Nhà thơ Lưu Quang Vũ tái hiện sử thi bằng ngôn ngữ thi ca
Nhà thơ Lưu Quang Vũ tái hiện sử thi bằng ngôn ngữ thi ca
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến
Thứ sáu, ngày 11/08/2023 06:00 AM (GMT+7)
Nhà thơ, Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1948-1988) qua đời cách đây 35 năm. Với 4 tập thơ và hàng trăm bài thơ trong di cảo được công bố, tình yêu con người, cuộc sống và tình yêu đất nước là mạch nguồn chính của thi ca ông.
Với hơn 50 tác phẩm sân khấu, Lưu Quang Vũ là một kịch tác gia xuất sắc của sân khấu đương đại Việt Nam.
Không chỉ thế, trong thế hệ nhà thơ xuất hiện những năm 70, Lưu Quang Vũ là một tài năng thơ bẩm sinh và kiệt xuất. Sau này khi trở thành một kịch tác gia nổi tiếng khắp nước thì khát vọng sáng tạo lớn của ông vẫn là thi ca. Ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2000.
Mấy chục năm đã đi qua, biết bao bài thơ con người đã xóa quên, đã loại khỏi trí nhớ mình. Cũng ngần ấy năm đi qua, kỳ lạ thay, không ít bài thơ của Lưu Quang Vũ vẫn còn nguyên giá trị nhân văn, với sức lay động lòng người da diết, vẫn hội nhập được với đời sống tinh thần con người hôm nay. Và, cũng kỳ diệu thay, những bài thơ còn lại của Lưu Quang Vũ viết từ những năm 70 (thế kỷ XX) cho đến giờ vẫn không chịu cũ, vẫn có được những cảm xúc được chia sẻ nơi độc giả hôm nay, và vẫn còn làm rung động một thế hệ mới.
Trong bài viết này, tôi xin nói về "Đất nước đàn bầu", một bài thơ lớn - một thi kịch lớn - một vở sử thi lớn của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ. Hình như mỗi bài thơ hay đều có một số phận không dễ dàng. Bài thơ "Đất nước đàn bầu" của ông viết năm 1972, gửi cho báo Văn Nghệ nhưng không được in. Mãi đến năm 1983, bài thơ được công bố và ngay lập tức đoạt Giải thưởng Thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bài thơ mở đầu bằng những hình ảnh sinh động, hoang dã, lộng lẫy và hào sảng về lịch sử dân tộc Việt từ thủa sơ khai:
Đi dọc một triền sông
Những chiếc trống đồng vùi trong cát
Những mảnh bình vỡ nát
Những mũi tên lăn lóc
Khắp núi đồi hoang vu
Những rìu đá cổ sơ, những hang động khổng lồ
Những đống lửa còn tro tàn sót lại
Đi tìm lại thời gian đã mất
Thủa biển cả điên cuồng gầm thét
Những con chim lạc mỏ dài
Bay qua vầng trăng lớn
Cánh sừng sững tắm hoàng hôn đỏ rực
Cất tiếng kêu hoang dại dưới đêm nồng
Tôi đi tìm dòng máu của tôi
Hơi thở đầu sục sôi của tôi
Trong cuồn cuộn những ngực trần đen bóng
Những bộ lạc mình vẽ đầy rồng rắn
Quần hôn trên bờ bãi sông Hồng
Những mái tóc dài bay gió biển Đông
Những mái lá có bùi nhùi giữ lửa
Những người đàn bà tết cỏ cây che vú
Đã ngọt ngào dòng sữa
Điệu ru con đầu tiên
Bức tranh đầu tiên khắc mặt người lên đá
Điệu múa đầu tiên theo nhịp thuyền
Có cảm tưởng, Lưu Quang Vũ như một nhà khảo cổ học đi tìm lại thời gian đã mất bằng ngôn ngữ thi ca và ông đã phát hiện những tầng văn hóa Việt cổ trong bề dày lịch sử văn hiến của dân tộc. Thơ của Lưu Quang Vũ mang vẻ đẹp lạ kỳ của hình ảnh và ngôn ngữ thơ, mang tính đặc thù của riêng ông với những câu thơ xuất thần đậm nét tài hoa và giàu cảm xúc. Những câu thơ vang lên trong tâm tưởng người đọc một nhạc điệu đầy xúc động với những thi ảnh được chọn lọc một cách tinh tế và giàu tính hội họa:
Dân tộc tôi bốn ngàn năm áo rách
Những người chết đặc trong lòng đất
Những mặt vàng sốt rét
Những bộ xương đói khát vật vờ đi
Vó ngựa lao dồn dập
Giặc phương Bắc kéo về
Vung gươm dài đẫm máu
Bao đền đài bị đốt thành than
Bao cuốn sách bị quăng vào lửa
Bao đầu người bêu trên cọc gỗ
Con trai chinh chiến liên miên
Con gái mong chồng, hoá đá
Mỵ Châu chết không sao hiểu được
Vì đâu Trọng Thuỷ hoá quân thù?
Gió mùa thu
Tiếng đàn bầu nức nở
Chiều chiều ra ngõ
Sông dài cá lội biệt tăm
Thương cha nhớ mẹ
Mênh mông chớp bể mưa nguồn
Cái nỗi buồn dân tộc
Cái nỗi buồn bị đọa đày lăng nhục
Của người quét đường, xẩm chợ, đò ngang
Của mom sông đánh dặm, đỉnh rừng đốt than...
Dường như đoạn thơ trên không chỉ là thơ khi nó chứa đựng dưới tầng thi ngữ những âm thanh, cảnh sắc, nhạc điệu, hình tượng… của một vở sử thi lớn tái hiện những trang sử mang đậm chất bi ca và hùng ca của dân tộc Việt trong suốt chiều dài ngàn năm dựng nước và giữ nước.
"Đất nước đàn bầu" đi học một triền sông lịch sử
Qua bài thơ "Đất nước đàn bầu", chúng ta có thể thấy một số đóng góp của Lưu Quang Vũ cho sự phát triển của thơ hiện đại là khá đa dạng. Không chỉ nằm ở bình diện phát hiện các vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ, sự đóng góp ấy còn thể hiện ở việc Lưu Quang Vũ đã khắc họa chiều sâu những rung động suy tư của tâm trạng con người, trong những tầng văn hóa sống động của đời sống lịch sử dân tộc, bằng ngôn ngữ thi ca mang phong cách độc đáo của riêng ông và chỉ ông mới có.
Em đến cùng tôi như chùm vải đầu mùa
Tóc hoang dại lòa xòa trên ngực nắng
Ngực em sáng như mặt trời sắp lặn
Tôi đầm đìa sương lạnh của bờ đê
Tôi thấm đầy nước mắt của trời khuya
Trăng đã hiện, đêm ca dao vằng vặc
Những cô Tấm thử hài trong tiếng nhạc
Những nàng Kiều hồi hộp bấm dây tơ
Đêm sử thi náo động tiếng quân hò
Sôi trong máu những bầy voi nguyên thủy
Sáng trong mắt những rừng gươm chớp lóe
Những nỗi buồn tê dại ngón tay rung
Chim Lạc bay, cánh rợp cả sườn non
Rùa đẻ trứng nồng nàn trên cát bể
Rừng gầm thét, thác nguồn sao trắng thể
Đất mênh mông tràn ngập ánh mặt trời
Gió thổi lồng những đốm lửa không nguôi
Tôi nhận hết, tôi là người tiếp nối
Là dĩ vãng nhưng chẳng là bóng tối
Nước mắt tôi ướt đẫm những dây đàn
Có thể nói, những câu thơ huyền ảo, âm vang và mộng mị nói trên của Lưu Quang Vũ, phần nào đó đã dựng lên bức tranh sử thi trong một vở kịch lớn trên đất Việt ngàn năm của chúng ta.
Người náu mình trong quả thị bước ra
Người hứng dừa từ giấy điệp bước ra
Người đã khuất cũng về đông đủ cả
Những tượng đá bỗng chập chờn nhẩy múa
Những cụ già say rượu hát nghêu ngao
Ngực em tròn anh chẳng dám nhìn lâu
Lời em nói có măng rừng muối bể
Hồn dân tộc dậy ta làm thi sĩ
Quá khứ nhiều mà ta chẳng già nua
Mọi tai ương khủng khiếp đã qua
Gà đã gáy xôn xao chào buổi sớm
Mai gắn lại những vết thương xé thịt
Dân tộc mình mở tới một trang vui
Hoa gạo hồng lại nở, bà ơi
Cháu đã đi từ lòng bà ấm áp
Để sống hết những vui buồn dân tộc
Những hoa bìm hoa súng nở trên ao
Những ban mai xanh biếc tiếng đàn bầu
Bà hiền hậu têm trầu bên chõng nước
Em đi gặt trên cánh đồng cổ tích
Lúa bàng hoàng chín rực những triền sông…
Theo tôi, Lưu Quang Vũ là một tài năng thơ bẩm sinh rất đặc biệt và độc đáo. Bản năng thi sĩ của ông giàu có trong những nỗi buồn, trong nỗi cô đơn, khổ hạnh và trong những khoảnh khắc chập chờn sáng tối ấy, những vần thơ ám ảnh của ông tung bứt lên như muốn đối mặt với buồn đau. Những trăn trở, day dứt trước cuộc đời đã để lại không ít vết thương nơi trái tim nhà thơ. Sự khắc nghiệt của cuộc sống mà ông phải nhìn thấy, phải nếm trải, phải hứng chịu đã dội đập vào thơ ông đến tức ngực, nhưng cũng đã làm thơ ông bừng tỉnh.
Lưu Quang Vũ là một gương mặt thơ tiêu biểu và chói sáng lặng lẽ qua thời gian bên cạnh những gì mờ nhạt và thiếu sức sống ngôn ngữ thi ca. Bởi trong thơ Việt thời gian qua, không ít những bài thơ vui rất giả, rồi buồn cũng rất giả. Ngôn ngữ thơ ấy như một thứ hàng giả làm người đọc hết sức khó chịu và phải quay lưng. Phải chăng độc giả của thơ ngày một ít đi cũng bởi lẽ ấy và cũng bởi thời gian là thước đo sòng phẳng nhất đối với mọi giá trị sáng tạo?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.