Nhà văn Quỳnh Dao tác giả "Hoàn Châu cách cách" là ai mà khi nghe tin qua đời ai cũng "sốc"?
Nhà văn Quỳnh Dao tác giả "Hoàn Châu cách cách" là ai mà khi nghe tin qua đời ai cũng "sốc"?
Minh Quân
Thứ tư, ngày 04/12/2024 16:11 PM (GMT+7)
Nhà văn Quỳnh Dao là "mẹ đẻ" của loạt tác phẩm nổi tiếng và được chuyển thể thành phim như Hoàn châu cách cách, Dòng sông ly biệt, Một thoáng mộng mơ... Bà cũng là người phát hiện và nâng đỡ một loạt tài năng của điện ảnh như Triệu Vy, Lâm Tâm Như, Phạm Băng Băng, Tô Hữu Bằng, Tưởng Cần Cần…
Quỳnh Dao, tên thật là Trần Triết, sinh năm 1938 tại Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc, trong gia đình có cha là Trần Trí Bình, giáo sư Sử học tại trường Đại học Quốc lập Sư phạm còn mẹ có xuất thân từ gia đình có học vấn.
Cụ ngoại Quỳnh Dao là một thầy thuốc nổi tiếng cuối đời Thanh và rất ghét tư tưởng phong kiến hủ bại với quan niệm lạc hậu "con gái không tài mới là đức". Bởi vậy, cụ chủ trương phải cho con gái được học hành đến nơi đến chốn và nhờ đó mẹ và các dì Quỳnh Dao đều có tài nghệ riêng và sự nghiệp vững vàng.
Nhà văn Quỳnh Dao được biết đến rộng rãi với những tác phẩm ngôn tình lãng mạn, đặc biệt là bộ tiểu thuyết đình đám "Hoàn Châu Cách Cách". Các tác phẩm của bà được dịch ra và xuất bản rộng rãi ở Việt Nam từ cuối thập niên 1960.
Bà bắt đầu viết lách từ khi còn rất trẻ. Những câu chuyện tình yêu tuổi trẻ, những nỗi buồn vui thường ngày đều được bà ghi lại bằng những dòng chữ đầy cảm xúc. Tác phẩm đầu tay của bà là tập truyện ngắn "Ngoài khung cửa sổ" ra đời khi bà còn là một cô gái trẻ tuổi.
Sự nghiệp văn học của Quỳnh Dao bắt đầu thực sự tỏa sáng từ những năm 1960. Các tác phẩm của bà nhanh chóng được độc giả đón nhận và yêu thích. Những câu chuyện tình yêu lãng mạn, đầy bi kịch, thể hiện sâu sắc tâm lý nhân vật đã chạm đến trái tim của hàng triệu độc giả.
Hoàn Châu Cách Cách: Đây là một trong những tác phẩm thành công nhất của Quỳnh Dao, được chuyển thể thành nhiều phiên bản phim truyền hình và gây sốt khắp châu Á. Câu chuyện về những cuộc đời đầy biến động của các nhân vật trong cung đình đã trở thành một hiện tượng văn hóa.
Một thoáng mộng mơ: Tác phẩm này kể về câu chuyện tình yêu giữa một cô gái trẻ và một người đàn ông đã có gia đình, gây ra nhiều tranh cãi nhưng vẫn được đông đảo bạn đọc yêu thích.
Dòng sông ly biệt: Đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Quỳnh Dao, khắc họa sâu sắc những nỗi đau, mất mát trong tình yêu.
Không chỉ là một nhà văn tài năng, Quỳnh Dao còn là một nhà biên kịch, nhà sản xuất phim thành công. Nhiều tác phẩm của bà đã được chuyển thể thành phim truyền hình, tạo nên những cơn sốt trên màn ảnh nhỏ và làm nên tên tuổi của nhiều diễn viên nổi tiếng như Lâm Tâm Như, Triệu Vy, Tô Hữu Bằng...
Văn phong của Quỳnh Dao nhẹ nhàng, lãng mạn, giàu cảm xúc. Bà có khả năng miêu tả tâm lý nhân vật một cách tinh tế, khiến người đọc dễ dàng đồng cảm. Các tác phẩm của bà thường xoay quanh những chủ đề quen thuộc như tình yêu, gia đình, cuộc sống. Tuy nhiên, cách khai thác những chủ đề này lại rất mới mẻ và độc đáo, tạo nên dấu ấn riêng cho văn phong của bà.
Chuyện tình yêu và hôn nhân của nhà văn Quỳnh Dao
Tình yêu đầu đời: Quỳnh Dao từng chia sẻ về mối tình đầu với một người thầy hơn bà 25 tuổi tên Tưởng Nhân. Mối tình này tuy đẹp nhưng không có kết quả, gia đình ngăn cấm kịch liệt. Thầy Tưởng Nhân bị đuổi việc vì "dám" yêu đương với học sinh.
Mối tình đầu có kết buồn đã tạo cảm hứng cho Quỳnh Dao sáng tác nên tác phẩm đầu tay của mình mang tên Song Ngoại (Bên Ngoài Cửa Sổ). Tiểu thuyết này nói về mối tình thầy - trò như tự sự lại câu chuyện của Quỳnh Dao và Tưởng Nhân. Lời đề tựa của cuốn sách ghi: "Nếu hai người không thể ở bên nhau, vậy hãy kể lại tình yêu của họ trong một cuốn sách để mọi người phải biết đến".
Đến năm 20 tuổi, Quỳnh Dao bị gia đình thúc giục chuyện cưới xin và được sắp xếp cho hàng loạt cuộc xem mắt. Bà từ chối tất cả những chàng trai được cha mẹ mai mối mà rơi vào lưới tình với một sinh viên nghèo mới tốt nghiệp là Mã Khánh Sâm.
Năm 1959, cặp đôi trẻ kết hôn bất chấp việc không được gia đình Quỳnh Dao chúc phúc. Họ vẫn quyết sống trong cảnh "một túp lều tranh hai trái tim vàng". Năm thứ 4 sau khi kết hôn, dưới sự ủng hộ của chồng, Quỳnh Dao đã cho ra đời tác phẩm mang tên Song ngoại (1963).
Sau 5 năm cuộc hôn nhân này tan vỡ khi Song Ngoại ra mắt và thành công rực rỡ. 2 người có con trai nhưng cuộc hôn nhân tưởng chừng như đẹp đẽ này lại không mang lại cho bà hạnh phúc và sự ổn định như mong đợi.
Cũng trong năm ly hôn Mã Sâm Khánh, Quỳnh Dao gặp tai nạn. Nhưng vụ tai nạn này cũng giúp bà gặp được người bạn đời sau này - Bình Hâm Đào, người hơn bà tới 25 tuổi. Khi đó, Bình Hâm Đào đang làm việc tại một nhà xuất bản và là người giúp Quỳnh Dao xuất bản cuốn Song ngoại.
Điều đáng chú ý là mặc dù lúc đó Bình Hâm Đào có một gia đình có vẻ ổn định và đầy đủ. Nhưng sau vô số đêm suy nghĩ và ngày tháng đấu tranh, Bình Hâm Đào đã chọn cách chia tay cuộc sống hiện tại và đến với nhà văn trẻ.
Tuy nhiên, trong những năm cuối đời, Bình Hâm Đào bị bệnh Alzheimer. Ông quên hẳn người vợ đầu ấp tay gối với mình hơn 30 năm. Thời điểm đó, Quỳnh Dao bị con riêng của chồng cấm gặp gỡ, chăm sóc ông và bà buộc phải quay về cuộc sống một mình. Năm 2019, ông Bình Hâm Đào qua đời vì tuổi cao, sức yếu.
Di thư của nhà văn Quỳnh Dao để lại cho con cháu
Trước đó, vào ngày 12/3/2017, nhà văn Quỳnh Dao chia sẻ trên trang cá nhân bức thư gửi con trai và con dâu, dặn dò chuyện hậu sự.
Trong thư, Quỳnh Dao ghi rõ bà sẽ cười để đón nhận cái chết. Dù mắc phải bệnh nặng thế nào, bà đều không muốn làm phẫu thuật, lắp ống thở... "Khi còn sống, nguyện là ánh lửa, cháy tới phút cuối cuộc đời. Chết đi, nguyện là hoa tuyết, lất phất rơi, hóa thành cát bụi".
Quỳnh Dao khẳng định bà không muốn mai táng theo nghi thức tôn giáo truyền thống. Nữ sĩ dặn con không đăng cáo phó, không làm lễ truy điệu, không lập linh đường, không đốt vàng mã... Bà muốn mọi việc diễn ra lặng lẽ, đơn giản. "Cái chết là việc riêng, đừng làm phiền người khác, càng đừng làm phiền những người yêu mến mẹ. Nếu thật lòng yêu mẹ, họ sẽ hiểu cho mẹ... Mẹ chẳng có gì cả lúc chào đời thì lúc đi cũng mong được đơn giản gọn ghẽ, sau này, tiết Thanh Minh cũng không cần cúng bái mẹ, vì mẹ đã không còn tồn tại. Huống hồ trái đất ngày một ấm lên, đốt giấy đốt hương đều đang phá hoại địa cầu. Chúng ta có nghĩa vụ giữ gìn môi trường sống sạch sẽ cho những sinh mệnh mới đang nối tiếp nhau chào đời".
Bà dặn con cháu không quan tâm tới bình luận của người ngoài: "Mọi việc càng làm nhanh gọn càng tốt. Đợi xong việc hãy thông báo về sự ra đi của mẹ, để tránh lời ra tiếng vào, khiến các con cảm thấy rắc rối".
Bức thư của Quỳnh Dao thu hút bình luận của người dùng mạng, được hàng nghìn người chia sẻ.
Cái chết bất ngờ của nhà văn Quỳnh Dao gây "sốc"
Ngày 4/12, nhà văn nổi tiếng Quỳnh Dao (tên thật Trần Triết) được phát hiện qua đời tại nhà riêng ở quận Đạm Thủy (Đài Loan), hưởng thọ 86 tuổi. Theo truyền thông Đài Loan, sau khi không thể liên lạc với mẹ, con trai 63 tuổi của bà cho biết đã yêu cầu thư ký về nhà vào buổi trưa để kiểm tra tình hình. Khi vào nhà, thư ký phát hiện Quỳnh Dao đã ngừng thở và không còn dấu hiệu sự sống. Đội cấp cứu được gọi đến hiện trường lúc 13 giờ 22 phút, nhưng không thể cứu vãn tình hình, xác nhận bà đã qua đời.
Con trai của nữ nhà văn cho biết, bà để lại một bức thư tuyệt mệnh, nội dung chưa được tiết lộ. Đây là cú sốc lớn đối với gia đình và cộng đồng yêu mến các tác phẩm văn chương lãng mạn của bà.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.