“Nhà rùa học” gợi ý 2 mẫu đúc tượng rùa vàng Hồ Gươm

Triệu Quang Thứ tư, ngày 29/03/2017 11:54 AM (GMT+7)
Hình ảnh 2 mẫu tượng rùa ở Hà Nội và Thanh Hóa được “nhà rùa học” Hà Đình Đức đưa ra để làm mẫu đúc tượng rùa vàng Hồ Gươm.
Bình luận 0

img

Tượng rùa Hồ Gươm cần dân dã, gần gũi chứ không cần quá phóng đại

Mới đây, ông Tạ Hồng Quân - một công dân Thủ đô vừa trình UBND Hà Nội đề án chi tiết “Đúc biểu tượng rùa vàng Hồ Gươm”.

Theo đề án, một bức tượng rùa được đúc nguyên khối bằng đồng và dát vàng, dài 2,5 mét, cao 3,5 mét và có trọng lượng khoảng 6-10 tấn đồng. Vị trí đặt tượng rùa là tại ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng hoặc vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Công Uẩn.

Ngày 29/3, PGS. TS Hà Đình Đức – người được mệnh danh là “nhà rùa học” cho biết, ông đã biết đến ý tưởng của ông Quân từ năm 2011. Đề án hay nhưng khi đó TP Hà Nội chưa đồng ý thực hiện.

Ông Đức cho rằng, đề án này đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, bởi cụ rùa trong Hồ Gươm đã chết. Vì vậy, dựng tượng lại sẽ khơi gợi cho những người đến hồ hình ảnh của cụ rùa.

Ngoài ra, đặt tượng rùa vàng ở Hồ Hươm còn có tính giáo dục. Đó sẽ là một bài học lịch sử hay về chống giặc ngoại xâm, nhắc người dân về truyền thuyết hồ hoàn gươm từ thời vua Lê Thái Tổ.

“Nếu đến Hồ Gươm mà không hiểu gì về giá trị lịch sử cũng như văn hóa tâm linh của hồ thì cũng giống như đến hồ Tây, hồ Bảy Mẫu hay những hồ khác ở Hà Nội”, ông Đức nói.

"Nhà rùa học" nhấn mạnh, dựng tượng rùa vàng là ý tưởng hay nhưng khu vực Hồ Gươm là di tích quốc gia đặc biệt nên làm gì cũng phải thận trọng. Việc đặt tượng rùa vàng ở đây cần thành phố; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và người dân đồng thuận.

Nếu đề án đặt tượng rùa được đồng thuận thì sẽ có một cuộc thi để lựa chọn hình tượng rùa. Có 2 hình tượng rùa mà ông Đức cho rằng phù hợp để dựng tượng là hình ảnh rùa đội bia Vĩnh Lăng ở Lam Kinh (Thanh Hóa) và chính cụ rùa Hồ Gươm đã chết.

“Làm sao cho hình tượng rùa dân dã và gần gũi với người dân chứ không cần quá phóng đại. Tượng rùa mà cứ vẽ hoa văn công, phượng vào cùng là không phù hợp", ông Đức nêu quan điểm.

Ông Đức cũng cho rằng, đặt tượng rùa ở khu vực vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Công Uẩn (gần siêu thị Intimex) sẽ hợp lí hơn ngã tư Hàng Khay – Đinh Tiên Hoàng vì khu vực này nhìn ra Tháp Rùa gần nhất.

GS Sử học Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) cũng đồng tình, đề án đặt tượng rùa vàng ở Hồ Gươm là ý tưởng hay nhưng khu vực Hồ Gươm là di tích quốc gia đặc biệt nên rất nhạy cảm.

"Việc đặt tượng rùa vàng ở Hồ Gươm phải được các cấp, ngành xem xét cụ thể, tính toán kích thước rồi vị trí sao cho phù hợp, hài hòa... Loạt vấn đề này không đơn giản", GS Phan Huy Lê nói.

Trong đề án cũng có nhắc đến tên nhà sử học Dương Trung Quốc. Trao đổi với PV, ông Dương Trung Quốc cho biết, ông đã biết đến đề án này từ khi Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Cá nhân ông ủng hộ ý tưởng này.

Tuy nhiên, ông cho rằng: “Vì chuyện xảy ra đã lâu, thời đó không gian Hồ Gươm cũng khác nên không có chuyện gì, nhưng hiện nay không gian này đã thay đổi nhiều, nếu đề án được thực hiện phải điều chỉnh cơ bản sao cho phù hợp”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem