Nhân ngày Bảo hiểm y tế 1/7: Cần mở rộng quyền lợi để thu hút người dân

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 01/07/2022 06:10 AM (GMT+7)
Tỷ lệ người dân tham gia BHYT ngày càng gia tăng, đồng thời, quyền lợi của người bệnh cũng ngày càng được mở rộng.
Bình luận 0

91% dân số tham gia BHYT

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, cùng với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của chính sách BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm, từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân; quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế.

Nếu như các năm 2009, 2015 độ bao phủ BHYT lần lượt đạt 57% và 74,7% dân số, thì đến hết năm 2021, độ bao phủ đã đạt khoảng 91% dân số.

Song hành với đó, việc đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ. Hằng năm, có hơn 100 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT được đảm bảo quyền lợi.

Nhân ngày Bảo hiểm y tế 1/7: Cần mở rộng quyền lợi để thu hút người dân - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh “việc tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách BHYT đã từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế”. Ảnh BHXH VN

Năm 2020-2021 do tác động của dịch Covid-19, quỹ BHYT đã cùng ngân sách nhà nước góp phần không nhỏ trong công tác khắc phục hậu quả và phòng chống dịch Covid-19, tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia.

Quyền lợi BHYT được mở rộng

Quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng ở cả phạm vi và mức hưởng BHYT. Cụ thể như sau:

Danh mục thuốc được quỹ BHYT thanh toán đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT với hơn 1.000 hoạt chất hóa dược, sinh phẩm và trên hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu (chỉ có 187 thuốc hóa dược, sinh phẩm và thuốc đông y, thuốc từ dược liệu quy định điều kiện, tỷ lệ chi trả).

Trong đó, có nhiều thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị bệnh hiếm, thuốc điều trị bệnh máu không đông, thuốc tim mạch đa dạng… người bệnh được chỉ định sử dụng dài ngày, có thuốc dùng suốt đời cho quá trình điều trị bệnh.

Ngoài các chi phí về thuốc, người tham gia BHYT còn được quỹ BHYT chi trả các chi phí dịch vụ kỹ thuật (với hơn 9.000 dịch vụ), vật tư y tế (337 loại, mỗi loại có rất nhiều chủng loại theo tên thương mại).

Trong đó có các phẫu thuật, thủ thuật cao, chi phí lớn như: Phẫu thuật bằng robot, phẫu thuật thay khớp, thay đãi đệm cột sống, đặt máy tạo nhịp tim… Đáng chú ý, một số loại vật tư y tế được quỹ BHYT thanh toán có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.

Riêng đối với chi phí ngày giường điều trị nội trú, quỹ BHYT sẽ thanh toán căn cứ vào hạng bệnh viện và loại giường điều trị đã sử dụng.

Mức chi phí bình quân ngày giường điều trị quỹ BHYT đang thanh toán trung bình một đợt điều trị khoảng 6 ngày, với số tiền giường trung bình một đợt điều trị nội trú khoảng 1,2-1,3 triệu/lượt.

Đối với các trường hợp phải chăm sóc đặc biệt sẽ được quỹ BHYT thanh toán lên tới hàng chục triệu đồng/một đợt điều trị, thậm chí có trường hợp số tiền giường được thanh toán lên đến hằng trăm triệu đồng.

Nhân ngày Bảo hiểm y tế 1/7: Cần mở rộng quyền lợi để thu hút người dân - Ảnh 2.

Quyền lợi khám chữa bệnh BHYT ngày càng được mở rộng (Khám chữa bệnh BHYT tại Hội An. Ảnh BHXH Quảng Nam)

Trong đó, đáng lưu ý, hiện nay, quỹ BHYT thực hiện chi trả chi phí điều trị cho tất cả các bệnh hiểm nghèo như nhóm bệnh về: Tim mạch, ung thư, bệnh hiếm… Đây là các nhóm bệnh sẽ phải điều trị dài ngày hoặc suốt đời, có chi phí điều trị lớn.

Đồng thời, người tham gia BHYT tùy đối tượng chỉ phải chi trả từ 0-20% tổng chi phí khám chữa bệnh. Đây là một cứu cánh cho không chỉ người nghèo bị bệnh nặng mà cả gia đình khá giả cũng được chia sẻ rất nhiều.

"Thời gian qua, nhiều người có thẻ BHYT bị mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng đã được quỹ BHYT chi trả hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh BHYT. Nhờ đó, người nghèo yên tâm điều trị, nhiều gia đình kinh tế trung bình khá cũng không bị "nghèo hóa" do phải trả viện phí lớn", đại diện BHXH Việt Nam nhận định.

Thêm quyết tâm bao phủ BHYT toàn dân

Cuối tháng 4/2022 vừa qua, tại Quyết định 546, Chính phủ đã giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2022-2025 đối với 63 tỉnh, thành. Theo đó, Chính phủ đặt ra chỉ tiêu bao phủ BHYT đến hết năm 2022 đạt 92,6% so với tổng dân số, đến hết năm 2023 đạt 93,2%, đến hết năm 2024 đạt 94,1% và đến hết năm 2025 đạt 95,15%.

Quyết định 546 cũng giao chi tiết chỉ tiêu bao phủ BHYT qua từng năm, từ 2022 đến 2025, đối với từng địa phương trên cả nước.

Căn cứ trên thực tế đạt được trong những năm qua và gần đây nhất là năm 2020 và 2021, có địa phương được giao chỉ tiêu cao hơn trung bình cả nước (năm 2022 giao Bắc Kạn 97%, Bình Định 96%, Bắc Ninh 95,45%, Trà Vinh 94,65%, Quảng Ngãi 95,05%...).

Theo các chuyên gia BHYT, hiện chỉ còn 9% dân số chưa tham gia BHYT. Tuy nhiên, đây lại là 9% khó vận động nhất và là thách thức của ngành BHXH. Trong số 9% này có không ít người giàu không thích tham gia BHYT vì quyền lợi khám chữa bệnh chưa đáp ứng với nhu cầu cao của họ.

Nhân ngày Bảo hiểm y tế 1/7: Cần mở rộng quyền lợi để thu hút người dân - Ảnh 3.

Vận động người dân tham gia BHXH, BHYT tại Hà Nội (Ảnh BHXH Hà Nội)

Tuy nhiên, ông Phạm Lương Sơn, nguyên Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhận định: "Hiện nay, chúng ta đã đạt được hơn 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế rồi, chỉ còn chưa đến 10% người dân chưa tham gia. Tuy nhiên, chúng ta cần thay đổi tư duy bảo hiểm toàn dân là phải 100% người dân tham gia.

Vì trong số gần 10% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế là "bất khả kháng" như người đi tù, người tâm thần, lang thang… Đối với nhiều nước, chỉ cần 70-80% dân số tham gia bảo hiểm y tế là đã "toàn dân" rồi".

Ông Sơn cũng đề xuất, muốn chính sách bảo hiểm y tế hấp dẫn thì phải mở rộng quyền lợi. Muốn mở rộng quyền lợi thì phải có nguồn lực để đảm bảo quyền lợi đó, phải tăng mức đóng.

"Nếu cào bằng việc tăng mức đóng thì rất không nên, vì hiện nay có hiện tượng, đối tượng đóng nhiều lại đang hưởng ít, đối tượng đóng ít thì hưởng nhiều.

Mức trần đóng bảo hiểm y tế chỉ nên quy định tối đa bằng 6% lương hằng tháng của người lao động, mức đóng của doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức 4,5% là hợp lý.

Nhưng với người tham gia đối tượng hộ gia đình cần tăng kịch trần lên 6%, còn trường hợp nào không chịu được mức đóng này sẽ thực hiện cơ chế hỗ trợ của các nhà tài trợ. Có như vậy mới giải quyết được bài toán là tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm y tế", ông Sơn phân tích. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem