Nhà Thương (Shang) là triều đại đầu tiên được công nhận về mặt lịch sử là một triều đại Trung Hoa. Nhà Thương là triều đại tiếp nối nhà Hạ, nhưng những tư liệu về nhà Hạ khá mờ nhạt trong cả tư liệu lẫn hiện vật lịch sử. Theo sử sách Trung Hoa thì nhà Thương trị vì từ khoảng năm 1.766 TCN tới khoảng năm 1.122 TCN.
Nhà Thương còn được gọi là nhà Ân hay Ân Thương do đóng đô ở vùng Ân Khư, nay thuộc Hà Nam, Trung Quốc. Triều đại này bắt đầu từ vua Thành Thang và kết thúc ở vua Trụ Vương, tất cả 30 đời vua trong vòng hơn 600 năm. Sử cũ ghi rằng: vua Thành Thang khi diệt vua Kiệt nhà Hạ, khai sáng nhà Thương, quy tụ được nhiều bộ lạc và đất đai nhà Thương gồm các tỉnh Sơn Tây, Sơn Đông, Hà Bắc, Hà Nam ngày nay.
Bắt đầu nổi lên từ phía Tây châu thổ sông Vị, bằng vũ lực, Thương Tộc thống nhất vùng đồng bằng phía bắc Trung Hoa, xây dựng một triều đại theo kiểu đi chinh phục những vùng lãnh thổ, bộ tộc hay tiểu quốc khác: để lại phía sau một lực lượng đồn trú nhằm kiểm soát dân chúng địa phương, biến thủ lĩnh địa phương ở đó trở thành một đồng minh phụ thuộc, cho phép ông ta kiểm soát công việc ở lãnh địa của mình, đánh thuế những nơi đã bị chinh phục. Sử chép thời đó có tới ngàn chư hầu; có lẽ chỉ một số ít ở gần kinh đô mới tùy thuộc nhà Thương, còn ở xa kinh đô thì là những bộ lạc tương đối độc lập. Đó là nguồn gốc của chế độ phong kiến phân quyền sẽ thấy phát triển ở đầu nhà Chu rồi suy tàn ở cuối thời đó.
Hai nét căn bản của xã hội đời Thương là:
– Mới đầu theo chế độ mẫu hệ cho nên vua chết thì truyền ngôi cho em cùng mẹ, rồi tới cuối theo chế độ phụ hệ, truyền ngôi cho con.
– Tôn giáo đa thần: thần sông, núi, mưa, gió, sấm… nhất là thần sinh sản. Cao hơn hết là Thượng đế, hình người, tạo ra người và vạn vật; rồi tới thần Đất, hình một người đàn bà, sinh ra và nuôi vạn vật.
Trong thời kỳ đầu nhà Thương, nền văn minh Trung Hoa đã phát triển tới trình độ tương đối cao, đặc trưng chủ yếu là Chữ Giáp Cốt và văn hoá đồng xanh.
Trong triều đại nhà Thương, nền văn minh dọc sông Hoàng Hà đã đào những con ngòi dẫn nước tưới mùa màng. Các cộng đồng đã có rãnh thoát nước ra ngoài thành phố. Họ biết sản xuất bia từ kê. Họ mở rộng thương mại và sử dụng tiền dưới dạng vỏ ốc. Các thương gia đời Thương buôn bán muối, sắt, đồng, thiếc, chì và antimon, một số thứ trong số chúng được nhập khẩu từ các nước xa xôi.
Tới đầu năm 1.300 TCN, một nền công nghệ đúc đồng đã phát triển. Công nghệ đúc đồng này muộn hơn so với châu Âu và Tây Á nhưng lại phát triển nhất trên thế giới. Nhà Thương trở nên hùng mạnh nhờ kỹ thuật chế tác đồng điếu, vì đây là 1 kim loại cứng thường được dùng để chế tạo công cụ lao động, đồ gia dụng và vũ khí. Công nghệ chế tạo đồng xanh trong thời kỳ này cũng đã đạt đến trình độ khá cao và tinh xảo.
Khoảng giữa đời Thương, người Trung Hoa bắt đầu nuôi ngựa. Có ngựa rồi thì có chiến xa, chiến thuật đánh trận thay đổi hẳn. Chiến xa của Trung Hoa có nhiều liên quan với chiến xa của các nước Tây Á, có thể là từ các dân tộc Ấn-Âu cổ đại truyền sang. Những chiến xa của nhà Thương là những vũ khí có hiệu quả vượt trội khi đối đầu với các bộ lạc khác.
Vua thứ 30 nhà Thương là Trụ Vương bạo ngược tàn ác, mất lòng nhân dân và các chư hầu. Bộ tộc Chu ở sông Vị muốn nhân cơ hội nhà Thương suy yếu đã tiêu diệt và thay thế từ nhiều năm. Trưởng tộc Chu là Tây Bá Cơ Xương chiêu tập lực lượng chống Thương, nhưng chưa kịp khởi sự thì qua đời. Con Cơ Xương là Cơ Phát lên ngôi đã tập hợp chư hầu đi đánh Trụ Vương. Khoảng năm 1.122 TCN, hai bên quyết chiến ở trận Mục Dã. Quân Trụ Vương tuy đông nhưng binh lính không có tinh thần chiến đấu cho bạo chúa nên nhanh chóng tan rã. Trụ Vương chạy lên Lộc Đài tự thiêu mà chết. Nhà Thương diệt vong...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.