Nhà văn Tâm Phan: Chết đi rồi, nối dõi hay không đâu còn quan trọng?

Yên Phong Thứ tư, ngày 21/01/2015 14:55 PM (GMT+7)
“Tôi tin rằng phần lớn người chồng/ người cha không coi trọng việc sinh con trai hay con gái mà bởi họ chịu áp lực từ phía bố mẹ chồng. Đây là một sự ích kỷ cá nhân vì sau khi họ chết đi, có người nối dõi hay không nối dõi đâu còn quan trọng nữa?” – nhà văn Tâm Phan chia sẻ.
Bình luận 0

Tâm Phan là tác giả của các tác phẩm được nhiều phụ nữ đón nhận như “Hồi ký Tâm Phan”, “Sex và những thứ khác”, “Lần đầu làm mẹ”, “Yêu như là sống”. Hiện chị đang sống cùng chồng và con gái nhỏ tại Geneva, Thụy Sĩ.

Rốt cuộc thì nối dõi để làm gì?

Nhiều phụ nữ than phiền rằng: làm vợ ở Việt Nam khổ hơn làm vợ ở các nước phương Tây. Là một người đi nhiều, đọc nhiều và được nhiều phụ nữ chia sẻ những câu chuyện riêng tư của họ, chị nghĩ thế nào về điều này?

Tôi nghĩ sướng khổ do tự bản thân mình mà thôi. Ai cũng có quyền từ chối khổ, khác nhau ở chỗ người phụ nữ ý thức được cái quyền đó hay không. Ví dụ: Cùng hoàn cảnh có một ông chồng vô trách nhiệm, tối ngày rượu chè cờ bạc, người phụ nữ phương Tây sẽ không chấp nhận mà bỏ đi tìm người đàn ông khác xứng đáng với mình hơn.

img
Nhà văn Tâm Phan và chồng

Phụ nữ Việt Nam thì khác, họ thường nhẫn nhịn và tự an ủi rằng dù sao thì con vẫn còn có cha, bỏ đi thì tội nghiệp con. Tuy nhiên, họ không nhận ra rằng điều đó lại có ảnh hưởng xấu đối với con trẻ bởi nó sẽ phải sống trong một gia đình không hạnh phúc, phải chứng kiến thói xấu của cha và sự chịu đựng của mẹ. Lớn lên đứa trẻ sẽ chỉ hiểu một điều rằng: Đàn ông có quyền có thói hư tật xấu và phụ nữ phải chấp nhận sống phụ thuộc vào đàn ông.

Suy nghĩ này phần nào do sự bất bình đẳng giới vẫn tồn tại đâu đó trong xã hội Việt, vai trò của một người đàn ông trong gia đình dường như vẫn được đánh giá cao hơn phụ nữ?

Việc bất bình đẳng giới thì ở đâu cũng có, kể cả ở phương Tây. Thế nhưng, xã hội càng văn minh thì khoảng cách bất bình đẳng càng được rút ngắn lại. Người Việt Nam vẫn xem trọng việc có con trai để “nối dõi tông đường”, điều này khiến nữ giới bị coi nhẹ. Áp lực của người làm dâu cũng vì thế mà tăng lên khi họ không thể sinh con trai. Tôi tin rằng phần lớn người chồng/ người cha không coi trọng việc sinh con trai hay con gái mà bởi họ chịu áp lực từ phía bố mẹ chồng. Đây là một sự ích kỷ cá nhân vì sau khi họ chết đi, có người nối dõi hay không nối dõi đâu còn quan trọng nữa?

Họ chỉ muốn thỏa mãn cái điều họ tâm niệm khi còn sống mà không cần nghĩ đến hạnh phúc của con cháu mình. Rốt cục thì nối dõi để làm gì? Giả dụ có một trận động đất hay một cơn sóng thần cướp đi sinh mạng của cả gia tộc thì con trai hay con gái liệu có còn quan trọng nữa hay không?

Vậy không biết chồng chị, một người đàn ông phương Tây có thích con trai hay không?

Chồng tôi có ý thích ngược lại với phần lớn đàn ông Việt Nam là chỉ thích con gái. Khi tôi mang bầu, chưa biết giới tính của thai nhi, anh ấy đã cầu mong đó là một bé gái. Anh thậm chí thỏa hiệp ngầm với số phận là nếu đứa trẻ là gái, anh sẽ từ bỏ họ của mình để con được mang họ Phan của mẹ. Khi con chúng tôi ra đời là một bé gái, anh đã mừng vui khôn xiết và đặt tên bé là Jenna Phan, đúng như những gì anh đã hứa.

Khi có người hỏi sao chúng tôi không sinh thêm con nữa cho “đủ nếp đủ tẻ” thì anh nói: "Tôi đã có tất cả những gì tôi mong ước, tôi thấy mình đã được toại nguyện”. Điều này hoàn toàn là do sở thích của anh, chứ không phải bởi sự phân biệt nam nữ.

img

Chồng Tâm Phan rất yêu thương con gái

5 tuổi, con tôi đã ý thức về tình cảm khác giới

Chị thay đổi bản thân thế nào khi bắt đầu làm mẹ?

Tôi bớt ích kỷ đi nhiều kể từ khi tôi có con. Tôi luôn ý thức trách nhiệm của mình với mỗi quyết định dù lớn hay nhỏ. Tôi kiên nhẫn, vị tha hơn và đặc biệt là đảm đang hơn (cười).

img

 Tâm Phan và con gái.

Jenna - con chị đã là một cô bé 5 tuổi xinh xắn, năng động và cá tính. Chị nuôi dạy cô bé hoàn toàn theo kiểu Tây, hay có đan xen một số tư tưởng Việt truyền thống?

Bản thân tôi vẫn giữ những giá trị truyền thống như “kính trên nhường dưới”, “uống nước nhớ nguồn”, “gia đình là tổ ấm”. Ngoài ra, tôi dạy con phải độc lập, khi vấp ngã hãy tự đứng lên, không than khóc đổ lỗi cho ai. Yêu thương không chỉ trong gia đình mà còn yêu thương giúp đỡ cả cộng đồng, loài vật, thiên nhiên, cây cỏ. Điều quan trọng là con tôi phải ý thức được giá trị của bản thân, biết từ bỏ những gì không xứng đáng với mình.

Con gái chị đã bắt đầu “thích” hay cảm mến một bạn khác giới nào chưa?. Thái độ của chị thế nào khi nghe được thông tin đó?

Con gái tôi 5 tuổi đã có ý thức về “tình cảm khác giới”. Con thỉnh thoảng tâm sự với tôi về việc “thích” một bạn trai ở trong lớp. Tôi thấy điều này là sự phát triển tâm sinh lý hoàn toàn bình thường. Hôm nay con thích bạn trai này, thậm chí còn dự định “cưới” bạn ấy khi lớn lên, nhưng hôm sau con lại không thích bạn ấy nữa vì bạn ấy đối xử không tốt với con. Tôi luôn ủng hộ con khi con nói “quý mến” một bạn trai nào đó bởi tôi tôn trọng con ngay từ tấm bé. Việc người lớn tôn trọng con trẻ cũng là tạo dựng lòng tự trọng của một con người. Khi lớn lên, con tôi không thể để cho bản thân bị chà đạp và phải biết tự bảo vệ mình.

Một hôm con vẽ tấm hình cô dâu chú rể và nói đó là “ảnh cưới” Jenna và Kaya rồi lồng vào khung trái tim rất đẹp. Sau đó Jenna giới thiệu: “Đây là bạn Kaya mà con rất thích. Nếu bạn ấy ngoan thì lớn lên con sẽ lấy bạn ấy. Nếu bạn ấy hư thì con sẽ vẽ bức tranh mới, thay chú rể bằng một bạn trai khác”. Tôi cảm thấy vô cùng thú vị với lối suy nghĩ của con. Một điều tưởng chừng như đơn giản nhưng nhiều người trưởng thành lại khó có thể “vẽ cho mình một bức tranh mới” khi người cũ không còn xứng đáng. Tôi tin rằng tôi đã dạy con đi đúng hướng.

Chị từng chia sẻ trong “Hồi ký Tâm Phan” rằng mình sex từ rất sớm và coi đó là điều bình thường trong tình yêu. Không biết sau này, chị sẽ dạy con thế nào về sex?

Tôi quan hệ tình dục năm 19 tuổi khi tôi là sinh viên năm thứ hai Đại học, không thể gọi là “sex từ rất sớm”. Nếu nói “rất sớm” thì phải là tuổi 13-14 khi còn đang học phổ thông kìa. Rất tiếc ở Việt Nam sex vẫn còn là điều kiêng kị, không được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nên cả một thế hệ trẻ bị hổng kiến thức, hiểu sai về sex, coi nó là xấu nhưng lại thích, muốn thử và thử lén lút. Hậu quả là nạn phá thai tràn lan, chiếm tỉ lệ cao nhất ở độ tuổi thanh thiếu niên, lứa tuổi dậy thì. Con tôi chắc chắn sẽ được hưởng một nền giáo dục tiến bộ, được trang bị đầy đủ kiến thức về tình dục ở trường nên tôi không có gì phải lo lắng.

Hiện tại con tôi còn nhỏ nhưng tôi sẵn sàng nói chuyện và lắng nghe khi con tâm sự. Tôi phải là người bạn thân nhất của con mà con tin tưởng, chia sẻ tâm tư, suy nghĩ của mình. Lẽ tự nhiên, khi đến tuổi dậy thì, có tình cảm và muốn quan hệ tình dục với một bạn trai nào đó, con sẽ tâm sự với tôi chứ không việc gì phải giấu diếm lén lút cả. Tôi khuyến khích con làm việc đường hoàng, không dối trá. Tôi luôn nói với con rằng: “Mọi việc con muốn làm đều có thể nói với mẹ. Mẹ luôn ở bên con dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Chỉ một điều mẹ không thể chấp nhận là che giấu và dối trá”.

Nếu giả sử có một ngày, cô bé thất bại trong chuyện tình cảm và xin chị một lời khuyên, chị sẽ khuyên con mình như thế nào?

Tôi dạy con cách tự xử lý tình huống ngay từ nhỏ, từ những mối quan hệ với bạn bè trên lớp để từ đó làm nền tảng cho các mối quan hệ tình cảm trong tương lai, khi con trưởng thành. Bạn A đang chơi rất thân với con, nhưng hôm nay bạn ấy bỏ mặc con một mình để chơi với bạn B. Vậy thì con hãy chơi với bạn C, D, F thay vì ngồi buồn một mình. Con có rất nhiều bạn cơ mà? Nếu con cứ ngồi buồn thì con sẽ vừa mất bạn vừa mất thời gian mà lại không được chơi vui. Điều quan trọng là con phải vui. Cách tìm niềm vui nhanh nhất là chơi với các bạn khác và để kệ cho bạn A chơi với bạn B. Đúng không nào?

Chị mong muốn người chồng của con gái mình sau này sẽ như thế nào?

Người chồng của con gái tôi sẽ là người mang lại hạnh phúc cho cô ấy (cười)

Cảm ơn chị!


Quyết đẻ con trai và những bi hài kịch thời hiện đại

Câu chuyện sinh con trai, con gái không còn mới mẻ nhưng vẫn ám ảnh không ít gia đình trong cuộc sống hiện đại. Với lý do “cần người nối dõi tông đường”, “con gái là con người ta”, nhiều đức ông chồng đã công khai đánh đập vợ, thản nhiên ra ngoài tìm vợ bé, nhiều phụ nữ cay đắng ly hôn, hay lặng lẽ khóc thầm trong chính tổ ấm mà mình đã dành cả tuổi thanh xuân tạo dựng.

Những người đàn ông hiện đại quan niệm thế nào về câu chuyện “trọng nam khinh nữ”?. Các bà mẹ nghĩ gì khi chính con gái mình bị phân biệt, đối xử?. Có bao nhiêu người phụ nữ gặp phải bất hạnh chỉ vì "không biết đẻ con trai?"

Hãy cùng chia sẻ câu chuyện của bạn về chủ đề này tại địa chỉ mail songkhoedanviet@gmail.com hoặc bình luận ngay dưới bài viết.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem