Nhân lực ngành công tác xã hội: Nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu
Nhân lực ngành công tác xã hội: Nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu
Thùy Anh
Thứ năm, ngày 03/09/2020 12:57 PM (GMT+7)
Theo báo cáo cả nước cần 60.000 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên ngành công tác xã hội. Trong điều kiện hiện tại, nhân lực ngành công tác xã hội của Việt Nam đang thiếu trầm trọng. Thiếu là vậy, nhưng hàng nghìn cử nhân tốt nghiệp lại đang thất nghiệp, hoặc làm việc không đúng chuyên môn do đãi ngộ, lương thấp.
Thạc sĩ Lê Chí An - Chủ tịch CLB Công tác xã hội (CTXH) TP.HCM cho biết, trước năm 1975 cả nước chỉ có 2 trường đào tạo nhưng đến nay cả nước đã có hơn 50 đơn vị đào tạo. Con số này nhiều hơn số lượng trường về lĩnh vực này của toàn châu Phi cộng lại.
Mặc dù các cơ sở đào tạo tăng khá nhanh nhưng chất lượng đào tạo lại đặt ra nhiều vấn đề. Ông An cho rằng số cơ sở đào tạo không ngừng được mở ra trong khi giảng viên không đáp ứng về các tiêu chí như năng lực, sự tận tâm, lòng yêu nghề, đạo đức nghề nghiệp...
Ông An phân tích thêm: "Thực tế đào tạo CTXH ở nước ta hết sức đa dạng nhưng thiếu tổ chức nề nếp. Sự nở rộ các cơ sở đào tạo bậc đại học, cao đẳng dẫn đến tình trạng chất lượng đào tạo bị thả nổi. Vì vậy, cần có một tổ chức thẩm định chương trình và chất lượng đào tạo. Lưu ý là hiện tại nhu cầu học CTXH ở các địa phương đã bão hòa do hàng loạt trường ra sức thu hút đầu vào". Từ thực tế này, thạc sĩ An cho rằng cần quy hoạch lại mạng lưới các trường đào tạo CTXH theo hướng giảm bớt số lượng, nâng cao chất lượng.
"Ngành công tác xã hội là ngành nghề đặc thù, ở đó mỗi cán bộ, nhân viên, cộng tác viên không chỉ cống hiến trí tuệ, kinh nghiệm mà phải cống hiến cả tâm sức. Nếu không có tâm thiện thì rất khó để trở thành một cán bộ, nhân viên, cộng tác viên xã hội tốt được", Lê Thị Ngân - Trung tâm bảo trợ Thảo Đàn (TP Hồ Chí Minh).
Ngoài ra, nhiều giảng viên, chuyên gia đào tạo ngành công tác xã hội cũng cho biết, trình độ ngoại ngữ của nhiều giảng viên CTXH còn hạn chế nên việc tiếp cận tài liệu chuyên ngành bằng tiếng nước ngoài và đào sâu kiến thức gặp nhiều khó khăn. Việc học chưa gắn với hành, thời gian thực tế còn ít. Đặc biệt, việc liên kết giải quyết đầu ra cho sinh viên còn hạn chế.
Sinh viên loay hoay tìm việc
Mục tiêu Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020, nhu cầu nhân lực trong ngành LĐTBXH giai đoạn 2010 - 2020 là tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cho 60.000 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH.
Tuy nhiên theo ông An, những người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực đào tạo này tỏ ra hết sức lo âu, trăn trở khi hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường phải loay hoay tìm việc và phải làm công việc không đúng chuyên ngành đã đào tạo. Một số rất ít được tuyển dụng vào các vị trí trong ngành nhưng chưa phát huy chuyên môn, còn đại đa số tự thân vận động.
Chị Nguyễn Thị Thu - cử nhân nghành công tác xã hội ( Trường ĐH Công Đoàn) buồn rầu khi nói đến công việc. Thu tốt nghiệp cử nhân từ năm 2010 thế nhưng đến nay vẫn không thể xin việc làm đúng chuyên ngành được.
"Lúc mới tốt nghiệp ra trường, công việc cần tuyển ngành công tác xã hội không nhiều. Khó khăn lắm tôi mới xin được vào làm cho một trung tâm chăm sóc trẻ tự kỷ, thế nhưng thu nhập thấp, công việc quá vất vả" - chị Thu tâm sự.
Theo chị Thu, dù làm việc tới 8-10 tiếng một ngày, cường độ áp lực cao nhưng lương của chị cũng chỉ 3 triệu đồng/tháng. Vì thế làm được 2 tháng thì chị bỏ nghề. Từ đó tới nay, dù rất muốn quay lại làm đúng công việc nhưng chị vẫn không thể tìm được công việc phù hợp.
Chị Nguyễn Minh Tân (Thanh Hóa) cũng vừa tốt nghiệp cử nhân ngành công tác xã hội cũng đang thất nghiệp. Chị Tân cho biết, tốt nghiệp xong không thể xin việc tại Hà Nội, chị xin về quê làm nhưng công việc ít. Thời gian đầu thử việc chị chỉ được chơi với trẻ, chưa được dạy học. Tuy vậy, công việc khá vất vả, chị phải làm như một lao công, vừa dọn dẹp, vừa phụ cho trẻ uống thuốc, tập cho trẻ vận động... thế nhưng mức lương chỉ được 3,5 triệu đồng/tháng.
Chị Tân dự định quay ra Hà Nội ở cùng chồng và xin một công việc mới. Thế nhưng theo bạn của Tân thì trừ khi xin được vào các bệnh viện, trung tâm bảo trợ xã hội công còn lại nếu làm ở các trung tâm chăm sóc tư thì mức lương cũng không cao hơn là bao và công việc thì vẫn rất vất vả.
"Trước đây, mình đăng ký ngành học cũng chưa hiểu hết học ngành công tác xã hội ra cụ thể sẽ làm những công việc gì. Đi học rồi mới thấu công việc khá vất vả, không phải ai cũng gắn bó được" - chị Tân chia sẻ.
Là cán bộ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, bà Lê Thị Ngân - Trung tâm bảo trợ Thảo Đàn (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng thực tế, dù được đào tạo cử nhân, nhiều bạn tốt nghiệp ngành công tác xã hội ra trường vẫn chưa thể hiểu rõ để áp dụng lý thuyết vào thực hành. Kiến thức và kỹ năng mềm chưa được trang bị, ví dụ như luật trẻ em, tâm lý trẻ em.... Bởi vậy, sau một thời gian làm việc, nhiều em không chịu được sức ép công việc và bỏ nghề.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.