Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Tuổi 20 yêu dấu - Vì sao tôi viết? (Nguồn: Nhã Nam)
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - tên tuổi đáng chú ý nhất văn đàn Việt Nam trong vài chục năm qua đã ra đi trong một ngày mưa của Hà Nội. Cố nhà văn qua đời trong vòng tay con cháu, lúc 16h45 ngày 20/3, sau một thời gian chống chọi với bệnh đột quỵ.
"Sinh lão bệnh tử / Luật trời đã ban / Thì đành chấp nhận / Với nụ cười thôi… Nói chỉ nói vậy thôi / Lòng buồn không tả nổi…". Những câu thơ đã là cuối cùng trên giường bệnh của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - một tên tuổi trên văn đàn Việt Nam cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI - khiến những người yêu thương ông và yêu tài văn của ông không khỏi bất ngờ.
Sách Tuổi 20 yêu dấu được ra mắt trong buổi tọa đàm: "Chúng ta nói gì khi nói về tuổi 20 yêu dấu", tổ chức tối 4/10/2018 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội. Sách vốn hoàn thành vào tháng 1/2003, đã được dịch ra tiếng Pháp và xuất bản từ năm 2005, cũng như được phát hành ở nhiều nước như Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Canada. Vì ngôn ngữ nhạy cảm, cuốn tiểu thuyết phải chờ đợi 15 năm trước khi phát hành trong nước.
Tuổi 20 yêu dấu được viết chỉ trong vòng một tháng, trong một căn phòng nhỏ trên đảo Cát Bà (Hải Phòng). Nhân vật Khuê là một thanh niên thành phố có bố là nhà văn nổi tiếng, nhưng cậu ta lại thấy chán ghét mọi thứ quanh mình. Biến cố xảy ra khi hai bố con hiểu lầm nhau và Khuê bị bố đuổi khỏi nhà. Tai vạ này dẫn đến tai vạ khác, đẩy cậu "công tử bột" dần lún sâu vào giới giang hồ. Từ "nhẹ nhàng" như cầm đồ, cậu "liều mạng" hơn với những hành động đua xe, gặp gái điếm, tham gia buôn lậu, hít heroin... Rồi cậu bị đánh cho thừa sống thiếu chết và bị ném ra đảo hoang. Ở đây, cậu bắt đầu học cách sống tự lập.
Tuổi 20 yêu dấu tiếp tục xoay quanh một nam thanh niên mới lớn - mô típ trong những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Nhà văn lý giải việc thường xuyên lựa chọn nhân vật chính ở độ tuổi 17 đến 20 vì đó là tuổi đẹp nhất, cũng là tuổi mà con người phải bước qua cửa tình: "Nó là cửa đầu tiên trong quá trình tu luyện thành người của con người". Ông coi sống là một quá trình tu luyện, đi tìm "bản lai diện mục" (bộ mặt vốn có của mỗi người), đi tìm đạo.
Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 29/4/1950. Với hơn 50 truyện ngắn, 10 vở kịch, 4 tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý, Nguyễn Huy Thiệp được xem là “hiện tượng hiếm” của văn đàn Việt Nam. Ông thường viết về nông thôn, người lao động, thanh niên, nhân vật lịch sử... với màu sắc huyền thoại, cổ tích và suy tư tôn giáo. Các tác phẩm nổi tiếng của ông là Tướng về hưu, Những ngọn gió Hua Tát, Chảy đi sông ơi, Sang sông, Con gái thủy thần, Giăng lưới bắt chim... Ông từng nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino, Italy (2008)... Năm 2014, ông tuyên bố ngừng viết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.