Chuyện nhân viên Sony biển thủ tiền rồi chuyển thành Bitcoin được đưa ra ánh sáng
Nhân viên Sony biển thủ "núi tiền" mua Bitcoin và cái kết ngỡ ngàng
Huỳnh Dũng
Chủ nhật, ngày 26/12/2021 08:15 AM (GMT+7)
Mỹ đã thực hiện hành động pháp lý thu giữ và trả lại hơn 154 triệu USD đã bị đánh cắp có chủ đích cho Sony Life Insurance Company Ltd, một công ty con của SONY, bởi một nhân viên công ty này trộm tiền trái phép để mua đồng ảo Bitcoin.
Theo tài liệu vụ án mà Bộ Tư Pháp Mỹ công bố thì suốt thời gian qua cơ quan FBI đã truy ra khoản tiền trộm phi pháp trong một cuộc điều tra cướp tài sản liên quan đến Sony. Cụ thể vào tháng 5, một nhân viên tên là Rei Ishii đã biển thủ khoản tiền 154 triệu USD tiền của công ty con thuộc tập đoàn Sony để mua hơn 3.800 Bitcoin (giá hiện tại hơn 180 triệu USD). Ishii từng là nhân viên của Công ty Sony Life Insurance Company Ltd, đây thực chất một công ty con của Tập đoàn Sony có trụ sở tại Nhật Bản.
Cơ quan thực thi pháp luật từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và FBI cuối cùng đã tìm thấy "khóa mật khẩu riêng tư" (Khóa riêng tư là sự kết hợp được tạo ngẫu nhiên giữa các chữ cái và số được sử dụng để khóa ví ảo chứa tiền điện tử của chủ sở hữu) của địa chỉ Bitcoin của Rei Ishii chứa chính xác 3.879 Bitcoin - hiện trị giá hơn 180 triệu USD – và tất cả đã thu giữ khoản tiền vào ngày 1/12 thông qua sàn A Coinbase.
Vào ngày 1/12, FBI đã thu giữ 3.879 đồng BTC trong ví tiền ảo của Ishii sau khi lấy được khóa cá nhân, sau đó FBI nhanh chuyển tất cả các Bitcoin vào ví Bitcoin của FBI. Sau đó, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đệ đơn khiếu nại tịch thu dân sự tại Quận Nam California để bảo vệ quyền lợi của công ty con thuộc Sony đối với tài sản bị đánh cắp.
"Mỹ đã thực thi các quy trình pháp lý để bảo vệ và trả lại hơn 154 triệu USD bị đánh cắp từ một công ty con của Tập đoàn Sony Group có trụ sở tại Tokyo. Những khoản tiền đó đã bị cơ quan thực thi pháp luật thu giữ vào 1/12, dựa trên cuộc điều tra của FBI", Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định.
Bộ Tư pháp Mỹ còn tuyên bố, Ishii đã làm giả các giao dịch, khiến tiền bị chuyển từ tài khoản của công ty con Sony sang tài khoản mà Ishii nắm giữ tại một ngân hàng ở California. Sau đó, Ishii bị cáo buộc đã chuyển tiền đó sang đồng ảo Bitcoin.
"Ishii bị cáo buộc đã làm điều này bằng cách làm sai lệch hướng dẫn giao dịch, khiến tiền được chuyển đến tài khoản mà Ishii kiểm soát tại một ngân hàng ở La Jolla, California, Mỹ".
Sau khi sự cố vỡ lở hồi tháng 5, Ishii đã tìm cách thuyết phục ông chủ của mình và một số giám đốc điều hành Sony Life không được hợp tác với các nhà điều tra, bằng cách gửi email cho họ với một thông điệp mong muốn được dàn xếp ổn thỏa bằng tiếng Anh và tiếng Nhật. Nội dung thư ghi rõ: "Tôi sẽ trả lại tiền nếu bạn chịu chấp nhận dàn xếp. Sẽ rất khó để lấy lại số tiền này nếu bạn báo cáo hay hợp tác với các cơ quan điều tra", ghi chú tiếp tục.
Cũng vào cùng ngày 1/12, Sở Cảnh sát Thủ đô Tokyo đã bắt giữ Ishii, 32 tuổi và buộc tội anh ta đánh cắp 154 triệu USD trong các giao dịch tiền bất chính từ giữa tháng 5 vừa qua.
"Bạn không thể lợi dụng tiền mã hóa để che giấu hành vi bất chính của mình trước cơ quan thực thi pháp luật. Mỹ đang phối hợp với các đối tác quốc tế của mình để ngăn chặn tội phạm này và thu hồi các khoản tiền bị đánh cắp", ông Randy Grossman, Công tố viên liên bang Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, họ đã nhận được "sự hỗ trợ đáng kể" từ Sony và Citibank và điều tra vấn đề cùng với nhiều cơ quan Nhật Bản, điều này cho phép Mỹ phát hiện ra tội phạm một cách nhanh chóng.
"Sony và Citibank ngay lập tức liên hệ và hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật ngay khi hành vi trộm cắp được phát hiện, và FBI đã hợp tác với cả hai để xác định vết tích của các khoản tiền phi pháp", Đặc vụ FBI Suzanne Turner giải thích.
"Thứ hai, dấu chân của FBI trên phạm vi quốc tế thông qua các văn phòng pháp lý và nhờ vào các mối quan hệ sẵn có mà chúng tôi đã thiết lập hoạt động ở nước ngoài - trong trường hợp này là với Nhật Bản, điều đó cho phép cơ quan thực thi pháp luật phối hợp và xác định đối tượng nhanh chóng, dễ dàng hơn".
Câu chuyện này lần nữa dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh rằng, tính ẩn danh mà tiền điện tử và các giao dịch tiền điện tử đã khiến chúng trở nên rất phổ biến với tội phạm mạng. Vì các giao dịch không bị ngân hàng kiểm soát, việc mua lại các khoản tiền không thể truy xuất nguồn gốc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Bất chấp những thách thức này, các cơ quan thực thi pháp luật ở Hoa Kỳ đã đạt được thành công to lớn trong các trường hợp có liên quan đến tiền điện tử. Ví dụ, vào tháng 6 Bộ Tư pháp đã thu giữ lượng Bitcoin trị giá 3,2 triệu USD do Colonial Pipeline trả cho nhóm ransomware Darkside do Nga hậu thuẫn.
Không chỉ dừng tại đó, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cũng đang theo đuổi các tội phạm tiền điện tử khác. Tháng trước, cơ quan này đã thông báo sẽ bán số tiền điện tử trị giá 56 triệu USD bị thu giữ trong chương trình BitConnect, trong đó những người quảng bá đã lừa hàng nghìn người mua bitcoin phi pháp vào năm 2017. Đồng thời, Đơn vị điều tra tội phạm của Sở Thuế Vụ Mỹ cũng tịch thu 3,5 tỷ USD tiền ảo trong nhiều cuộc điều tra của mình trong năm vừa qua, theo báo cáo Đài NBC News công bố vào tháng 11.
Luật sư kiêm Công tố viên liên bang Mỹ Randy Grossman cảnh báo rằng, những kẻ lừa đảo tội phạm mạng không nên dựa vào tài sản tiền điện tử để che giấu các khoản tiền bị đánh cắp của họ khỏi các nhân viên thực thi pháp luật. Thực tế là "Hoa Kỳ đã và đang phối hợp rộng rãi với các đối tác quốc tế của mình để ngăn chặn tội phạm và thu hồi các khoản tiền bị đánh cắp bất hợp pháp", Grossman cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.