Mất tiền, hại người
Các tuyên truyền viên tham gia tập huấn phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn
Từ ngày 2-5.3, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 4 lớp tập huấn về phòng, chống tác hại thuốc lá cho các tuyên truyền viên (khoảng 170 người/lớp) tại Bình Định. Các tuyên truyền viên sẽ được giới thiệu về Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản pháp quy về công tác phòng, chống tác hại thuốc lá; Tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, ảnh hưởng đến môi trường sống; Các biện pháp cai nghiện, lợi ích của cai nghiện thuốc lá...
|
Ngày 2.3, tại TP.Quy Nhơn (Bình Định), Hội Nông dân Việt Nam phối hợp cùng với Bộ Y tế (quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá) tổ chức hội nghị tập huấn phòng, chống tác hại của thuốc lá cho 170 tuyên truyền viên cơ sở.
Ông Đỗ Thanh Phong (52 tuổi, trú phường Đống Đa, TP.Quy Nhơn) cho biết: “Tôi hút thuốc gần 30 năm nay, cứ mỗi ngày là 1 gói (20.000 đồng), mỗi năm tính ra gần 10 triệu đồng tiền thuốc. Nhiều lúc hút nhiều tôi thường bị ép, tim ho rất dữ dội nhưng thành thói quen. Biết là tốn tiền, hại sức khỏe nhưng thực sự từ bỏ rất khó”.
Theo ông Phong, sau khi nghe thông tin về tác hại của thuốc lá ông “giật mình” và rất lo lắng đến sức khỏe của mình.
“Lúc trước do không hiểu biết nên mới hút nhiều và “đâm” ra nghiện. Thời gian tới, tôi sẽ hút ít dần và cố gắng tập “quên” thuốc lá. Biết mình đã trót sai lầm nên cả 3 đứa con trong gia đình, tôi đều cấm hút thuốc” - ông Phong cho hay.
Tại hội nghị, theo bác sĩ Đỗ Phúc Thanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Phổi tỉnh Bình Định, trên thế giới mỗi năm có 6 triệu người chết vì thuốc lá (trong đó: 50% số người hút thuốc lá chết vì thuốc lá). Những người hút thuốc lá giảm thọ từ 8-23 năm và đặc biệt việc hút thuốc lá đang có xu hướng gia tăng tại các nước đang phát triển.
“Theo thống kê thì hiện nay Việt Nam có 18,2 triệu người hút thuốc lá, 4,7 triệu người hút thuốc lào. Việc hút thuốc lá gây tác hại rất lớn cho người sử dụng, họ thường mắc các bệnh về rụng tóc, ung thư da, cao răng, sâu răng, biến dạng tinh trùng, ung thư tử cung và xẩy thai… Hút thuốc tác hại gây tác hại về kinh tế và sức khỏe con người, ở Việt Nam hằng năm mất phải 22.000 tỷ đồng tiền mua thuốc lá và phải bỏ tiền điều trị là hơn 23.000 tỷ đồng do hút thuốc, có những tài liệu cho thấy gấp 2, gấp 3 lần con số đó”- bác sĩ Thanh thông tin.
Bỏ thuốc lá, lợi nhiều điều
Bỏ thuốc lá hơn 10 năm, ông Đỗ Tuấn Thanh (51 tuổi, trú phường Bùi Thị Xuân, TP.Quy Nhơn) chia sẻ: “Khi còn hút thì hơi thở khò khè rất khó ngủ, tính về kinh tế rất thiệt thòi, tốn tiền mua thuốc. Bản thân tôi bỏ thuốc rất khó khăn vì bỏ ít hôm thì lại lên cơn thèm và không thể cưỡng lại. Nhưng rất may, nhờ tác động từ gia đình nên tôi từ bỏ được. Khi hút, con tôi nói ba hút thuốc làm con khó thở quá, con chịu không được. Ngay hôm ấy, tôi quyết tâm từ bỏ và từ chối lời mời bạn bè. Tôi không đến quán cà phê mà thay vào đó tự chế uống ở nhà. Thực sự phải có ý chí và quyết tâm mới từ bỏ được”. Là tuyên truyền viên về tác hại của thuốc lá, chị Lê Thị Thiện (trú phường Đống Đa) cho biết: “Đi nhiều hội nghị của Hội Nông dân tổ chức về phòng, chống tác hại của thuốc lá tôi nhận ra được nhiều bài học kinh nghiệm cho mình. Chồng tôi làm nghề lái xe và nghiện thuốc rất nặng. Tôi khuyên và can ngăn anh hạn chế hút và từ bỏ được 3 năm nay. Nhờ vậy, anh tăng cân và làm việc cũng hiệu quả hơn”.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Trưởng ban Xã hội- Dân số Gia đình Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã trang bị cho các tuyên truyền viên kiến thức về luật phòng, chống tác hại thuốc lá và các văn bản pháp quy về công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, tiến tới xây dựng chi hội nông dân không khói thuốc.
“Gia đình nọ có ông chồng rất nghiện thuốc, bà vợ bằng nghĩ cách lúc nào cũng mua mận cho chồng ăn khi nghiện để bỏ thuốc. Đúng 2 tháng sau thì chồng bỏ được thuốc, đó là cách làm hiệu quả mà ít tốn kém. Tôi còn nhớ một chị ở Quảng Ninh, sau khi học lớp về phòng, chống tác hại thuốc lá có vỗ vai và hứa với tôi rằng, đang hút từ 3 gói thuốc/ ngày thì chồng chị ấy sẽ chỉ hút 1 gói/ngày và sau 1 tháng sẽ từ bỏ hẳn. Thực ra chị ấy đang làm túi tiền gia đình tăng lên vì mỗi tháng không chi 1,8 triệu đồng và còn rất nhiều cái lợi về việc không phải chịu tiền chữa bệnh cho chồng. Có rất nhiều cách để bỏ thuốc, rất đơn giản nhưng người từ bỏ cần phải có ý chí và ý thức”- ông Vượng dẫn chứng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.