Nhân vật Tiêu Phong có thật trong lịch sử là người như thế nào?

Thứ tư, ngày 18/05/2022 23:02 PM (GMT+7)
Là người có khí chất hiệp nghĩa, đậm nét anh hùng, nhưng Tiêu Phong lại bị giang hồ khinh ghét, cuối cùng đi đến tự sát khiến độc giả tiếc nuối. Trong lịch sử, cái kết cho Tiêu Phong lại có hậu hơn rất nhiều.
Bình luận 0

Tiểu thuyết Thiên long bát bộ của Kim Dung được xây dựng với bộ 3 nhân vật chính là Đoàn Dự, Tiêu Phong và Hư Trúc. Trong đó, Tiêu Phong là nhân vật gây ấn tượng mạnh nhất.

Do bị vu oan là vào Tống để ăn cắp bí kíp của Thiếu Lâm Tự, cha Tiêu Phong là Tiêu Viễn Sơn – một người Khiết Đan (Liêu) – khi cùng vợ và con đến thăm sư phụ ở nước Tống thì bị các cao thủ đứng đầu Trung Nguyên vây đánh.

Nhân vật Tiêu Phong có thật trong lịch sử là người như thế nào? - Ảnh 1.

Tiêu Phong gây ấn tượng mạnh trong lòng độc giả với tuyệt kỹ Giáng long thập bát chưởng (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Tiêu Viễn Sơn kịch chiến một trận ác liệt với nhóm cao thủ và vợ ông – một người không biết võ công – đã bị đánh chết. Quá đau khổ, Tiêu Viễn Sơn ôm vợ nhảy xuống vực thẳm ở Nhạn Môn Quan tự vẫn, để lại Tiêu Phong cho nhóm cao thủ Trung Nguyên nuôi nấng.

Khi lớn lên, Tiêu Phong không biết gì về thân thế của mình. Anh theo học sư phụ là Huyền Khổ đại sư của Thiếu Lâm Tự, sau này gia nhập Cái bang (bang hội của những người hành khất) và được bang chủ là Uông Kiếm Thông truyền thụ Giáng long thập bát chưởng. Tiêu Phong đặc biệt phù hợp với môn võ công này và phát huy nó đến cảnh giới tối đa.

Sau khi Uông Kiếm Thông chết, Tiêu Phong được bầu làm bang chủ Cái bang. Nhờ tinh thần hiệp nghĩa, anh được nhiều người kính trọng, đưa tên tuổi sáng ngang với Mộ Dung Phục ở Giang Nam. Giang hồ có câu “Nam Mộ Dung, Bắc Tiêu Phong”. Tuy nhiên, võ công của Tiêu Phong thực sự cao hơn Mộ Dung Phục một bậc.

Nhân vật Tiêu Phong có thật trong lịch sử là người như thế nào? - Ảnh 2.

Tiêu Phong trong truyện là người nghĩa khí, trong sạch nhưng luôn bị coi thường do mang dòng máu Khiết Đan (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc).

Thân thế người Khiết Đan của Tiêu Phong sau đó bị vạch trần. Anh bị đuổi khỏi Cái bang vì Tống – Liêu thường xuyên xảy ra chiến tranh và dân Tống cực kỳ căm ghét “cẩu tặc Khiết Đan”.

Tiêu Phong sau đó bị hãm hại, vu cho tội giết thầy và giết cha mẹ nuôi. Đi đến đâu, anh cũng bị các cao thủ giang hồ truy sát. Ở Tụ Hiền sơn trang, Tiêu Phong một mình dùng Giáng long thập bát chưởng giết gần hết quần hùng Trung Nguyên có mặt.

Trong hành trình tìm hiểu về thân thế và trả thù cho cha mẹ, Tiêu Phong đã giết nhầm A Châu – người con gái anh yêu nhất. Điều này khiến Tiêu Phong ân hận suốt đời và luôn nung nấu ý định tự vẫn.

Trong trận tử chiến ở Thiếu Lâm Tự, Tiêu Phong gặp lại Tiêu Viễn Sơn (không ngờ vẫn còn sống) và cùng cha giải quyết hết mọi oán thù với cha con Mộ Dung Phục. Sau trận chiến này, 3 huynh đệ Tiêu Phong, Đoàn Dự và Hư Trúc vang danh võ lâm, được xưng tụng là vô địch thiên hạ.

Trước âm mưu xâm lược nước Tống của vua Liêu, Tiêu Phong đã hết sức ngăn cản. Ở Nhạn Môn Quan (cửa ải từ Liêu và Tống), chàng bắt sống vua Liêu, ép phải ra lệnh rút quân. Với hành động này, Tiêu Phong bị cho là kẻ phản bội người Khiết Đan. Bị cả Liêu và Tống ruồng bỏ cùng với nỗi đau khổ về việc mất A Châu, Tiêu Phong quyết định tự sát. Cái chết của Tiêu Phong gây xúc động mạnh và để lại nhiều tiếc nuối trong lòng người đọc.

Nhiều độc giả cho rằng Kim Dung đã quá tàn nhẫn với Tiêu Phong – nhân vật anh hùng một đời nhưng phải chịu quá nhiều bi kịch. Trong lịch sử, Tiêu Phong đã có một cuộc đời lừng lẫy chiến công và kết thúc có hậu hơn rất nhiều.

Theo Liêu sử, Tiêu Phong (1030 – 1065) là danh tướng của nhà Liêu hay còn gọi là nước Khiết Đan trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Liêu được thành lập năm 907 bởi thủ lĩnh tộc Khiết Đan là Gia Luật A Bảo Cơ, đến năm 1125 thì bị nước Kim tiêu diệt.

Nhân vật Tiêu Phong có thật trong lịch sử là người như thế nào? - Ảnh 3.

Tiêu Phong bị cả giang hồ vu oan, truy sát (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc).

Suốt thời gian tồn tại dài 218 năm, nhà Liêu luôn tìm cách tiêu diệt nhà Tống để mở rộng lãnh thổ xuống phía nam Trung Quốc. Chiến tranh Liêu – Tống xảy ra liên miên khiến quốc lực cả hai cùng suy yếu nghiêm trọng. Sau này, Liêu bị nước Kim diệt còn Tống bị Kim chèn ép, buộc phải lùi sâu về các vùng đất phía nam.

Liêu sử chép, năm 1048, dưới thời Liêu Hưng Tông (Gia Luật Chỉ Cốt), Tiêu Phong lập chiến công tiêu diệt bộ tộc luôn đối địch với Khiết Đan là Trở Bốc, được phong chức Trung lang tướng. Năm 1049, ông tiếp tục đánh dẹp sự quấy nhiễu của bộ tộc Địch Liệt.

Năm 1055, Liêu Đạo Tông (Gia Luật Hồng Cơ) lên ngôi, Tiêu Phong được phong hàm Thái bảo, giữ chức Đồng tri Khu mật viện sứ - chức quan chịu trách nhiệm quản lý lực lượng quân sự thời phong kiến.

Liêu sử miêu tả Tiêu Phong là “người có dáng vạm vỡ, mày rậm mắt to, mũi cao miệng rộng, mặt vuông. Tướng mạo đường đường, mạnh mẽ, giọng nói vang như sấm, khiến kẻ nhút nhát phải khiếp sợ”.

Sau khi lên ngôi, Liêu Đạo Tông phong cho chú là Gia Luật Trọng Nguyên – người có thế lực nhất triều Liêu lúc bấy giờ – làm Thiên hạ binh mã Đại nguyên soái, nắm hết binh quyền. Gia Luật Trọng Nguyên quyền cao chức trọng, vinh hoa phú quý tột bậc nên ngày càng hống hách, thậm chí có ý định soán ngôi Liêu Đạo Tông.

Theo Đạo Tông bản kỷ (Liêu sử), năm 1063, nhân lúc Liêu Đạo Tông rời khỏi kinh thành, Gia Luật Trọng Nguyên phát động binh biến hòng chiếm đoạt ngôi vua. Tuy nhiên, Tiêu Phong đã lường trước sự việc này.

Mưu đồ tạo phản của Gia Luật Trọng Nguyên đã bị Tiêu Phong vạch trần từ lâu. Tuy nhiên, vì Trọng Nguyên nắm hết binh quyền, Tiêu Phong và Liêu Đạo Tông không dám kinh động mà phải buộc hắn ra tay trước. Liêu Đạo Tông vừa vờ rời khỏi kinh thành, Trọng Nguyên quả nhiên trúng kế, phát động tạo phản.

Tiêu Phong có chuẩn bị từ trước nên không hề bất ngờ. Ông dẫn quân đánh bại và tóm gọn đám loạn đảng. Cuộc phản loạn của Gia Luật Trọng Nguyên thất bại chỉ trong vòng 3 ngày. Ông ta cùng con trai kéo tàn quân chạy trốn lên sa mạc phía bắc nhưng bị Tiêu Phong truy sát.

Liêu sử chép, “Tiêu Phong mình trần, sử dụng 2 thanh đao lớn, đi đầu xông trận giết giặc. Tiêu Phong phá tan 1 vạn quân phản loạn, thu 4.000 con ngựa”. Vì không muốn xuống tay giết hại người có dòng máu hoàng gia, Tiêu Phong ép cha con Gia Luật Trọng Nguyên phải tự sát.

Nhờ lập đại công, Tiêu Phong được Liêu Đạo Tông đặc biệt tin tưởng, phong cho làm Nam Viện đại vương, nắm quyền chỉ huy đạo quân xâm lược nước Tống. Năm 1065, Tiêu Phong mắc bệnh nặng rồi chết khi mới 35 tuổi, Liêu Đạo Tông vô cùng thương xót, phong cho ông làm Liêu Tây quận vương.

Trong tác phẩm Thiên long bát bộ, khi lưu lạc sang nước Liêu, Tiêu Phong được Liêu Đạo Tông mến mộ tài năng, kết làm anh em. Tiêu Phong giúp Liêu Đạo Tông dẹp yên cuộc phản loạn của Gia Luật Trọng Nguyên, được phong làm Nam Viện đại vương. Tuy nhiên, vì không muốn nhân dân Liêu – Tống tiếp tục đổ máu, Tiêu Phong cực lực phản đối chiến tranh, quyết không giúp Liêu Đạo Tông dẫn binh xâm lược nước Tống. Tiêu Phong sau đó từ quan, muốn bỏ trốn nhưng bị vua Liêu bắt lại.

Theo Sohu, năm 2017, một khu mộ cổ được phát hiện ở núi Trường Bạch, Cát Lâm, Trung Quốc. Khi khai quật, người ta phát hiện hơn 400 cổ vật bằng vàng, bạc và đồ sứ có giá trị. Đặc biệt ở ngôi mộ lớn nhất, các nhà khảo cổ tìm thấy một chiếc mặt nạ vàng.

Nhân vật Tiêu Phong có thật trong lịch sử là người như thế nào? - Ảnh 4.

Tiêu Phong là nhân vật có thật trong lịch sử, không hề tự sát như trong truyện Kim Dung (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc).

Dựa vào các tài liệu và cổ vật thu được, cơ quan bảo vệ di sản văn hóa tỉnh Cát Lâm kết luận, chủ nhân của khu mộ cổ này là Liêu Tây quận vương Tiêu Phong. Đây là bằng chứng rõ ràng nhất cho việc Tiêu Phong thực sự là một nhân vật tồn tại trong lịch sử Trung Quốc.

Tuy nhiên, không có tài liệu lịch sử nào cho thấy việc Tiêu Phong từng phản đối chiến tranh Tống – Liêu hay dẫn quân đánh Tống.

Theo Sohu, Tiêu Phong mới nhậm chức Nam Viện đại vương chưa đầy 2 năm thì mắc bệnh rồi chết. Trong thời gian ngắn ngủi như vậy, Tiêu Phong còn chưa kịp chỉnh đốn lực lượng, chuẩn bị chiến tranh. Nếu ông không chết ở tuổi 35 – thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp – cục diện chiến tranh Liêu – Tống có thể trở nên rất khó lường.

Nhân vật Tiêu Phong có thật trong lịch sử là người như thế nào? - Ảnh 5.

Tiêu Phong đánh bại âm mưu tạo phản, lập đại công với vua Liêu (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Theo Sohu, nhân vật Tiêu Phong cũng có thể được Kim Dung lấy chất liệu từ một nguyên mẫu khác trong lịch sử, đó là Truật Xích – người con trai cả mang thân thế không rõ ràng của Thành Cát Tư Hãn.

Truật Xích (1180 – 1227) là người con trai đầu tiên của Thành Cát Tư Hãn và cũng là một chiến binh dũng mãnh, tài năng. Trong suốt cuộc đời, ông đã lập nhiều chiến công hiến hách, giúp Thành Cát Tư Hãn thu phục các bộ tộc Mông Cổ, đánh bại nước Kim, chinh phục nhiều vùng đất ở Trung Á, Đông Âu.

Tuy nhiên cũng giống như Tiêu Phong trong truyện Kim Dung, Truật Xích phải sống một cuộc đời cay đắng vì thân thế không rõ ràng của mình.

Theo Mông Cổ bí sử, năm 1178, Bột Nhi Thiếp kết hôn với Thành Cát Tư Hãn nhưng bà bị một số thành viên của bộ tộc Miệt Nhĩ Khất bắt cóc ngay sau đó. Quan niệm của người Mông Cổ xưa cho rằng, bắt cóc vợ là cách sỉ nhục kẻ thù tốt nhất. Bột Nhi Thiếp bị coi như chiến lợi phẩm và bị ép phải hầu hạ một viên tướng của bộ tộc Miệt Nhĩ Khất.

Bộ Nhi Thiếp bị giam giữ suốt 8 tháng trước khi được Thành Cát Tư Hãn giải cứu. Không lâu sau, Truật Xích ra đời. Thành Cát Tư Hãn tuyên bố với mọi người đây là con trai ông và nuôi dạy Truật Xích tử tế.

Nhân vật Tiêu Phong có thật trong lịch sử là người như thế nào? - Ảnh 6.

Cuộc đời Truật Xích – con trai trưởng của Thành Cát Tư Hãn có nhiều nét rất giống Tiêu Phong trong kiếm hiệp (ảnh: Sohu).

Trong kiếm hiệp Kim Dung, Tiêu Phong dù bị cả giang hồ khinh thường những vẫn có được 2 người huynh đệ tốt là Đoàn Dự và Hư Trúc. Truật Xích đáng thương hơn, ông không thân thiết với bất kỳ người em nào của mình.

Truật Xích có mâu thuẫn lớn với người em trai Sát Hợp Đài. Bất chấp những lời răn dạy nghiêm khắc của Thành Cát Tư Hãn, Sát Hợp Đài luôn coi Truật Xích là “đứa con hoang”.

Năm 1119, Mông Cổ tấn công xâm lược đế quốc Khwarezm (quốc gia Hồi giáo cổ đại trải dài từ biển Caspi đến biển Ả Rập). Đóng góp của Truật Xích trong trận chiến này là rất lớn. Liên tiếp các thành phố Signak, Jand, Yanikant của Khwarezm bị Truật Xích đánh hạ. Năm 1220, Truật Xích chỉ huy quân Mông Cổ đánh chiếm Urgench – kinh đô của Khwarezm.

Truật Xích chủ trương dùng biện pháp thuyết phục để người dân trong thành Urgench tình nguyện đầu hàng, tránh đổ máu. Tuy nhiên Sát Hợp Đài lại coi đó là hành động hèn nhát và nhiều lần sỉ nhục anh trai.

Mâu thuẫn giữa Truật Xích và Sát Hợp Đài khiến quân đội Mông Cổ trì hoãn việc công phá Urgench và làm Thành Cát Tư Hãn rất tức giận. Truật Xích bị Thành Cát Tư Hãn tước quyền chỉ huy chiến dịch và giao lại cho Oa Khoát Đài – người con trai thứ 3. Trước khi chết, Thành Cát Tư Hãn cũng chọn Oa Khoát Đài làm người kế vị chứ không phải Truật Xích.

Năm 1223, Thành Cát Tư Hãn hoàn thành chiến dịch xâm lược Khwarezm. Ba người con trai là Oa Khoát Đài, Sát Hợp Đài và Đà Lôi cùng theo ông về Mông Cổ, chỉ riêng Truật Xích là quay về lãnh địa của mình.

Cuối năm 1226, Thành Cát Tư Hãn muốn đánh Tây Liêu nhưng khi tập hợp quân đội thì Truật Xích không tới với lý do đang mắc bệnh.

Thành Cát Tư Hãn tức giận, nghi ngờ Truật Xích muốn tạo phản. Tháng 2/1227, Thành Cát Tư Hãn chuẩn bị đem quân đi trừng phạt con trai thì bất ngờ nhận được tin Truật Xích đã qua đời vì bệnh nặng. Giống như nhân vật Tiêu Phong trong kiếm hiệp, Truật Xích dù võ nghệ hơn người, tài năng vượt trội cũng không tránh khỏi cái chết trong sự oan uổng.

Theo Bí sử Mông Cổ, khi biết con trai cả thực sự bị oan, Thành Cát Tư Hãn đã vô cùng đau buồn.

Vương Nam (Theo Khám Phá)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem