Nhà nước nên mua trâu vô địch để nhân giống?

Đình Thắng (thực hiện) Thứ bảy, ngày 28/02/2015 06:49 AM (GMT+7)
“ Để có thể nhân giống và phát triển đàn trâu chất lượng, Nhà nước nên bỏ kinh phí mua các con trâu vô địch trong các hội chọi trâu để đưa về các trung tâm   nhân giống, nhằm cung cấp giống cho nông dân phát triển đàn trâu”.
Bình luận 0

PGS-TS Đinh Văn Cải- Phó Giám đốc Phân viện chăn nuôi Nam Bộ, thuộc Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) nói như trên và cho biết: Tình hình phát triển đàn trâu trong nhiều năm qua tương đối ổn định, gần như không tăng không giảm. Tổng đàn trâu cả nước có khoảng 2,8 triệu con, tập trung chủ yếu ở vùng trung du miền núi phía Bắc. Đàn trâu không tăng do các vùng chăn thả tự nhiên bị thu hẹp lại bởi sự phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa đô thị, càng ngày càng nhiều khu công nghiệp, các vùng chăn thả trâu tự nhiên được thay thế bằng việc trồng các loại cây công nghiệp có giá trị cao. Mặc dù số lượng trâu không tăng lên nhưng số lượng bò tăng khá mạnh, bởi vì bò đang được chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ít phụ thuộc vào bãi chăn thả, bên cạnh đó con bò hiền lành hơn con trâu, dễ chăn thả hơn, nuôi công nghiệp nhanh hơn, còn trâu phá hơn, hay đi hơn nên người nuôi dễ bị mất trâu.

Có thể nhận thấy rằng chúng ta đang gặp khó khăn trong việc phát triển và cải thiện chất lượng đàn trâu, vậy mấu chốt của vấn đề này là gì thưa ông?

img

Trâu số 25 của ông Nguyễn Văn Hoan vô địch Hội chọi trâu NTNN - Phúc Thọ 2014.  Xuân Lực

- Hiện nay các bãi chăn thả trâu tự nhiên đang ngày càng bị thu hẹp, trâu không được đầu tư chăn nuôi theo kiểu công nghiệp hàng hóa như bò, vì năng suất tăng trọng của trâu kém hơn bò, lâu hơn bò. Việc chăn thả ngoài đồng khó khăn hơn bò, trâu lại không hiền như bò, dễ đánh nhau và hay chạy rông nên người nuôi dễ mất hơn. Đó là những lý do số lượng trâu không phát triển được trong nhiều năm qua.

Nếu nói về giá trị kinh tế thì con trâu bằng, thậm chí hơn bò, tuy nhiên việc sinh sản khó khăn hơn bò, tăng trọng chậm nên việc nuôi trâu vì thế phát triển chậm. Để khắc phục điều đó, hiện nay ở nước ta các trung tâm giống, trung tâm nghiên cứu chăn nuôi gia súc lớn đang sử dụng nguồn tinh ở nước ngoài (như tinh trâu Murrah của Ấn Độ) nhằm cải thiện chất lượng giống trâu, tăng sản lượng thịt sữa lên.

Theo quan điểm của ông, làm thế nào để chúng ta có thể lai tạo ra những giống trâu to khỏe như trâu chiến, có thể chống chọi tốt các loại dịch và mang lại giá trị kinh tế cao?

- Tôi biết ở nước ta có rất nhiều hội chọi trâu, trong đó Báo NTNN có tổ chức 2 hội chọi. Đó là nơi tập trung các nguồn giống chất lượng cao. Vậy nên để duy trì phát triển, nhân rộng các giống tốt này, Nhà nước nên bỏ kinh phí để đặt hàng mua các con trâu vô địch ở các giải chọi trâu, sau đó đưa về các trung tâm giống như Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương, Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi gia súc lớn của Viện Chăn nuôi.

Các trung tâm này sẽ nuôi để sản xuất tinh, các con trâu này phải gắn mã số đàng hoàng thể hiện vô địch giải nào, năm nào để tiện theo dõi. Sau khi sản xuất được nhiều tinh, các trung tâm này sẽ giao cho các hộ nuôi để họ phối giống, từ đó sinh ra thế hệ trâu tốt, dần dần cải thiện được giống trâu to khỏe như trâu chiến, sức đề kháng dịch bệnh cao, mang lại giá trị kinh tế cao.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem