Phim giờ vàng bị “bóp” số lần quảng cáo, khán giả không còn phải “nhức mắt” khi xem phim?

Tuệ Lâm Thứ tư, ngày 04/12/2024 19:00 PM (GMT+7)
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo quy định, mỗi chương trình phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo 2 lần, mỗi lần ngắt để phát quảng cáo không quá 5 phút. Điều này sẽ góp phần chấn chỉnh lại tình trạng quảng cáo "vô tội vạ" trên truyền hình như hiện nay.
Bình luận 0

Phim giờ vàng bị "bóp" số lần quảng cáo

Thời gian vừa qua, khán giả truyền hình tỏ ra khó chịu, "nhức mắt"… khi xem một tập phim thời lượng khoảng 30 phút nhưng có hơn 3 - 4 lần quảng cáo. Thậm chí, một phim truyện có thời lượng khoảng 45 phút thì có đến 15 phút quảng cáo. Các hoạt động quảng cáo này thường tập trung vào các chương trình phim truyện phát sóng khung giờ vàng (từ 18- 20h hàng ngày).

Phim truyện giờ vàng bị “bóp” số lần quảng cáo, khán giả không còn phải “nhức mắt” khi xem phim? - Ảnh 1.

Nhiều quy định mới trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sẽ góp phần chấn chỉnh lại tình trạng quảng cáo "vô tội vạ" trên truyền hình. Ảnh minh họa.

Chương trình phát và cài cắm quảng cáo nhiều nhất trong năm có lẽ là Táo Quân – chương trình phát sóng 30 Tết Nguyên đán hàng năm. Ngoài 5 phút quảng cáo với khoảng 14 - 15 nhãn hàng ở mỗi phần nghỉ, trong nội dung kịch bản chương trình cũng cài cắm quảng cáo rất lộ liễu. Nhiều khán giả đã phải thốtlên khi xem Táo Quân 2024: "Cảm giác như đang xem những trích đoạn TVC chứ không phải chương trình hài cuối năm".

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề rằng, thời gian qua, có trường hợp xem phim hoặc nội dung khác, khi đang tới chỗ hấp dẫn, tự dưng cắt ngang chèn quảng cáo. Đây là điều "hết sức là vô duyên, không tôn trọng khách hàng". Vì thế, vị đại biểu này đề nghị cần quy định quảng cáo trong thời điểm nào cho phù hợp, "chứ tự nhiên người ta đang xem, cắt ngang nhào vô quảng cáo thì kỳ lắm!".

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cũng cho rằng, việc liên tục bị ngắt quãng bởi các đoạn quảng cáo sẽ làm giảm sự tập trung và hứng thú của người xem đối với chương trình đang theo dõi. Điều này đặc biệt đúng với các chương trình có tính chất liên tục như phim truyền hình, thể thao… Để có thêm thời gian phát sóng quảng cáo, các nhà đài có thể cắt giảm hoặc kéo dài thời lượng các chương trình, dẫn đến việc giảm chất lượng nội dung và làm mất đi sự hấp dẫn vốn có của các chương trình đó.

Bà Trịnh Thị Tú Anh nhấn mạnh, người xem đã trả phí để được trải nghiệm dịch vụ truyền hình chất lượng cao, việc phải xem quá nhiều quảng cáo sẽ khiến họ cảm thấy bị làm phiền và không được tôn trọng.

Trước thực tế này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo quy định, mỗi chương trình phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo 2 lần, cứ mỗi 15 phút tăng trong thời lượng chương trình được ngắt quảng cáo thêm 1 lần; mỗi lần ngắt để phát quảng cáo không quá 5 phút.

Như vậy có thể hiểu, một bộ phim hoặc một chương trình có thời lượng 30 phút sẽ được ngắt để quảng cáo 2 lần, 45 phút sẽ được phép ngắt để quảng cáo 3 lần nhưng mỗi lần không quá 5 phút.

Điều này là phù hợp với thực tiễn vì để sản xuất ra một bộ phim ăn khách/chương trình truyền hình hoặc mua bản quyền phát sóng một bộ phim/chương trình truyền hình, nhiều Đài Truyền hình phải bỏ ra một số tiền rất lớn đề đầu tư sản xuất hoặc trả chi phí bản quyền. Trong khi, nguồn thu chủ yếu lại từ quảng cáo. Vì thế, nếu hạn chế lượng quảng cáo thì nhà Đài sẽ thất thu và không đủ kinh phí để tái đầu tư sản xuất.

Ngắt số lần quảng cáo nhưng cũng cần kiểm soát nội dung quảng cáo

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang chia sẻ với Dân Việt rằng, việc điều chỉnh lại số lần quảng cáo đối với các chương trình truyền hình hoặc phim truyện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo mới đây là hợp lý. Điều này sẽ hài hòa, cân đối được giữa việc giúp nhà Đài vẫn duy trì được nguồn thu từ việc quảng cáo để tái đầu tư sản xuất và khán giả cũng không còn cảm thấy khó chịu khi phải tiếp nhận quảng cáo thụ động quá nhiều khi xem truyền hình.

Tuy nhiên, ông Ngô Hương Giang cho rằng, một số chương trình lớn, có thời lượng dài cũng cần phải tiết chế số lần ngắt để quảng cáo và kiểm soát nội dung quảng cáo để tránh gây phản cảm đối với người xem.

Tương tự, nhà văn Di Ly cũng cho rằng, để cân bằng lợi ích giữa các Đài Truyền hình với người sử dụng dịch vụ truyền hình thì cần phải điều chỉnh quy định số lần ngắt, thời gian quảng cáo phù hợp hơn nữa. Trước khi thực hiện điều chỉnh, nhà Đài cần khảo sát ý kiến người xem truyền hình trong việc tăng thời lượng quảng cáo và số lần quảng cáo.

"Tôi cho rằng, trong thời điểm công nghệ số bùng nổ như hiện nay thì việc phải có khảo sát, đánh giá ý kiến của người sử dụng dịch vụ truyền hình để đưa ra được số lần quảng cáo trong mỗi chương trình là rất nên làm. Ngoài ra, nội dung quảng cáo trong các chương trình hoặc bộ phim cũng cần phải được thẩm định, đánh giá và kiểm soát chặt chẽ hơn. Trước đây từng có tình trạng quảng cáo sản phẩm hoặc dịch vụ vào khung giờ mọi người ăn cơm tối không phù hợp, gây nên nhiều bức xúc trong dư luận", nhà văn Di Ly nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem