Nhân viên y tế công nghỉ việc giữa dịch Covid-19: Đường xa gánh nặng

Diệu Linh - Gia Khiêm Thứ năm, ngày 23/12/2021 06:13 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19 đang diễn ra căng thẳng nhưng hàng nghìn nhân viên y tế ở các cơ sở y tế công nghỉ việc, chuyển công tác trong thời gian ngắn khiến nhiều người lo lắng. Nguyên nhân nhìn thấy rõ nhưng giải pháp vẫn xa vời...
Bình luận 0

Kỳ I: Mỗi ngày đều tối tăm mặt mũi với Covid-19

Dịch Covid-19 đang lan rộng ra cả nước, trong đó các địa phương "nóng" nhất là TP.HCM, Hà Nội, Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang... Mỗi ngày, ở các địa phương này đều có đến hàng nghìn ca mắc mới.

Điều đó đồng nghĩa với việc các nhân viên y tế, từ cơ sở đến huyện, tỉnh đều "vắt chân lên cổ". 

Tại Hà Nội, ngày 21/12, số ca Covid-19 mắc mới "lên đỉnh" với 1.700 ca, dẫn đầu cả nước. Trong hơn hai tháng qua, khi dịch gia tăng ở Hà Nội, không có một ngày nào nhân viên y tế không bận sấp bận ngửa.

Ù tai vì nghe điện thoại về Covid-19 từ sáng sớm đến nửa đêm

Chị Nguyễn Thị Bắc – Trạm trưởng Trạm Y tế phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) mở mắt từ sáng sớm với những cuộc điện thoại cấp tập. Khi chị vừa nghe xong một cuộc người dân thông báo có tiếp xúc với F0, vừa đặt máy xuống thì lại có cuộc điện thoại "tự test nhanh ở nhà có dương tính"...

Chị Bắc chia sẻ, chỉ nghe điện thoại cũng khiến các chị chóng mặt, tốn không biết bao nhiêu thời gian. Từ sáng đến giờ cả 7 máy điện thoại của 7 nhân viên y tế tại phường đều nóng rát. Đến nửa đêm điện thoại cũng không ngừng reo, 5-6 giờ sáng lại có điện thoại.

Nhân viên y tế công nghỉ việc giữa dịch Covid-19: Đường xa gánh nặng - Ảnh 1.

Tai chị Nguyễn Thị Bắc gần như "dính" với cái điện thoại, tai nghe, miệng nói, tay ghi chép suốt thời gian dài không phút nghỉ ngơi. Ảnh: TN

Suốt nhiều tháng nay, chị Bắc và anh em trong trạm không có 1 giấc ngủ yên. Đêm nào cũng thấp thỏm vì chuông điện thoại. Tai ù, miệng mỏi, mắt mờ vì nghe nói điện thoại và xem giấy tờ. Chưa kể lúc các chị phải mặc bảo hộ tham gia điều trị F0, đến nhà các F0 hay lấy mẫu xét nghiệm...

Mới đây, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cung cấp thông tin gây chú ý: Năm 2020 có 597 nhân viên y tế xin nghỉ việc và chỉ 10 tháng đầu năm 2021 đã có thêm 968 trường hợp.

Theo phân tích của bà Mai, số nhân viên y tế xin nghỉ việc tăng nhẹ ở khu vực điều dưỡng, bác sĩ và một số ở trạm y tế, bởi phần lớn vì lý do cá nhân, gia đình.

Ở nhiều địa phương khác cũng gia tăng tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc.

Cụ thể ở tỉnh Đồng Nai, theo Sở Y tế, số lượng bác sĩ công nghỉ việc mỗi năm luôn ở mức cao. Năm 2019 có 104 bác sĩ, 156 điều dưỡng nghỉ việc; Năm 2020 có 80 bác sĩ, 131 điều dưỡng nghỉ việc; Và năm 2021, tính đến tháng 11 đã có 79 bác sĩ, 151 diều dưỡng nghỉ việc.

Có thể dễ dàng nhận thấy, dịch Covid-19 đã làm gia tăng gánh nặng về nhiều mặt cho nhân viên y tế, khiến họ "không thể chịu nổi".

Theo chị Bắc, cả trạm y tế có 9 người thì 1 người nghỉ sinh, 1 người tham gia điều trị ở cơ sở thu dung F0 của quận. Còn 7 người xoay như chong chóng trên địa bàn 34.000 dân. Hàng nghìn cuộc điện thoại mỗi ngày, các chị nghe thông tin về F0, F1, ghi chép tay, phân loại dữ liệu rồi nhập dữ liệu trên máy, rồi trình báo cáo lên trên, đi lấy mẫu, thăm hỏi F0 tại nhà, cấp thuốc cho F0, tư vấn cho người dân...

Có ngày các chị phải xử lý cả chục F0 với hàng trăm F1 phải lấy mẫu... Và cũng chỉ có dăm, ba người.

Công việc chồng đống đòi hỏi, chân, tay, tai, miệng, mắt đều phải làm việc không ngừng. Nhưng nhiều người dân khi thấy gọi mãi mới được nhân viên y tế thì câu đầu tiên là chửi mắng, trách móc thậm tệ.

Công việc nhiều, làm việc đến kiệt sức nhưng điều kiện làm việc cũng hết sức thiếu thốn. Cả trạm y tế phường có 2 máy tính cũ, 2 cái máy in hỏng liên tục, nhân viên phải tự bỏ tiền ra sửa để làm việc cho nhanh, nhà tắm không có bình nóng lạnh.

Làm việc đến 10-11 giờ đêm, làm dịch bệnh ngay ngáy nỗi lo lây nhiễm, mang bệnh về nhà nhưng mùa đông lạnh nên nhân viên đành nhịn tắm. Hơn nữa, số lượng công việc nhiều, 1 ca trực đêm, các chị phải phân công 2 người trực, thậm chí có phiên phải  3-4 người mới đáp ứng được. Nhưng quy định của Sở Y tế chỉ chi chế độ trực cho 1 người.

Và theo quy định trực thì nhân viên y tế sau buổi trực đêm được nghỉ 1 ngày, nhưng số lượng công việc nhiều nên các chị chỉ dám nghỉ nửa ngày rồi đi làm để "tiếp sức" cho các đồng nghiệp.

Mỗi ngày, các chị bắt đầu công việc từ 5 giờ đến 9-10 giờ đêm mới về nhà mà vẫn phải tiếp tục nghe điện thoại. Có những bữa "chạy gằn" với F0 thì 1-2 giờ sáng mới về là chuyện thường. Nhiều chị có con nhỏ 2-3 tuổi cả tháng hai mẹ con được nhìn mặt nhau được vài lần. Mọi việc nhà đều nhờ cậy vào vợ (chồng).

Nhân viên y tế công nghỉ việc giữa dịch Covid-19: Đường xa gánh nặng - Ảnh 2.

Nhân viên y tế phường Khương Đình ghi danh sách người cần lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh NN

Đợt vừa qua, chị Bắc đi làm về muộn, bị viêm phổi nhưng cũng không dám nghỉ. Vì chị nghỉ thì anh em lại phải gồng gánh phần việc của chị mà công việc đã quá tải với họ rồi.

Chị buồn buồn chia sẻ, năm nay, chị sang cát cho mẹ nhưng bận dịch nên không về được nên đành nhờ anh em, họ hàng dưới quê. Chị mong hết dịch nhanh để được về thắp nhanh tạ tội với mẹ. Rồi con gái mới sinh, chị sợ lây virus cho con cháu nên cũng chẳng ghé thăm được.

Nhìn các chị quay cuồng giữa các cuộc điện thoại, đống giấy tờ, rồi lại tất bật chạy đi lấy mẫu, đi phát thuốc cho F0, F1 chỉ nửa ngày mà tôi đã cảm thấy "choáng váng". Nhưng với nhiều nhân viên y tế, đã hàng tháng nay, hàng năm nay họ chưa từng được ngơi nghỉ. 

Những đôi bàn chân chạy gằn, phồng rộp, những đôi tay nhăn nheo vì đeo găng và những đôi tay (chắc chắn) có nhiều lúc ù đặc và mắt ướt không biết vì mồ hôi hay nước mắt mệt mỏi, hờn tủi...

Chạnh lòng nỗi niềm "mắc Covid-19 còn được nghỉ"

Ông Nguyễn Đức Tuấn – Giám đốc Trung tâm Y tế quận Đống Đa xác nhận thời gian gần đây quận ghi nhận nhiều ca F0. Trung bình mỗi ngày có trên 100 F0 mới trong khi lực lượng y tế có hạn nên đương nhiên y tế phường bị quá tải.

"Ngoài việc hỗ trợ, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế tuyến cơ sở còn nhiều công việc khác đặc biệt cuối năm dịch bệnh sốt xuất huyết, những công việc khác bình thường vẫn phải triển khai, sắp tiêm vaccine mũi 3, tiêm nhắc lại, rà soát đối tượng chưa được tiêm, tiến tới phải tiêm tại nhà cho người dân nhiều việc. Hiện trên địa bàn quận quá tải nhất là phường Trung Phụng vì có số ca mắc nhiều nhất quận", ông Tuấn nhấn mạnh.

Nhân viên y tế công nghỉ việc giữa dịch Covid-19: Đường xa gánh nặng - Ảnh 3.

Nhân viên y tế đo thân nhiệt F0 tại nhà ở phố Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Viết Niệm

Theo ông Tuấn, hiện lực lượng cán bộ y tế biên chế quận khoảng hơn 400 người ngoài ra còn có sự hỗ trợ của y tế học đường. Bên cạnh đó, quận cũng huy động lực lượng y tế trên địa bàn như bệnh viện, phòng khám, nhà thuốc, y tế cơ sở tư nhân để hỗ trợ vào công cuộc hỗ trợ điều trị F0 tại nhà.

"Hiện để giảm tải công việc y tế tuyến cơ sở, tại quận Đống Đa đang triển khai mạnh trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc người nhiễm Covid-119 cộng đồng, tại đây sẽ huy động lực lượng thanh niên, phụ nữ… sử dụng lực lượng tại chỗ.

Nếu tăng cường lực lượng nơi khác rất phức tạp chứ không đơn giản vì còn sắp xếp chuyện ăn nghỉ, người khác không nắm được địa bàn phải có người hướng dẫn, phức tạp hơn…

Bên cạnh đó, quận Đống Đa hiện đang triển khai, tổ chức khu thu dung điều trị cho F0 nhẹ, không triệu chứng tại Ký túc xá Đại học Thuỷ Lợi đã đạt gần 400 bệnh nhân. Cơ sở này có thể tiếp nhận được khoảng 600 bệnh nhân nên sẽ đỡ vất vả cho tuyến y tế cơ sở", ông Tuấn cho hay.

Một cán bộ y tế tại huyện Hoài Đức cũng chia sẻ, công việc phòng chống dịch rất vất vả, nhiều người hầu như không có ngày nghỉ.

"Chạy một ngày đã mệt, chứ đừng nói nhân viên y tế đã phải quần quật làm việc cả mấy tháng. Hơn nữa, áp lực từ dịch bệnh, mệt mỏi vì mặc đồ bảo hộ khiến mọi người còn stress hơn.

Có một lái xe chở bệnh nhân F0 mệt đến mức còn thốt lên giá như bị nhiễm Covid-19 để còn được nghỉ ngơi. Nghe thật là "bi quan" nhưng cũng thông cảm được tâm tư của anh em", vị này chia sẻ.

Trước đó, tại phiên chất vấn HĐND TP.Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thừa nhận, hệ thống y tế cơ sở vừa qua thực hiện nhiều nhiệm vụ, nay lại thêm quản lý hàng trăm, hàng nghìn các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại nhà.

"Mỗi trạm y tế thì chỉ có 5 - 10 người mà phục vụ hàng nghìn, hàng vạn người dân; cơ sở vật chất xuống cấp; nhân lực không thu hút được người có trình độ cao. Chúng tôi đang quá tải về nhân lực, không đáp ứng được về nhân lực", bà Hà nói.

Kỳ II: Trầm cảm vì chịu đựng quá nhiều đau đớn của nhân viên y tế trong đại dịch Covid-19


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem