Nhà thương và tình thương

Thứ tư, ngày 22/05/2013 13:04 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vụ bớt xén vaccin tại Phòng tiêm chủng 70 Nguyễn Chí Thanh, thành phố Hà Nội khiến người dân sợ hãi cái gọi là “lương y như từ mẫu” hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, vụ này không là cá biệt...
Bình luận 0

Quả đúng như vậy, ngày 20.5 tại Trung tâm Y tế dự phòng TP.Tuy Hòa, ông Phan Văn Ngọc đã phát hiện nhân viên y tế tiêm vaccin hết hạn sử dụng cho con của ông. Nếu không phải là người tinh tế, hiểu biết, ông Ngọc đã bị nhân viên y tế qua mặt, con ông là nạn nhân của vụ gian lận này.

Nói gian lận cũng không ngoa, bởi vì ông Ngọc đóng 228.000 đồng, nhiều người khác trước ông Ngọc cũng đã đóng tiền như vậy nhưng không phát hiện có bị tiêm vaccin hết hạn. Nhân viên y tế đã thu tiền và có thể đã tiêm vaccin?hết hạn, nạn nhân là đám trẻ.

Điều đáng sợ ở đây không phải là chuyện gian lận bình thường vẫn xảy ra đầu đường cuối chợ, chỉ mất tiền bạc của cải, mà chính là nhân viên y tế làm tiền trên sức khỏe của trẻ em. Những nhân viên y tế này thừa hiểu nếu như tiêm vaccin quá hạn, thiếu hay gộp từ nhiều lọ còn dư cho trẻ thì sẽ không có tác dụng miễn dịch, thậm chí còn tạo ra nhiều phản ứng phụ nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Trẻ em phải đi tiêm chủng và sức khỏe của các cháu chính là sức khỏe của các thế hệ nối tiếp trong tương lai, là tài sản, nguồn lực của đất nước.

Đáng sợ hơn, chuyện bớt xén vaccin, dùng vaccin hết hạn và nhiều thủ thuật “rút ruột” thuốc men không chỉ xảy ra một vài nơi mà khá phổ biến. Mới đây, báo chí phát hiện vụ cán bộ y tế Bệnh viện Chấn thương - chỉnh hình TP.HCM cắt ghép, tráo, đổi phim chụp để gian lận móc túi người bệnh. Họ đã kiếm tiền trên sự đau khổ của bệnh nhân nhiều năm nay mới bị bóc mặt nạ “từ mẫu”.

Tại TP.HCM, TP.Tuy Hòa, thủ đô Hà Nội là những nơi dân trí cao, kiểm soát khám chữa bệnh khá chặt, nhưng vẫn xảy ra những vụ việc tiêu cực ghê gớm như vậy, huống chi những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Ở vùng nông thôn, người dân ít hiểu biết hơn về việc kiểm tra hạn sử dụng thuốc, họ đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh với niềm tin tuyệt đối vào y bác sĩ. Nếu chẳng may gặp phải các thủ thuật xảo trá, thì khả năng trở thành nạn nhân rất cao.

Cho nên, từ các vụ gian lận mà báo chí phản ánh trên, người dân có thể rút ra được bài học cho chính mình trong việc tự bảo vệ khi đi khám chữa bệnh cho bản thân hay chính ngừa cho trẻ em. Ít nhất cũng mở to mắt để nhìn lọ thuốc có còn đủ lượng hay còn hạn sử dụng, đừng nhắm mắt cho cán bộ y tế tiêm bừa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem