Nhà trí thức Dương Bạch Mai được giải thoát khỏi nhà tù Kon Tum như thế nào?

Thứ hai, ngày 23/10/2023 12:32 PM (GMT+7)
Nhà trí thức yêu nước Dương Bạch Mai (1904-1964) quê quán ở Bà Rịa – Vũng Tàu là một nhân vật nổi tiếng về chính trị, ngoại giao, từng là Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội khóa I-II.
Bình luận 0

Sự nghiệp hoạt động cách mạng phong phú của ông mãi được truyền tụng, trong đó có câu chuyện ông được giải thoát khỏi nhà tù ở Kon Tum do ông Nguyễn Quang Cầu kể lại dưới đây, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Nhà trí thức Dương Bạch Mai được giải thoát khỏi nhà tù Kon Tum như thế nào? - Ảnh 1.

Nhà trí thức Dương Bạch Mai (1904-1964)

Cựu chiến binh Nguyễn Quang Cầu (tên thường gọi là Nguyên) đã có gần 10 năm hoạt động trong Ban Tình báo Liên khu 5 . Ông nhớ lại kỷ niệm cách đây mấy mươi năm, khi lực lượng tình báo Liên khu đã tổ chức thành công cuộc giải thoát vợ chồng ông Dương Bạch Mai – nhà trí thức yêu nước từng bị thực dân Pháp bắt tại Paris rồi đưa về giam lỏng ở thị xã Kon Tum…

Đầu tháng 7/1949, Ban Tình báo Liên khu 5 chúng tôi nhận được thông tin từ Chi trưởng Chi Tình báo Gia Lai – Kon Tum Trương Văn Thành: Ông Dương Bạch Mai, người được Bác Hồ cử làm quyền Trưởng đoàn đại diện Chính phủ ta ở Pháp sau Hội nghị Fontainebleau, đã bị thực dân Pháp bắt giam tại Paris và hiện chúng đã bí mật đưa ông lên giam lỏng tại một ngôi nhà ở vùng ngoại vi thị xã Kon Tum. Trước đó, địch đã giam ông Dương Bạch Mai tại nhà lao Chí Hòa (Sài Gòn) khi đưa ông về nước, rồi sau này chúng đưa cả hai vợ chồng ông lên “vùng trắng” ở bắc Tây Nguyên để dễ bề kiểm soát.

Tuy mới thành lập, lại hoạt động trong vùng bị tạm chiếm, nhưng Chi Tình báo Gia Lai – Kon Tum đã xây dựng được ba cơ sở làm cộng tác viên tình báo từ ngay trong lòng địch, đó là: Tôn Thất Hùng, làm việc ở Phòng Nhì thuộc Quân khu bắc Tây Nguyên; Phan Chí Tùng, nhân viên thuộc Sở Mật thám Kon Tum; Đặng Đình Khiêm, nhân viên Tòa Công sứ Kon Tum. Từ nguồn tin của các cộng tác viên này mà Chi Tình báo Gia Lai – Kon Tum đã biết cụ thể cả kế hoạch của địch là sẽ đưa hai vợ chồng ông bà Dương Bạch Mai đi thủ tiêu, sau đó chúng sẽ phao tin đưa vợ chồng ông sang Madagasca… Ngay sau khi nhận được báo cáo, Ban Tình báo Liên khu 5 đã cử đồng chí Võ Loan Phiên (tức Vũ Đăng Phong) vào cùng Chi Tình báo Gia Lai – Kon Tum thực hiện cuộc giải thoát vợ chồng ông Dương Bạch Mai.

Hồi đó, tôi làm ở bộ phận tổng hợp của Ban Tình báo Liên khu 5 nên biết được công tác chuẩn bị cũng như diễn biến của cuộc giải thoát này. Tổ tình báo làm nhiệm vụ gồm 8 đồng chí do Võ Loan Phiên chỉ huy. Vì vợ chồng ông Dương Bạch Mai bị giam lỏng trong một nhà dân nên việc tiếp cận cũng có phần thuận lợi. Song phải qua khá nhiều lần tiếp xúc, các cán bộ tình báo của ta mới có thể xóa đi mối nghi ngờ của ông.

Ngay trong lần gặp đầu tiên với tình báo viên Nguyễn Năng Hiệp, ông Dương Bạch Mai đã cảnh giác đề phòng và luôn né tránh yêu cầu hợp tác. Nghi ngờ Nguyễn Năng Hiệp, ông hỏi thẳng: “Anh là ai, tại sao anh lại biết tôi? Người Pháp “cài” các anh vào để làm cái trò ấy à… ”. Sau này, phải qua nhiều lần tiếp xúc bí mật, trong đó Võ Loan Phiên đã vào gặp với sự “đảm bảo” là tấm giấy chứng nhận quân nhân do Liên khu 5 cấp, thậm chí còn cho ông xem cả tờ Lệnh tiến hành cuộc giải thoát do Chính ủy Nguyễn Chánh ký, ông Dương Bạch Mai mới dần tin tưởng và nhiệt tình cộng tác với các tình báo viên. Sau nhiều lần họp bàn, Tổ tình báo quyết định tiến hành cuộc giải thoát vào đúng đêm 14.7.1949, khi địch đang tổ chức nhậu nhẹt nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh Pháp.

Nhà trí thức Dương Bạch Mai được giải thoát khỏi nhà tù Kon Tum như thế nào? - Ảnh 2.

“Đội bóng” tình báo Liên khu 5 (ông Nguyễn Quang Cầu đứng thứ ba, từ phải sang) trong dịp Đại hội Quân báo Liên khu, tháng 1/1951. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ngày hôm ấy, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nhất là tại Dinh Công sứ, từ lính Tây đến mật vụ đều mải mê ăn chơi. Một kế hoạch chi tiết đã được Tổ tình báo vạch ra, đó là tạo hiện trường giả ngay tại nơi giam lỏng ông bà Dương Bạch Mai. Lợi dụng lúc kẻ địch sơ hở, vợ chồng ông đã khéo léo ngụy trang đồ đạc trên giường rồi phủ chăn lên trên, đêm đến, bọn mật vụ nhìn vào thấy hai ông bà như vẫn đang đắp chăn ngủ, nhưng thực ra khoảng 9 giờ tối hôm đó vợ chồng ông đã được tình báo viên Võ Loan Phiên dẫn ra ngoài rồi cùng Tổ tình báo và các du kích người Thượng băng qua rừng rậm sang đất Gia Lai. Tổ tình báo cũng dự kiến tình huống địch tiến hành lùng sục trên địa bàn nên đoàn đã tạm lánh tại một khu vực an toàn trước khi tiếp tục cơ động theo đường rừng.

Đúng như dự đoán, sáng 15/7, sau khi phát hiện ông bà Dương Bạch Mai đã được giải thoát, địch đã lùng sục khắp thị xã Kon Tum, dùng ô tô đuổi theo các hướng: Sa Thầy, Ngọc Hồi và các khu rừng mà chúng nghi là căn cứ địa của ta. Viên tướng Pinhon – Cao ủy Pháp ở Đông Dương, còn ra thông báo “Ai bắt sống được ông bà Dương Bạch Mai thì sẽ được trọng thưởng 20.000 franc”. Trong khi ấy, Tổ tình báo cùng vợ chồng ông Dương Bạch Mai đã len lỏi theo đường rừng từ Kon Tum về tới căn cứ của Liên khu 5 trên đất Bình Định một cách an toàn.

Ngày 15/9/1949, khi đã trở về cơ sở của ta ở Liên khu 5, vợ chồng ông bà Dương Bạch Mai đã có những dòng thư cảm ơn gửi tới các cán bộ tình báo Liên khu, nhất là Chi Tình báo Gia Lai – Kon Tum. Trong thư, ông viết: “Về cuộc giải thoát chúng tôi ra khỏi vùng tạm bị chiếm thì chỉ có một lời trầm trồ khen ngợi tất cả những anh em nhân viên phụ trách, nhất là anh chỉ huy Vũ Đăng Phong; trầm trồ khen ngợi và cảm thông vì óc tổ chức, vì chí anh hùng, vì lòng tận tụy phụng sự Quốc gia và Chính phủ. Không ngờ trong vòng bốn năm mà Ban tình báo còn trẻ trung của nước Việt Nam đã có những người làm được một việc to lớn mà chỉ có những tổ chức mật của các nước tiên tiến ở châu Âu mới có thể làm được. Mong ước sau này Ban tình báo tiếp tục phát triển và trở nên rường cột của Quốc gia và Chính phủ…”.


Quang Huy (Theo Sự kiện & Nhân chứng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem