Nhân rộng tổ khuyến nông cộng đồng: Tạo cơ chế để cán bộ khuyến nông sống được với nghề

Trần Quang Thứ ba, ngày 22/08/2023 18:00 PM (GMT+7)
Đến nay, ở 13 tỉnh tham gia đề án đã thành lập được 26 tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) thí điểm và 562 tổ KNCĐ mở rộng.
Bình luận 0

Đó là thông tin từ cuộc tọa đàm "Giải pháp nâng cao năng lực khuyến nông cơ sở thông qua kiện toàn tổ KNCĐ tại các tỉnh phía Bắc", do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) tổ chức tại Lạng Sơn mới đây. 

Cần thiết nhân rộng tổ khuyến nông cộng đồng

TS Nguyễn Viết Khoa - Trưởng phòng Đào tạo, huấn luyện (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho biết, sau hơn 1 năm triển khai đề án thí điểm "Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ KNCĐ", ở 13 tỉnh tham gia đề án đã thành lập được 26 tổ KNCĐ thí điểm (với tổng số 168 thành viên) và 562 tổ KNCĐ mở rộng (với tổng số 4.276 thành viên). Trong đó, khoảng 10/25 tỉnh miền núi phía bắc và đồng bằng sông Hồng đã thành lập tổ KNCĐ.

Theo ông Khoa, đề án đã tổ chức được nhiều hoạt động nâng cao năng lực cho các tổ KNCĐ như: Hướng dẫn xây dựng quy chế hoạt động, tổ chức tập huấn, tư vấn, hội thảo, tọa đàm, truyền thông, xây dựng bộ tài liệu đào tạo KNCĐ để sử dụng rộng rãi trên toàn quốc.

Nhân rộng tổ khuyến nông cộng đồng: Tiếp sức nhà nông sản xuất hiệu quả - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam tặng bộ tài liệu đào tạo KNCĐ cho đại biểu tham dự tọa đàm. Ảnh: Trần Quang

"Dự kiến từ nay đến cuối năm, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ hoàn thiện bộ tài liệu đào tạo khuyến nông cộng đồng bài bản, cụ thể, giúp hệ thống khuyến nông các cấp có đủ thông tin, kiến thức để hoạt động hiệu quả hơn".

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc TTKNQG

Ngoài 13 tỉnh tham gia đề án thí điểm, hiện tại trên cả nước đã có thêm 30 tỉnh, thành phố đã thành lập các tổ KNCĐ, trong đó có một số tỉnh đã thành lập số lượng lớn các tổ KNCĐ như: Hải Phòng (132/132 xã có tổ KNCĐ); Phú Thọ (200/200 xã có tổ KNCĐ); Yên Bái (103/173 xã có tổ KNCĐ); Điện Biên (97/100 xã có tổ KNCĐ)...

"Trên cơ sở kinh nghiệm của đề án thí điểm, các tỉnh đã rất chủ động, trách nhiệm bố trí nguồn ngân sách địa phương để tăng cường năng lực cho các tổ KNCĐ và tạo điều kiện về cơ chế chính sách để các tổ KNCĐ hoạt động dịch vụ khuyến nông và bước đầu đã có thu nhập từ dịch vụ khuyến nông" - ông Khoa nói.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, hiện các tổ KNCĐ tại các tỉnh, thành vẫn tiếp tục được thành lập mới và nhân rộng nhanh. Điều quan trọng hơn là các tổ KNCĐ này không chỉ làm nhiệm vụ đơn thuần như đào tạo, tập huấn tiến bộ kỹ thuật cho người dân mà còn làm nhiều nhiệm vụ khác như thông tin thị trường, tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm..., qua đó giúp nông dân, doanh nghiệp, HTX làm ăn hiệu quả hơn.

Tiếp sức để hoạt động hiệu quả

Nhân rộng tổ khuyến nông cộng đồng: Tiếp sức nhà nông sản xuất hiệu quả - Ảnh 3.

Nông dân chăm sóc cam tại vườn ở huyện Cao Phong (Hòa Bình). Ảnh: T.Q

Là đơn vị tham gia đề án, ông Đỗ Đức Trường - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình cho biết, trong một năm sau thành lập, tổ KNCĐ tỉnh Hòa Bình đã phối hợp triển khai 5 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình triển khai 5 mô hình; phối hợp với các địa phương triển khai 25 lớp tập huấn cho nông dân và các HTX với 960 lượt người tham gia...

Đặc biệt, tổ KNCĐ còn tư vấn hỗ trợ 2 HTX thành lập mới (HTX sản xuất kinh doanh thịt chua Trần Đình Lâm; HTX Đa Phúc, huyện Yên Thủy) và 4 HTX được tư vấn hỗ trợ hoạt động.

Ông Nguyễn Ngọc Tuất - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hải Phòng cho biết, đến thời điểm hiện tại, Hải Phòng đã thành lập được 136 tổ KNCĐ với 1.160 thành viên tham gia (mỗi Tổ KNCĐ có từ 5-10 thành viên, riêng một số tổ có trên 10 thành viên).

Tại các xã, huyện trên địa bàn thành phố, tổ KNCĐ đã tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia HTX; tư vấn thành lập HTX, chuyển giao kỹ thuật; phối hợp với các đoàn thể, thôn tập huấn kỹ thuật( Hội trường, đầu bờ đầu chuồng); cung cấp dịch vụ, giới thiệu các vật tư kỹ thuật mới (giống, thức ăn, phân bón, chế phẩm) cho nông dân, HTX, kết nối chuỗi giá trị...

Để tổ KNCĐ ngày càng được nhân rộng và hoạt động hiệu quả hơn, các địa phương kiến nghị Trung ương cần có hướng dẫn chung cho hoạt động của tổ KNCĐ trên toàn quốc; xây dựng chính sách về nguồn kinh phí ban đầu cho các tổ KNCĐ, hỗ trợ trang thiết bị cho các tổ KNCĐ; có chính sách đãi ngộ cho cán bộ KNCĐ...

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam khẳng định: KNCĐ là lực lượng không thể thiếu tại các địa phương, nhất là ở các tỉnh, thành đang sản xuất nông nghiệp. 

"Chỉ có cán bộ KNCĐ mới tiếp cận nông dân nhanh nhất và tuyên truyền, hỗ trợ, tương tác với bà con sớm và hiệu quả nhất. Vì thế chúng ta phải tiếp tục nhân rộng và đầu tư, tạo cơ chế để các cán bộ khuyến nông cơ sở sống được với nghề và để lực lượng này hoạt động ngày càng hiệu quả hơn" - Thứ trưởng Bộ NNPTNT nói.

Theo ông Nam, hiện nay, nhà nước, các địa phương có hỗ trợ kinh phí cho tổ KNCĐ hoạt động nhưng điều này chỉ mang tính động viên. Bản thân cán bộ khuyến nông cơ sở phải chủ động, sáng tạo trong hoạt động dịch vụ tại cơ sở, tạo thêm nguồn thu để nuôi sống mình thì mô hình mới này mới bền vững. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem