Nhân sự chủ chốt Thành ủy Hà Nội và TP.HCM sẽ thay đổi thế nào?

Thành An Thứ hai, ngày 24/06/2019 12:07 PM (GMT+7)
Thành ủy Hà Nội, Thành ủy TP.HCM không quá 3 phó bí thư. Các tỉnh ủy, thành ủy còn lại và đảng ủy khối trực thuộc Trung ương không quá 2 phó bí thư.
Bình luận 0

Đây là nội dung nổi bật tại Chỉ thị 35-CT/TW về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Theo đó, Chỉ thị 35 nêu rõ việc thống nhất chủ trương thực hiện giảm khoảng 5% số lượng cấp uỷ viên cấp tỉnh, cấp huyện so với số lượng tối đa được cấp có thẩm quyền xác định ở nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Căn cứ vào chủ trương này, các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc TƯ xác định cụ thể số lượng cấp uỷ viên cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương nhiệm kỳ 2020 - 2025.

img

TP.Hà Nội hiện có 4 phó bí thư Thành ủy.

Các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc TƯ căn cứ vào tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị cụ thể của địa phương, đơn vị và khả năng đáp ứng của cán bộ để xác định cơ cấu cấp uỷ cho phù hợp.

Về số lượng, cơ cấu Ban thường vụ, Phó bí thư cấp ủy cấp tỉnh và tương đương nhiệm kỳ 2020-2025, Chỉ thị 35 nêu rõ, Thành uỷ Hà Nội, TP.HCM, Tỉnh uỷ Thanh Hoá, Nghệ An không quá 17 người. Các tỉnh uỷ, thành uỷ còn lại và các đảng uỷ khối trực thuộc TƯ từ 13 - 15 người.

Định hướng cơ cấu Ban thường vụ gồm có: Bí thư, phó bí thư; chủ tịch và 1 phó chủ tịch HĐND; chủ tịch và 1 phó chủ tịch UBND; chủ nhiệm UB kiểm tra cấp uỷ và trưởng các ban: Tổ chức, Tuyên giáo, Dân vận, Nội chính; Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc (ở những nơi chưa thực hiện trưởng ban Dân vận đồng thời là chủ tịch Mặt trận Tổ quốc); chỉ huy trưởng quân sự, giám đốc công an; người đứng đầu cấp uỷ một số địa bàn, lĩnh vực quan trọng cần tập trung sự lãnh đạo của ban thường vụ cấp uỷ.

Đáng chú ý, Chỉ thị 35 quy định rõ, Thành ủy Hà Nội và Thành ủy TP.HCM không quá 3 Phó bí thư. Các tỉnh thành còn lại và đảng uỷ khối trực thuộc TƯ không quá 2 Phó bí thư.

Lưu ý, số lượng cấp uỷ viên, uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ, phó bí thư được tăng thêm để luân chuyển, đào tạo theo quy hoạch của TƯ không tính vào số lượng cấp uỷ nêu theo quy định của Chỉ thị này. Đồng thời, việc giới thiệu và bầu cử đối với số cán bộ được tăng thêm hiện đang công tác ở địa phương vẫn thực hiện theo quy định hiện hành. 

Đối với huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Chỉ thị 35 quy định số lượng uỷ viên ban thường vụ từ 9 - 11 người. Đối với những nơi có số lượng đảng viên lớn hoặc tính chất nhiệm vụ, địa bàn phức tạp số lượng uỷ viên ban thường vụ không quá 13 người. Số lượng phó bí thư 2 người.

Đối với các đảng bộ trực thuộc đảng uỷ khối ở TƯ, số lượng uỷ viên ban thường vụ từ 9 – 11 người, phó bí thư từ 1 - 2 người.

Đối với đảng bộ khối cơ quan tỉnh, thành phố và đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở khác (các tập đoàn, tổng công ty, các ngân hàng thương mại nhà nước hoặc nhà nước có cổ phần chi phối), số lượng uỷ viên ban thường vụ từ 7 – 9; phó bí thư từ 1 - 2 người. Đảng bộ Quân đội và Công an thực hiện theo quy định riêng của Bộ Chính trị.

Riêng về cấp cơ sở, đối với đảng bộ xã, phường, thị trấn số lượng cấp ủy viên không quá 15 người; số lượng phó bí thư từ 1 - 2 người. Cơ cấu cấp ủy gồm cán bộ, công chức cấp xã đang công tác (theo số lượng quy định của Chính phủ) và những người không là cán bộ, công chức cấp xã (người hoạt động không chuyên trách, cán bộ nghỉ hưu, nghỉ chế độ...), do ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh căn cứ vào quy định chung và tình hình, đặc điểm cụ tể của địa phương để hướng dẫn cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Chỉ thị 35 cũng quy định về số lượng phó bí thư cấp uỷ cấp tỉnh như: Tiếp tục thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND. Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện.

Hà Nội đang có 4 phó bí thư Thành ủy

Tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 (tháng 11/2015) các đại biểu đã bầu Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội gồm 16 người: Ngô Thị Thanh Hằng, Nguyễn Thị Bích Ngọc, Đào Đức Toàn, Nguyễn Đức Chung, Trần Quang Cảnh, Nguyễn Quang Huy, Vũ Hồng Khanh, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Văn Sửu, Nguyễn Ngọc Tuấn, Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Thị Tuyến, Nguyễn Doãn Anh, Nguyễn Văn Phong, Vũ Đức Bảo, Nguyễn Lan Hương.

Hội nghị cũng đã bầu 4 phó bí thư Thành ủy gồm: bà Ngô Thị Thanh Hằng, Nguyễn Thị Bích Ngọc, Đào Đức Toàn, Nguyễn Đức Chung. Trong đó, bà Ngô Thị Thanh Hằng làm Phó bí thư thường trực Thành ủy khóa XVI nhiệm kỳ 2015-2020.

Thành ủy TP.HCM có 4 phó bí thư

Mới đây, tháng 2/2019, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính trao quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động ông Trần Lưu Quang nhận chức Phó bí thư Thường trực Thành  ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Theo cơ cấu hiện tại, Thành ủy TP.HCM sẽ có bốn phó bí thư, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, thời gian qua có hai phó bí thư đã rời vị trí công tác.

Cuối tháng 12/2018, Ban Chấp hành trung ương thi hành kỷ luật cách chức ông Tất Thành Cang - phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020 - vì có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Đến ngày 14/1, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - phó bí thư Thành ủy TP.HCM - cũng nhận quyết nghỉ hưu theo chế độ. Đến tháng 4 vừa qua, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM được bầu làm Chủ tịch HĐND TP.HCM.  Trước đó, Ban Bí thư đã chuẩn y kết quả bầu bà Nguyễn Thị Lệ giữ chức Phó Bí thư Thành ủy theo kết quả bầu của BCH Đảng bộ TP.HCM.

Như vậy, với việc Bộ Chính trị phân công ông Trần Lưu Quang làm phó bí thư, hiện nay Thành ủy TP.HCM có bốn phó bí thư, gồm ông Trần Lưu Quang, ông Nguyễn Thành Phong, bà Võ Thị Dung và bà Trần Thị Lệ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem