Tọa đàm "Giới và báo chí" diễn tại Tòa nhà Liên Hợp Quốc, Ba Đình, Hà Nội vào sáng 18/10 do nhóm G4 (Đại sứ quán các nước Canada, Na Uy, New Zealand và Thụy Sĩ tại Việt Nam) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Câu lạc bộ Nhà báo Nữ thuộc Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Tại tọa đàm, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hide Solbakken nhấn mạnh, bình đẳng giới là quyền con người và đã được nêu trong các chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững.
Theo bà Hilde Solbakken, vấn đề bình đẳng giới luôn nóng tại các quốc gia chứ không riêng ở Việt Nam. Bà mong muốn sẻ được nghe chia sẻ, cũng như những kiến nghị của các nhà báo tại tọa đàm để phá bỏ định kiến giới, thúc đẩy sự bình đẳng.
Đại sứ Hide Solbakken lấy ví dụ, khi đưa tin về một sự kiến chính trị, các nữ chính trị gia thường được để ý vẻ bề ngoài với đôi giày, quần áo… và trở thành khuôn mẫu giới khi đưa tin bài. Theo bà Hide Solbakken, các khuôn mẫu giới như vậy bắt nguồn từ những tư tưởng trong xã hội về bất bình đẳng giới.
Bà Minelle Mahtani - một nhà báo, học giả và phát thanh viên, hiện là Phó giáo sư tại Đại học British Columbia (Canada) cho rằng, nhà báo cần có kiến thức về giới, rất cẩn thận khi đưa tin bài về giới để thu hút sự chú ý của giới cũng như có cách tiếp cận để đảm bảo tính toàn vẹn, bài báo đó phải nói về bản chất thay vì vẻ bề ngoài của người phụ nữ.
Tại tọa đàm, nữ nhà báo đại diện cho một số cơ quan báo chí trong nước đã có những chia sẻ về những khó khăn và thuận lợi khi nữ phóng viên, nhà báo gặp phải đi tác nghiệp.
Bà Trần Hoàng Lan, Trưởng Ban Gia đình, Báo Phụ nữ Thủ đô đã nêu ra những khó khăn cũng như định kiến mà phóng viên nữ của tờ báo này gặp phải khi tham gia tác nghiệp. Bà Lan cho biết, nhiều địa phương, cơ quan, tổ chức vẫn định kiến cho rằng báo phụ nữ chỉ quan tâm tới các vấn đề như: "con cá, lá rau", "quan hệ mẹ chồng-nàng dâu", "chuyện phòng the", "tình cảm vợ chồng"... Định kiến giới đã cản trở phạm vi hoạt động, đề tài của phóng viên.
Hoặc khi tác nghiệp những vụ việc liên quan trực tiếp đến giới như bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, nhiều nạn nhân từ chối tố cáo, hợp tác hoặc che giấu bằng chứng cho thủ phạm (là người thân trong gia đình) do rào cản tâm lý hoặc thiếu hiểu biết pháp luật. Bên cạnh đó, phóng viên nữ tham gia nhiều vụ việc còn gặp nguy hiểm, đe dọa của thủ phạm bạo hành, xâm hại…
Bà Vũ Hương Thủy - Phó Ban tin trong nước, TTXVN chia sẻ, sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Tỉ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và nhất là về chất lượng; giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao.
Tuy nhiên, công tác thông tin truyền thông về phòng, chống bao bạo lực giới vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, thông tin chưa thường xuyên, liên tục. Hình thức truyền thông chưa phong phú, đa dạng….
Nguyên nhân chủ yếu do sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan; kiến thức, năng lực, kinh nghiệm chuyên môn truyền thông về bạo lực giới của cán bộ, phóng viên còn thiếu. Đặc biệt, kinh phí để xây dựng, triển khai các chương trình, tác phẩm truyền thông đa dạng, sâu sắc về phòng, chống mại dâm còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để công tác tuyên truyền thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực giới có hiệu quả trong thời gian tới, theo bà Vũ Hương Thủy, các cơ quan, tổ chức và địa phương cần tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tham gia vào quá trình xây dựng chính sách; được tiếp cận nhanh nhất những nguồn tin chính thức, chính thống liên quan vấn đề bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực giới.
Đồng thời, các cơ quan chủ động cung cấp thông tin, số liệu liên quan để tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm lên án, đấu tranh chống các hành động bạo lực giới, tăng cường tập huấn kiến thức, kỹ năng cho các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực giới….
Vui lòng nhập nội dung bình luận.