình có thể xác minh việc tố cáo đúng sự thật không, có oan sai không...

“Cái hay của báo chí là ở chỗ đó, rất tích cực trong tham gia đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng để xã hội tốt đẹp hơn. Bởi vậy, tôi cho rằng bất kể một biện pháp nào nhằm kiểm soát nguồn tin báo chí sẽ hạn chế sự phát triển của xã hội”, ông Mai Thúc Long nhấn mạnh. Tôi nhớ khi đưa bản tin độc quyền về việc khởi tố 1 Cục trưởng còn đương chức thì cơ quan chức năng đã mời tôi lên làm việc, nội dung chỉ đơn giản: Ai đã cung cấp thông tin này?

Chấp nhận tù tội nhưng không bao giờ tiết lộ nguồn tin, chúng ta phải chấp nhận nguyên tắc này, không thì chuyển nghề khác. Trừ khi nguồn tin có liên quan đến khủng bố hoặc nhằm ngăn chặn tội ác hoặc thảm họa có thể xảy ra.

Cuối cùng tôi trả lời là người dân trong khu phố mà bị can bị khởi tố ở đã cung cấp. Điều này về luật là phù hợp vì khi tống đạt có chứng kiến của đại diện người dân ở nơi cư ngụ. Tất nhiên người cung cấp tin cho tôi là người khác nhưng tôi đã hợp thức hóa thông qua việc hỏi người dân khu phố và khi được cơ quan chức năng hỏi, người dân cũng trả lời “Thấy sao nói vậy!”. Trên dưới 10 lần tôi và đồng nghiệp cùng thực hiện các bài điều tra đã bị truy vấn như vậy và chúng tôi không bao giờ tiết lộ nguồn tin theo kiểu “chấp nhận thương đau”. Việc tiết lộ nguồn tin không chỉ hủy hoại cá nhân mà còn là thanh danh của tòa soạn mà bạn công tác.

CEO hãng Apple viết gì trong lá thư gửi FBI?

Tuy nhiên vấn đề này cũng phải được xem xét với góc độ việc chúng ta cung cấp nguồn tin có thể giúp cơ quan công quyền giải quyết được một việc cụ thể nhưng về lâu về dài có thể gây hại cho cộng đồng.

Tôi không thể dẫn chứng vụ việc nào ở Việt Nam, đành mượn một “phương thức lệ” rất hay từ Apple để cùng suy nghĩ.

Một thẩm phán đã yêu cầu Apple phối hợp với FBI để dò passcode mở khóa chiếc điện thoại được sử dụng bởi một trong những tay súng trong vụ bắn giết 14 người ở San Bernardino, Mỹ hồi tháng 12 năm ngoái. FBI muốn vào iPhone cá nhân để xem người này đã liên lạc với ai nhưng không thành công.

Tuy nhiên, Apple đã từ chối tuân thủ vì cho rằng đây sẽ là tiền lệ xấu trong việc bảo vệ sự riêng tư của người sử dụng iPhone. Apple cho rằng, khi FBI đã vào được một chiếc điện thoại thì họ có thể dùng các biện pháp án lệ để buộc Apple thực hiện hành động tương tự cho các vụ án trong tương lai. Nguy hiểm hơn, nó có thể bị lợi dụng bởi kẻ xấu để truy cập vào thông tin trên bất kì chiếc iPhone nào.

CEO Tim Cook đã viết một lá thư dài để giải thích và bày tỏ quan điểm của Apple về vấn đề mã hóa dữ liệu của người dùng, xin trích nội dung chính (bản dịch từ tinhte.vn): “Chúng tôi thương tiếc cho những người đã mất và muốn công lý được thực thi với tất cả những người bị thiệt hại. FBI đã yêu cầu chúng tôi giúp đỡ trong những ngày sau vụ tấn công, và chúng tôi đã làm việc hết mình để hỗ trợ nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết tội ác này. Chúng tôi không bao giờ đồng cảm với những kẻ khủng bố...

Cụ thể hơn, FBI muốn chúng tôi tạo ra một phiên bản hệ điều hành mới của iPhone, can thiệp vào nhiều tính năng bảo mật quan trọng, và cài đặt nó vào một chiếc iPhone thu hồi từ cuộc điều tra. Khi nằm trong tay của người xấu, phần mềm này - hiện chưa tồn tại - sẽ có thể mở khóa bất kì iPhone nào trên thế giới..”.

Bảo vệ tai mắt của mình

“Đối với hoạt động của phóng viên khi tiếp cận với nguồn tin chính thống như họp báo, văn bản, hỏi người phát ngôn... không có gì phải gì bàn luận nhiều. Nhưng đối với thông tin do nguồn tin cung cấp thì việc bảo vệ bí mật nguồn tin là rất quan trọng, đặc biệt với các phóng viên chuyên viết điều tra. Việc giữ bí mật nguồn tin để đảm bảo an toàn cho người cung cấp. Sự an toàn ở đây phải hiểu rộng chứ không phải chỉ ở việc người cung cấp tin bị đe dọa hay hành hung”.

Nhà báo Trịnh Tuyến (Báo An ninh Thủ đô)

Trách nhiệm, đạo đức của nhà báo

“Ngoài những quy định của luật pháp, bảo vệ nguồn tin còn là trách nhiệm, đạo đức, nguyên tắc nghề. Nhiều tờ báo ở Việt Nam đã có chế độ trả thù lao cho nguồn tin cung cấp, cho nên, không lý gì người phóng viên lại không có trách nhiệm bảo vệ nguồn tin của mình. Nuôi dưỡng và giữ được quan hệ mật thiết với nguồn tin (ở đây được hiểu là cung cấp thông tin vì sự phát triển chung của xã hội, không vụ lợi...), phóng viên sẽ được khẳng định uy tín, danh dự và trách nhiệm của chính người đi thực hiện điều tra. Điều này sẽ giúp người cung cấp tin tưởng và được tôn trọng hơn.

Nhà báo Kiên Trung (VietnamNet)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem