Thoát trận bom ở binh trạm
Với nụ cười hiền lành, nhạc sĩ Doãn Nho kể, năm 1967, vợ chồng ông đang công tác tại Đoàn Văn công quân đội thì được lệnh lên đường đi B3 (Mặt trận Tây Nguyên), phục vụ 1 năm. Lo âu xen lẫn háo hức, bởi lúc đó con gái Doãn Quyên còn nhỏ. Vợ chồng ông quyết định gửi con lại cho em gái là nghệ sĩ Nguyệt Nga (vợ của nhạc sĩ Huy Thục). Đoàn công tác gồm 11 người (3 nữ) đi ôtô đến Hà Tĩnh, sau đó xuống xe hành quân đi dọc đường Trường Sơn. Doãn Nho là nhạc sĩ sáng tác nên nhận nhiệm vụ đi tiền trạm để kịp lấy tư liệu sáng tác, khi nào đoàn đến là kịp có tác phẩm mới cho đoàn dàn dựng và phục vụ các chiến sĩ.
Vợ chồng nhạc sĩ Doãn Nho - Nguyệt Ánh. H.H
Nhạc sĩ Doãn Nho tham gia quân đội năm 1950, khi 17 tuổi. Những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của ông là: “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”, “Người con gái sông La”, “Quả bom câm”, “Mừng quê ta giải phóng”… Thanh xướng kịch “Trẩy hội đền Hùng”, thơ giao hưởng số 1 “Tháng Tám lịch sử”...
|
Có lần đoàn đến một binh trạm, trong đoàn lúc đó có một bác sĩ người Campuchia đã học và tốt nghiệp tại Việt Nam. Cả đoàn nghỉ tại địa điểm của binh trạm bố trí, nhưng nhạc sĩ Doãn Nho thì đến chỗ ở của trạm trưởng, cách binh trạm khoảng mấy trăm mét. Khi ông đang ngồi nói chuyện với trạm trưởng để nắm bắt thông tin thì có tiếng máy bay B52 và sau đó là tiếng bom vang rền...
“Tôi và trạm trưởng cùng những người khác chạy ra chỗ mọi người nghỉ thì nơi đó đã biến thành hố bom, nhiều người bị thương và hy sinh, trong đó có bác sĩ người Campuchia. Tôi và anh trạm trưởng đứng lặng người. Chỉ mới cách đó chưa đầy nửa tiếng, tôi còn trò chuyện với bác sĩ người Campuchia đó. Nếu lúc đó tôi cũng nghỉ cùng chỗ với người bác sĩ nước bạn thì có lẽ…” - nhạc sĩ Doãn Nho xúc động.
“Nho về, Doãn Nho về...”
Tại chiến trường, nghệ sĩ Nguyệt Ánh cùng các nghệ sĩ trong đoàn biểu diễn phục vụ các chiến sĩ mặt trận Tây Nguyên, còn nhạc sĩ Doãn Nho cùng đơn vị vận tải vượt sông Pô Kô sang đất Campuchia.
Ngắt lời chồng, bà Ánh kể: “Lúc đó, đại đội mà ông Nho đi cùng đã bị bom B52 rải thảm và hy sinh gần hết. Trong số đó có một chiến sĩ lái xe cũng tên là Nho, nên khi báo về mọi người nhầm tưởng ông Doãn Nho đã hy sinh. Thậm chí, một vài người lính còn khẳng định đã tìm được thi thể ông Nho. Vì vậy mà cả Mặt trận Tây Nguyên đều loan tin nhạc sĩ Doãn Nho - tác giả của ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ” hy sinh.
Nhạc sĩ Doãn Nho ở chiến trường. N.V
Ngay sau đó, chỉ huy của Mặt trận B3 họp với đoàn văn công và thống nhất không được tiết lộ thông tin nhạc sĩ Doãn Nho đã hy sinh để tôi tiếp tục công tác... Một tháng sau, trưa hôm đó, khi 3 chị em trong đoàn đang giặt giũ ở suối thì nghe cậu anh nuôi hét gọi: “Các chị ơi, anh Nho về rồi!”. Tôi còn ngạc nhiên hỏi: “Anh Nho về thì làm sao?”. Hai chị kia lúc đó ôm chầm lấy tôi và khóc: “Bọn tao giấu mày tin đồn anh Nho hy sinh cả tháng nay rồi!”. Lúc đó tôi vội vàng chạy lên để tìm gặp chồng”.
Tôi hỏi thêm nhạc sĩ Doãn Nho về sự việc này, ông chậm rãi kể: “Lúc chúng tôi đến sông Pô Kô, tôi vào hầm tác chiến gặp người phụ trách khu vực bến sông, gặp đúng anh bạn là người Hà Nội đồng hương nên vui lắm. Đúng khi đó thì máy bay lúc B52 rải bom vào bến đò sang sông. Tổ xung kích của đại đội vận tải gần như hy sinh hết, còn tôi thì không biết mọi người đang nhầm mình với đồng chí Nho kia nên tôi vẫn tiếp tục bám sát các đơn vị nổ súng. Cho đến một tháng sau đó, trong một lần đi cùng một đơn vị, tôi được một người lính nhận ra và nói cho tôi biết sau trận bom B52 ở bến sông, mọi người đã nghĩ tôi hy sinh. Tôi giật mình và vội vàng báo lại với chỉ huy đơn vị, sau đó một mình băng tắt rừng quay trở lại đoàn văn công”.
Nhạc sĩ Doãn Nho về đến nơi đoàn văn công đang đóng đúng vào buổi trưa. Khi đứng trên đồi gọi xuống dưới, một người tên Thuận chạy ra còn hỏi: Nho nào? “Tôi liền trả lời Doãn Nho đây. Lúc ấy, đồng chí Thuận mới nhận ra tôi và hét lên mừng vui: Nho về, Doãn Nho về. Cả đại đội bừng dậy, chạy ra chào đón tôi...” - nhạc sĩ Doãn Nho nhớ lại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.