Tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa mới, 5 tỉnh dự kiến số lượng
5 tỉnh nào đã dự kiến cụ thể số lượng nhân sự tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa mới?
PVCT
Thứ ba, ngày 23/02/2021 15:37 PM (GMT+7)
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có báo cáo kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Tổng số người được Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cả Trung ương và địa phương) là 1.076 người; đạt tỷ lệ bình quân là 2,15 lần so với tổng số đại biểu dự kiến được bầu (tỷ lệ này của kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV là 2,04 lần; Quốc hội khóa XIII là 2,2 lần; Quốc hội khóa XII là 2,23 lần).
Một số nơi có tỷ lệ cao nhưng một số nơi tỷ lệ khá thấp. Các tỉnh có tỷ lệ số dư cao: Tỉnh Quảng Ninh 4,5 lần; tỉnh Thái Nguyên 3,57 lần; Lào Cai 3,5 lần và các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang... Các tỉnh có tỷ lệ số dư thấp: Hà Giang, Gia Lai, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu…
Về số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội thuộc khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận:
Ở Trung ương có 29 người; trong đó có 2 người thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 2 người là cá nhân tiêu biểu (trong đó 1 đại biểu là trí thức, 1 đại biểu là người dân tộc thiểu số) và 25 người thuộc các tổ chức thành viên của Mặt trận ở trung ương.
Ở địa phương là 41 người (trong đó đại biểu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện là 9 người và của các tổ chức thành viên là 32 người).
Như vậy, kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, khối Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên (gồm cả Trung ương và địa phương) có 70 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (trong đó có 11 người thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 02 người là cá nhân tiêu biểu và 57 người thuộc các tổ chức thành viên của Mặt trận).
Về dự kiến số lượng người tự ứng cử: Chỉ có 5 tỉnh, thành phố đã dự kiến số lượng cụ thể những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV (Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nam, Yên Bái, Tuyên Quang). Còn 58 tỉnh, thành phố còn lại không dự kiến số lượng người tự ứng cử.
Về bầu cử Hội đồng Nhân dân, kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở cấp tỉnh như sau:
Tổng số người được Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử là 7.656 người/trên tổng số đại biểu được bầu theo luật định là 3.715 đại biểu; đạt tỷ lệ bình quân là 2,06 lần trên số đại biểu được bầu (cuộc bầu cử năm 2016 là 1,66 lần; năm 2011 là 2,02 lần). Nhiều nơi có tỉ lệ cao, tuy nhiên một số nơi tỷ lệ này còn thấp.
Cơ cấu kết hợp trong số 7.656 người được phân bổ giới thiệu ứng cử:
Người ứng cử là phụ nữ có 1.690 người, chiếm tỉ lệ 22,1 %; Người ứng cử là người dân tộc thiểu số có 748 người, chiếm tỉ lệ 9,8 %; Người ứng cử là người trẻ tuổi có 814 người, chiếm tỉ lệ 10,6 %; Người ứng cử là người ngoài Đảng có 555 người, chiếm tỉ lệ 7,2 %; Dự kiến người tự ứng cử là 20 người.
Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước thì kết thúc hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, có 5 địa phương đã dự kiến số lượng người tự ứng cử. Một số nơi dự kiến số lượng người tự ứng cử cao, tuy nhiên có 58 địa phương không dự kiến hoặc không thể hiện rõ số lượng người tự ứng cử.
Theo quy định, công tác hiệp thương sẽ tiến hành 3 lần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.