LTS: "Ta không chỉ được chứng kiến những suy nghĩ, cảm xúc riêng tư của một cá nhân, mà qua đấy, còn đọc thấy bao vấn đề nhân sinh, thế sự, thấy được mối dây gắn bó kết nối trong từng gia đình, những bước thăng trầm của số phận con người và rộng hơn là thấy được không khí của thời cuộc. Một đời sống của những ngày tháng đã qua hiển hiện thật gần gũi, sinh động từ những câu chuyện chân thật và sự rung cảm sâu sắc của tình cảm Cha – Con” - PGS.TS Lưu Khánh Thơ đã chia sẻ như vậy khi biên soạn cuốn “Cha và con” (NXB Trẻ, 2017) tập hợp 44 bài viết về tình cha con của những người nổi tiếng.
Nhân dịp Ngày của Cha 16/6 năm nay, Dân Việt xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết dưới đây của nhà văn Bảo Ninh về cha mình là GS Hoàng Tuệ (1922-1999, Nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học), cũng để hiểu thêm lý do tác giả "Nỗi buồn chiến tranh" cầm bút viết văn.
|
Nhà văn Bảo Ninh. Ảnh: VnExpress
NHỮNG LẦN TRONG ĐỜI DẠO PHỐ CÙNG CHA
Nghĩ mà buồn, càng ngẫm càng hối tiếc. Tôi hoàn toàn chẳng có được lấy một tấm ảnh nào chụp riêng tôi với ba tôi. Hồi nhỏ đang vỡ lòng cấp một thì có, nhưng là ảnh chụp chung nhiều người, và hồi ấy là hồi hòa bình những năm trước 1964. Nhưng rồi sau đấy là chiến tranh, gian khổ, xa cách, ly biệt, đến khi qua xong được chiến tranh thì lại đẵng đẵng thời bao cấp. Máy ảnh là thứ khó lòng mà có nổi trong hầu hết các gia đình bình dân, giáo viên, giảng viên như song thân tôi.
Nhớ lại những năm tháng đấy, tôi phục và thương ba mẹ tôi vô cùng. Hồi đó mặc dù không ai là không phải chịu gian khổ, song người lớn tuổi vẫn cực gấp nhiều lần so với người còn trẻ. Như tôi thì khi xưa đang trong thực cảnh cuộc sống thời bao cấp chẳng thấy cực gì mấy. Mọi người thế nào mình thế nấy, chung hòa vào nhau nên đâu có biết rằng mình cực. Vả lại lúc rời tay súng, ra khỏi cuộc chiến, bắt đầu vào đời sống hòa bình, tôi còn trẻ, mới 24. Còn ba tôi, khi cũng tuổi 24 ấy, đã rời bỏ nếp sống và mức sống dù gì cũng khá là êm ấm của một thanh niên trí thức con nhà để cầm vũ khí dấn mình vào thời đại bão tố đầy khốc liệt và gian khổ từ ngay ngày đầu Toàn quốc Kháng chiến; rồi là liên tiếp hai cuộc trường chinh mười ngàn ngày Chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ; vừa hòa bình 1975 chưa được bao lâu lại phải chịu gánh nặng của đời sống nhọc nhằn thời bao cấp chồng chất lên thêm với hai cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới; đến được Đổi Mới thì ba tôi đã già, sức khỏe đã suy, sức chịu đựng vơi cạn, mà vẫn đang phải sống kham khổ, túng thiếu đủ bề, con cái lại cũng nghèo chẳng đỡ đần được gì cho cha mẹ. Nhưng mà cực nhất, thấm thía nhất đối với người già, là nỗi buồn trước thời cuộc và sự đời, rồi nữa là niềm cô đơn, sự trống trải. Những người đồng chí, đồng đội, cùng thời, cùng thế hệ, cùng tâm tư và tầm văn hóa lần lượt khuất núi, càng năm ba tôi càng bị mất dần đi, thưa vắng dần những bằng hữu thâm giao tâm đầu ý hợp.
Có thể một phần là bởi vì thế mà từ khi đã trưởng thành, bắt đầu đời bộ đội, nhất là từ giải ngũ trở về sau chiến tranh, tôi gần được với ba tôi hơn hẳn ngày còn đi học. Ba tôi để tâm trò chuyện kỹ hơn và nhiều hơn với tôi, một cách bình đẳng, chân tình, đàn ông người lớn với nhau. Và thường là ông lựa những lúc chỉ có hai cha con.
GS. Hoàng Tuệ ở giữa, bên phải là Hoàng Ấu Phương - Bảo Ninh. Ảnh chụp tại Hà Nội, 1958
Tuy nhiên những lúc như vậy không nhiều. Chỉ thỉnh thoảng, vào những buổi chiều, đôi khi ba tôi bảo tôi đi dạo cùng ông. Mà thực ra cả trong những lần đi dạo như thế hai cha con cũng không nói chuyện gì mấy. Ba tôi trầm lặng, rất đỗi kiệm lời. Tôi thì lúng túng lụng vụng, không biết cách diễn đạt gãy gọn ý nghĩ, nên sự nói năng luôn miễn cưỡng. Hai cha con đi bộ từ nhà, có hôm quanh Quảng trường Ba Đình và Lăng Bác, có hôm dạo gần khắp các phố cổ, rồi mới về, mà ba tôi trao đổi với tôi chỉ dăm câu chục lời, có hôm chẳng lời nào.
Vậy nhưng, tôi ghi nhớ mãi và ơn sâu mãi trong lòng những lần bách bộ lặng lẽ hầu như không lời ấy.
* * *
Buổi chiều ấy, ngay trước ngày nhập ngũ, giã từ thời tuổi trẻ học trò, giã từ thành phố thân yêu ruột thịt của mình, tôi đi bộ với ba tôi ra Hồ Gươm. Bấy giờ, mới hơn một tuần sau ngày Bác Hồ mất, Hà Nội vẫn đang ngấm sâu trong đau buồn, phố xá thầm lặng, dưới mưa.
Lúc trở về, đã gần tối, hai cha con rẽ vào một quán cà phê “chui” ở ngõ Cấm Chỉ. Quán ẩn trên áp mái. Một khoang gác ọp ẹp. Dăm bộ bàn ghế thấp tịt. Khách khứa lặng lờ như những cái bóng, không ai nhìn rõ ai. Bàn của hai cha con tôi kê kề một ô cửa sổ hẹp không có khung gỗ, giống như một lỗ thủng. Trông ra thấy sàn sàn nhấp nhô một vùng ướt át những mái nhà phố cũ và những sân thượng, sân sau, những căn gác lửng.
Đấy là lần đầu tiên tôi vào một quán cà phê và cũng là lần đầu thưởng thức cà phê một cách đúng điệu đàn ông. Không trộn một tý ty nào bột ngô bột cám, cà phê thật sự cà phê, pha phin, đậm đặc, nhỏ từng giọt, đường thật ít. Và thuốc lá. Mọi khi đừng nói bia bọt với cà phê, nước trà ba tôi cũng nghiêm khắc cấm tiệt tôi. Vậy mà bữa ấy cả thuốc lá ông cũng cho phép. Bóc một gói Tam Đảo bao bạc, ông đưa mời tôi, như mời một người bạn. Bởi vì rằng ngày mai tôi đã là anh bộ đội nên với ba tôi kể từ đây tôi là người lớn thực thụ, còn hơn thế, là người mà ông có thể chia sẻ tâm sự.
Hàng ngày bận bịu công việc nghiên cứu và giảng dạy, ba tôi ít khi dành riêng thì giờ cho tôi, con trai thứ của ông. Sự học hành của tôi, điểm số, thi cử, sổ liên lạc, họp phụ huynh v.v... hầu hết mẹ tôi lo. Thành thử từ hôm tôi nhận giấy gọi nhập ngũ, ba tôi như muốn bù đắp lại sự xa cách ấy. Trong những ngày tôi còn ở nhà, ngoài cùng tôi đi chào từ biệt suốt lượt họ hàng nội ngoại, ba tôi đưa tôi đến thăm những người bạn cùng trung đoàn với ông thời kháng Pháp, để nghe các bác kể về đời bộ đội, về cuộc sống trong quân ngũ, và về những kinh nghiệm, những bài học đáng nhớ có được từ chiến trận... Và, nghĩ cũng buồn cười, không tính rằng tôi sẽ có ba tháng tân binh luyện quân ở thao trường ngoài Bắc, ba tôi đã lo xa, bày dạy cho tôi cách mắc võng, cách gấp chăn màn quần áo sao cho gọn ghẽ vuông vức kiểu nhà binh, cả cách nhóm lửa trong mưa, cách nấu cơm trong hăng gô. Ông tìm cho tôi cuốn “Sổ tay rau rừng” của bác Từ Giấy, để làm cẩm nang trên đường trường hành quân. Có lẽ, bởi vì ngẫm từ bản thân mình, ba tôi thấy trước những khó khăn vướng vấp mà hầu hết những ai như tôi, là học sinh thành thị, non nớt và vụng về, có thể sẽ gặp phải trên chặng đầu tiên đời bộ đội.
Ông bà Hoàng Tuệ tại lăng Tự Đức, Huế.
Thế nhưng buổi chiều tối ấy, khi cha con ngồi bên nhau có thể là lần cuối cùng, ba tôi lại hầu như chẳng lời nào bàn tới cuộc chiến đang đợi tôi. Nhâm nhi tách cà phê thứ nhất rồi thứ nhì, hết điếu thuốc này nối điếu thuốc khác, ba tôi trầm tư, lúc nói lúc ngừng lặng, trở về với thời tuổi trẻ của ông ở Huế, học trường Quốc học, tham gia Cách mạng, nổ súng đánh Tây. Ông kể về ngôi nhà và khu vườn của ông bà nội tôi ở đường Hộ Thành bên hồ Tịnh Tâm gần Đại Nội, mà vào cuối năm 1946 các cụ đã phải rời bỏ, tản cư chạy giặc. Ba tôi nói về nỗi đau lòng của bà tôi, nước mắt của bà hồi năm 1956 hay tin Mỹ Diệm phá hoại Tổng tuyển cử, đất nước có thể mãi mãi bị chia cắt, bà tôi có thể mãi mãi không về lại được Huế... Những câu chuyện ấy miên man lùi về một thời xa lắc, một nơi xa lắc, mà khi đó tôi cho là chẳng liên quan tới cái sự ngày mai tôi ra trận.
Nhưng trí nhớ thật kỳ lạ. Ngay khi đấy, thú thực, tôi nghĩ đâu đâu, không thật sự chú tâm nghe ba tôi nói. Vậy mà về sau, dọc Trường Sơn, trong Tây Nguyên, những khi tăng võng rừng khuya tỉnh giấc nhớ Hà Nội, và cả tới tận bây giờ nữa, hễ cứ khi nửa đêm thao thức nhớ đến cha, là tôi lại nghe thấy rõ mồn một gần như từng lời của ông ngày đó, buổi chiều tối ấy, trong cái quán cà phê ấy.
* * *
Sau chiến tranh, giải ngũ, tôi trở về nhà vào một ngày cận tết Bính Thìn, 1976.
Vì thuộc diện ra Bắc sớm nhất đơn vị nên tôi mang theo trong ba lô rất nhiều thư của các đồng đội quê Hà Nội. Vui nhất đối với tôi trong mấy ngày trước Tết là đi đưa những lá thư ấy, mang trực tiếp đến cho gia đình các bạn tôi niềm hạnh phúc vô bờ. Hơn hai chục lá thư, hơn hai chục địa chỉ, khắp trong thành phố, mà đều là do ba tôi lọc cọc chở tôi đi. Ông nhất định không để tôi đạp xe đạp tự đi lấy một mình. Hồi đó, Hà Nội đâu có kìn kìn ô tô xe máy như ngày nay. Nhưng ba tôi sợ ngộ nhỡ.
Đưa thư tới các gia đình bộ đội cũng là đi dạo phố. Ba đưa tôi đi may đo hai bộ đồ dân thường tại hiệu may Hàng Gai, thửa đôi giày da ở một tiệm giày khuất sâu trong ngõ Phất Lộc, rồi đi ăn phở. Tiệm phở nhà họ Cồ phố Hàng Đồng. Và uống cà phê, ở Ngõ Gạch chứ không phải Cấm Chỉ, song cũng là cà phê “chui” và cũng ẩn trên gác xép, y chang cái quán ngày nào. Hai cha con cũng gọi hai tách cà phê phin, cũng một bao thuốc lá Tam Đảo bóc ra và cũng chậm rãi, gần như lặng lẽ, trò chuyện. Sáu năm trước, đang cao đỉnh thời chiến, sắp tới lúc chia tay con trai lên đường ra trận, ba tôi buồn, nặng trĩu âu lo nên trầm lắng. Nhưng nay đã hòa bình và tôi còn sống trở về mà ba tôi vẫn vậy, ưu tư, kiệm lời, mặc dù dĩ nhiên là ông vô hạn mừng vui.
Trên đường về nhà, ba tôi và tôi vào chợ hoa Hàng Lược chọn một cành đào. Từ năm 1965, qua 10 năm chiến tranh, tới Bính Thìn Tết ấy trong gia đình chúng tôi mới có lại giò hoa thủy tiên, chậu cúc, cành đào.
Ngày hôm sau, thư từ đã chuyển hết xong, ba tôi vẫn tiếp tục đạp xe chở tôi đi chào họ hàng và những người bạn của ông. Ấy là những bác mà cách đó sáu năm, trước hôm lên đường nhập ngũ, tôi đã được gặp. Tuy nhiên, có một người, hôm đó ba tôi mới tôi đưa tôi đến gặp lần đầu, là nhà thơ Hồ Dzếnh, nhà ở phố Hòa Mã.
Ba tôi là Giáo sư Ngôn ngữ học nên ông quen biết nhiều nhà văn nhà thơ nổi tiếng. Nhà thơ Hồ Dzếnh thì có thể là vào năm 1976 ấy đang không nổi tiếng, nhưng ba tôi rất ngưỡng mộ thơ của ông, vả lại đã quen biết ông từ kháng chiến chống Pháp, nhà thơ dạy học ở Khu Tư, còn ba tôi công tác tại Bộ Tư lệnh Liên khu 4 của tướng Nguyễn Sơn.
Giờ đây, ngẫm lại, tôi nghĩ rằng đời tôi bén với văn chương là kể từ rất lâu rồi trước khi lần đầu cầm bút viết văn, mà cụ thể là kể từ ngày hôm ấy, vừa từ quân ngũ trở về, đi dạo phố phường Hà Nội cùng cha, được ông dẫn tới gặp một nhà thơ.
Thực ra, luôn luôn là vậy, trên dọc đường đời, tôi luôn đi theo những bước đi lặng lẽ của ba tôi. Khi xưa, sánh vai chúng bạn cùng thế hệ quyết chí lên đường ra trận, là bởi vì tôi mong nối chí thế hệ của ba tôi, và cũng bởi vì, xét cho cùng, tôi muốn góp phần thực hiện mong ước sâu nặng của ông, sâu nặng mà giản dị: thống nhất được đất nước, đưa được bà nội tôi về lại với ngôi nhà xưa của bà ở Huế.
Về sau, cũng vậy, tôi viết văn trước nhất là do thấm thía từ ba tôi tình yêu Tiếng Việt. Cầm bút viết văn đó thực sự là tôi đang đi trên con đường của ba tôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.