Nhân viên y tế công nghỉ việc giữa dịch Covid-19 kỳ III: Lao lực nhưng lương không đủ sống
Nhân viên y tế công nghỉ việc giữa dịch Covid-19 - Kỳ 3: Lao lực nhưng lương không đủ sống
Diệu Linh
Thứ bảy, ngày 25/12/2021 06:19 AM (GMT+7)
Trong dịch Covid-19, đa số nhân viên y tế công đang phải làm việc tăng 200-300% so với bình thường. Tuy nhiên, chỉ có 19,1% nhân viên y tế cho biết có thể chi trả hoàn toàn cuộc sống bằng lương. Nhiều người đã bất đắc dĩ phải nghỉ việc...
Chị M.H (vốn là y tá có thâm niên 14 năm ở trạm y tế phường tại TP.HCM), cách đây 1 tháng đã xin nghỉ việc. "Đến giờ nhiều khi bước chân ra cửa đi đâu đó mà vẫn quen đường đến thẳng trạm y tế. Nhiều lúc mình dừng chân ngẩn ngơ ở cổng trạm mà muốn bật khóc. Nhưng cực chẳng đã", chị H buồn buồn.
Chị cho biết, bình thường không có dịch, các chị đã bận như con mọn. Cả trạm chỉ có 8 nhân viên nhưng làm đủ việc từ tiêm chủng, quản lý các bệnh mãn tính như huyết áp, đái tháo đường, dân số, rồi đi tuyên truyền việc phòng ngừa các bệnh sốt xuất huyết, chân tay miệng…
Lúc nào các chị cũng luôn chân luôn tay, chỉ làm sổ sách, giấy tờ, nhập số liệu lên máy tính đã toát mồ hôi.
Còn hai năm nay, khi có dịch Covid-19 thì các chị căng mình làm thêm nhiều việc chống dịch. Đỉnh điểm tại TP.HCM là từ tháng 6/2021, các chị quay cuồng giữa dịch. Hàng ngày, các chị chạy gằn trên đường để truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, thu dung F0, F1…
Nhân viên y tế thâm niên 20 năm, lương 6 triệu
"Mỗi nhân viên y tế tại trạm phải gồng gánh trên 17.000 dân. Trước thời điểm có dịch Covid-19, nhân sự đã mỏng, làm việc không có thời gian nghỉ, khi đến thời điểm dịch bùng phát, nhân viên y tế nâng công suất làm việc lên đến 300%. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, một người choàng 10 việc, phải đảm nhận nhiều công việc khác nhau. Tuy nhiên, hiện lương nhân viên y tế tại Trạm y tế chỉ khoảng 4,5 - 6 triệu đồng/tháng.
Như tôi làm việc tại Trạm y tế khoảng gần 20 năm nhưng mức lương hiện nay khoảng 6 triệu đồng/tháng. Có thể nói, với chế độ như thế, hầu như các nhân viên y tế còn bám trụ lại với nghề, với Trạm y tế đều vì đam mê, vì lương tâm của chính mình với người dân. Đã có những bác sĩ nghỉ việc vì mức lương thấp, không đủ để lo cho gia đình khi họ là trụ cột chính",
Bác sĩ Phan Thanh Tùng, Trưởng Trạm y tế xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM)
(Đức Hạnh (ghj)
Bình thường đã nhọc nhoài, còn phải mặc đồ bảo hộ kín, nhiều chị mất nước, ngất xỉu. Chị đã hơn 1 lần ngất, phải nằm vật ở vệ đường. Nhưng tỉnh dậy lại lao vào công việc. Vì chị biết, nếu chị nghỉ thêm thì đồng nghiệp lại phải gồng gánh thêm công việc của chị. Mà họ cũng đã nhiều việc lắm rồi, mệt lắm rồi…
Chồng chị cũng đi chống dịch, hai con nhỏ của chị phải để cho ông bà nội trông nom. Giữa dịch, ngày nào chị cũng sợ hãi người nhà bị Covid-19. Hàng ngày phải tiếp xúc với những ca tử vong do Covid-19, nhiều lúc chị đờ người ra, sợ hãi, chạnh lòng nghĩ đến bố mẹ già, con nhỏ.
Chị thường trốn vào một góc để khóc nghẹn, cũng không dám khóc to vì sợ ảnh hưởng đến tâm trạng của đồng nghiệp. Rất không may, bố mẹ đẻ chị mắc Covid-19 và mẹ đẻ đã không qua được.
Dịch vừa yên, chị cũng không chịu được, thể xác và cảm xúc đều suy sụp nên chị đành xin thôi việc. "Bình thường lương của tôi được 5-6 triệu một tháng.
Chồng tôi thường "ghét bỏ" lương chẳng đủ tiền cho 2 bữa ăn nhà hàng. Hầu như chi tiêu trong nhà đều do chồng tôi cáng đáng nên thu nhập cũng không phải là vấn đề của tôi.
Từ trước đến nay tôi đi làm vì muốn được sống có ích. Còn giờ tôi chẳng muốn làm gì cả, chỉ muốn ở nhà ôm các con. Chồng tôi cũng yêu cầu tôi ở nhà trông con vì "lương của em không đủ thuê osin". Dù yêu nghề nhưng đã đến lúc tôi sống vì gia đình. Gia đình đang cần tôi", chị M.H tâm sự.
Tuy nhiên, chị M.H chia sẻ, nhiều đồng nghiệp của chị than ngắn thở dài là làm việc mệt mỏi quá mà lương bèo bọt, không đủ sống. Bình thường các chị thường làm thêm việc khác để đủ tiền nuôi con, giờ dịch giã quá bận, cũng không làm thêm được gì nên đang phải thắt lưng buộc bụng.
"Tôi biết không ít bạn bè, đồng nghiệp của tôi đã nghỉ việc hoặc đang có ý định nghỉ việc để kiếm việc khác với lý do: "vừa đỡ vất vả, vừa không nguy hiểm, thu nhập lại cao hơn".
Chỉ trong 10 tháng của năm 2021, số nhân viên y tế xin nghỉ việc tại TP.HCM đã lên đến con số gần 1.000, gần gấp đôi so với cả năm 2020. Theo Sở Y tế TP.HCM, hầu hết các điều dưỡng, bác sĩ khi làm đơn xin nghỉ đều vì lý do cá nhân và gia đình.
Một nam nhân viên y tế cũng tâm sự: "Chúng tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ này và tự hào được phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, chúng tôi không biết khi nào đại dịch Covid-19 sẽ kéo dài đến bao giờ.
Nếu quá lâu, chúng tôi không chắc mình có thể thực hiện được nhiệm vụ này nữa không vì gia đình chúng tôi cũng đang cần chúng tôi".
Không đủ sống thì bất đắc dĩ phải nghỉ việc
Nghiên cứu "Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong Covid-19" vừa được Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, phối hợp với ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid), Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội, và Viện Kinh tế và Công nghệ Y tế thực hiện đã đưa ra các con số chứng minh sự thật "ai cũng biết": "Nhân viên y tế đang lao lực đến kiệt sức nhưng đãi ngộ lại không tương xứng".
Nhân viên y tế được hỏi trong nghiên cứu đa số có độ tuổi từ 26-35 (chiếm 61%), nữ (57,4%), Đại học trở lên (78,6%), sống ở thành thị (59,2%), có con dưới 13 tuổi (52,4%).
Nơi công tác cũng rất đa dạng: bệnh viện đa khoa (43,2%), trung tâm y tế (20,1%), bệnh viện chuyên khoa (13,5%) và các bệnh viện khác. 53,9% người được hỏi là bác sĩ, 21,4% là điều dưỡng và những người khác.
Theo nghiên cứu, có gần 4% nhân viên y tế muốn nghỉ việc; hơn 59,7% nhân viên có kế hoạch duy trì công việc (không chắc chắn) và chỉ có hơn 36,6% nhân viên chắc chắn duy trì công việc.
72,5% nhân viên y tế được hỏi tham gia vào các hoạt động liên quan đến Covid-19 (khám bệnh, thu dung, điều trị, lấy mẫu xét nghiệm, tuyên truyền…). Người ít cũng từ 1-3 tháng, người nhiều đã trên 18 tháng.
Nghiên cứu cũng cho biết, lương bình quân năm 2020 của nhân viên y tế là 7,36 triệu đồng (trong khi giá sinh hoạt bình quân ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh lần lượt là 10 triệu và 11 triệu đồng).
53% trong số họ tiếp xúc với Covid hàng ngày; 35,6% nguy cơ nhiễm Covid-19 cao và rất cao.
Trong nghiên cứu, gần 60% nhân viên y tế được hỏi đã phải cáng đáng khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng lên đáng kể. Mặc dù vậy, hơn 1/3 nhân viên y tế cho biết lương, thưởng và phụ cấp của họ đã bị giảm.
Đáng chú ý là hơn 62% nhân viên tham gia chống dịch được khảo sát đến nay chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào.
PGS.TS. Trần Xuân Bách, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế Y tế, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, theo nghiên cứu có đến 80,9% nhân viên y tế nhận thấy họ có thể chi trả 1 phần hoặc không thể chi trả các chi phí sinh hoạt. Trong đó chỉ có 19,1% có thể chi trả hoàn toàn, 60% chi trả 1 phần và 20,9% không thể chi trả.,
Gần 60% nhân viên y tế (57,5% tuyến cơ sở, 59,9% tuyến tỉnh, 56,9% tuyến trung ương) có thu nhập từ công việc từ 5-10 triệu đồng/tháng. Thu nhập từ 10-20 triệu đồng/tháng tương ứng 6,9%, 13,3% và 23,4%. Do đó, để đủ sống, đại đa số các nhân viên y tế phải trông chờ vào các nguồn khác (làm thêm, gia đình hỗ trợ, đầu tư...).
"Lương là lý do chính để nhân viên y tế công chuyển sang khu vực tư nhân", PGS Bách nhấn mạnh.
"Lương không đủ sống thì chúng tôi phải đi làm ngoài, cũng sẽ không thể gắn bó hết mình với nơi làm việc. Nếu có nơi đãi ngộ tốt hơn chào mời thì chúng tôi sẽ phải cân nhắc.
Với chế độ lương bổng như hiện nay, các bác sĩ học 6 năm Đại học, ra trường tiếp tục học, cả 10 năm mới thạo nghề mà khởi điểm lương cũng chỉ 3-4 triệu đồng/tháng theo mức lương cơ bản thì không tương xứng với trí lực họ bỏ ra", một bác sĩ chia sẻ.
Vị bác sĩ này cho biết, anh đang công tác ở bệnh viện Trung ương ở Hà Nội nhưng dịch Covid-19, thu nhập cũng giảm xuống còn dưới 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, bệnh viện tư lại đang chào mời anh với mức lương hơn 30 triệu đồng/tháng và hứa hẹn mức thưởng rất cao vào cuối năm.
Anh đang rất phân vân: "Dù tiếc nơi làm việc mà mình đã cống hiến nhưng ở nhà còn 2 đứa con ăn học, 4 bố mẹ già phải chăm sóc.... Ở Hà Nội nay, lương 10 triệu tiêu cho bản thân cũng còn phải dè dặt. Nên tôi đang cân nhắc..."
Lương thấp còn bị cắt giảm do Covid-19, nhân viên y tế phải đi bán rau, bán hoa quả
Vào thời điểm tháng 11 về trước, chị Lê Thanh Huyền (điều dưỡng của khoa Phụ Sản. Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội) đã phải đi bán hoa quả để kiếm thêm thu nhập. Bệnh viện Tuệ Tĩnh tự chủ, thu nhập dựa vào bệnh nhân đến khám.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 nên bệnh nhân không đến, bệnh viện nợ lương nhân viên y tế, khiến thu nhập vốn ít ỏi của các chị càng ít ỏi hơn.
Chị Huyền cho biết, hiện chị được lấy 50% lương, cùng chỉ hơn 2,3 triệu/tháng. Dịch Covid-19, chồng chị không có việc làm, 2 người con đang tuổi ăn tuổi học. Cực chẳng đã chị phải ra đường bán hoa quả.
Câu chuyện của chị Huyền cũng là nỗi niềm của hàng trăm nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Chị Đặng Thị Thu Hiền (36 tuổi, công tác tại Khoa Nội, Bệnh viện Tuệ Tĩnh) đã làm việc 12 năm, lương tháng là 6,6 triệu. Hiện chị cũng chỉ nhận 50% lương, còn 3,3 triệu/tháng.
Có thể thấy, cho dù có bị cắt giảm lương do dịch Covid-19 hay không thì lương của nhân viên y tế cũng quá thấp, chi phí cho bản thân còn không đủ 1 phần, đừng nói nuôi con ăn học và tích lũy khi tai nạn, ốm đau.
Và khi dịch Covid-19 bùng phát tại Hà Nội, nhân viên y tế lại lao vào nơi gian khổ, vất vả, nguy hiểm nhất...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.