Trong Tiếu ngạo giang hồ của cố nhà văn Kim Dung, Nhạc Bất Quần là chưởng môn nhân phái Hoa Sơn, tên Nhạc Bất Quần nguyên nghĩa là "không chơi với ai" nhưng y lại có rất nhiều bạn bè. Nhạc Bất Quần tự nhận là dòng dõi Nhạc Phi đời Tống.
Nhạc Bất Quần là sư phụ của Lệnh Hồ Xung, có ngoại hiệu là Quân tử kiếm nhưng kỳ thực là một kẻ ngụy quân tử. Nhạc Bất Quần không chỉ là một nhân vật phản diện bình thường, hắn là đại diện tiêu biểu của kẻ "nguỵ quân tử".
Trước mặt nhân sĩ võ lâm, hắn luôn miệng nói về nhân nghĩa lễ trí tín nhưng sau lưng lại ngấm ngầm tiến hành những âm mưu thủ đoạn hòng chiếm đoạt Tịch tà kiếm phổ của Lâm gia.
Văn sĩ Kim Dung cũng như các bộ phim chuyển thể từ cuốn Tiếu ngạo giang hồ đã khắc hoạ nhân vật Nhạc Bất Quần cực kỳ khéo léo.
Qua việc soi chiếu bộ mặt thật của Nhạc Bất Quần, người ta có thể nhận ra những dấu hiệu giúp phân biệt rõ ràng đâu là người quân tử, đâu là kẻ tiểu nhân.
Vỏ bọc hoàn hảo
Về ngoại hình, Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần là một "thư sinh có năm chòm râu dài, mặt đẹp như mặt ngọc, chính khí hiên ngang khiến người phải đem lòng ngưỡng mộ". Con người ấy đã trên sáu mươi tuổi nhưng nhờ tu luyện nội công nên nhìn qua, chỉ mới như cỡ bốn mươi. Ngoại hiệu của y là Quân tử kiếm cho nên không bao giờ đánh lén, đánh sau lưng người khác, ăn nói mực thước, không bao giờ lên tiếng tranh biện với ai, y kết giao với rất nhiều bạn hào sĩ giang hồ chính phái.
Về tài năng, con người ấy là sư tôn một danh môn, có môn Tử hà công thâm hậu, sáng lập ra một Hoa Sơn kiếm pháp lấy nội công làm căn cơ, học và thấm nhuần những tư tưởng của người quân tử trong triết học đạo Nho, trở thành biểu tượng đẹp đẽ của chính phái, ghét tà phái và bọn tàn ác như kẻ cừu thù. Mỗi khi Nhạc Bất Quần xuất hiện trong phần đầu của Tiếu ngạo giang hồ, Kim Dung thường dùng hai chữ "tiên sinh" để ca ngợi Nhạc Bất Quần. Trong nhiều phiên bản điện ảnh, Nhạc Bất Quần luôn được tạo hình rất đạo mạo, phong thái quân tử.
Thế nhưng ít ai biết được đằng sau tài năng hơn người đó, hắn thực chất là một kẻ nham hiểm, xảo trá, dùng võ công và danh tiếng của mình cho mưu đồ nhỏ mọn. Chính vì thế không thể coi Nhạc Bất Quần là người quân tử.
Bộ mặt thật của Nhạc Bất Quần
Từng bước, từng bước một, Kim Dung đã lột mặt nạ của Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần, chỉ ra cho chúng ta thấy tính cách tàn bạo, thủ đoạn độc ác, âm mưu thâm hiểm của nhân vật này. Kim Dung xây dựng y như một hình mẫu "ngụy quân tử", loại người nguy hiểm và khó đối phó hơn cả "chân tiểu nhân".
Bộ mặt thật của Nhạc Bất Quần chỉ hiện ra trong lần đại hội Ngũ nhạc kiếm phái trên ngọn Tung Sơn. Khi y sử dụng Tịch tà kiếm pháp thứ thiệt đánh với Tịch tà kiếm pháp giả mạo của Tả Lãnh Thiền, đâm mù được đôi mắt Tả Lãnh Thiền bằng những ngón tay dịu dàng như thủ pháp một cô gái đang dùng kim thêu. Nhạc Bất Quần lên ngôi minh chủ Ngũ nhạc phái, đúng như dự kiến ban đầu.
Bấy giờ, Lệnh Hồ Xung đã trở thành chưởng môn phái Hằng Sơn; lại được lão o bế, vỗ về khác xa với ngày đuổi Lệnh Hồ Xung ra khỏi môn phái. Bằng cái nhãn giới của người nhạy cảm, Doanh Doanh đã nói nhỏ vào tai tình lang Lệnh Hồ Xung ba tiếng nhận xét về Nhạc Bất Quần: "Nguỵ quân tử". Và chỉ đến lúc ấy Lệnh Hồ Xung mới cảm thấy cụm từ trên thật phù hợp với con người mà anh đã từng yêu mến, kính ngưỡng bấy lâu nay.
Mọi chuyện về cuộc đời Nhạc Bất Quần kết thúc đúng như tinh thần chung của tiểu thuyết phương Đông: kẻ gieo gió phải gặt bão. Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần trở thành một kẻ mất hết nhân tính, bỏ vợ, bỏ con, xa lánh học trò, rượt đuổi theo giấc mơ trở thành minh chủ võ lâm.
Thế nhưng, điều bất ngờ là Tịch tà kiếm pháp của hắn lại không thể thắng được Độc Cô cửu kiếm mà Phong Thanh Dương đã truyền thụ cho Lệnh Hồ Xung. Để trừ hậu hoạ cho tình lang, bị Nhậm Doanh Doanh cho uống một viên Tam thi não thần đan, thứ thuốc độc dùng để khống chế kẻ khác và cuối cùng Nhạc Bất Quần đã bị chết dưới kiếm của một ni cô Nghi Lâm phái Hằng Sơn.
Nhạc Bất Quần là người đầy mưu mẹo và tham vọng, y bất chấp tất cả dùng đến tất cả những hành vi bỉ ổi nhất vì mong muốn trở thành đệ nhất võ lâm, kể cả có phải hi sinh chính người thân hay bạn bè đồng đạo và cái chết của y chính là hệ quả tất yếu của một kẻ tiểu nhân lòng dạ gian ác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.