Nhân viên y tế công nghỉ việc giữa dịch Covid-19 - Kỳ 4: Cần chính sách để giữ "tâm", giữ "sức"

Diệu Linh - Gia Khiêm Chủ nhật, ngày 26/12/2021 06:20 AM (GMT+7)
Hàng nghìn nhân viên y tế nghỉ việc giữa dịch Covid-19 là báo động đỏ về sự lao lực, kiệt sức của đội ngũ thầy thuốc. Đãi ngộ ra sao, chăm sóc thể nào để giữ "tâm", giữ "sức" nhân viên y tế là một bài toán cần được xem xét nghiêm túc.
Bình luận 0

Nhân viên y tế công nghỉ việc, thiếu người càng thiếu hơn

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội, nguyên Giám đốc Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, vài tháng trở lại đây đã xảy ra tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc rất nhiều, đặc biệt là cán bộ y tế cơ sở.

GS Trí cảm thấy lo lắng khi dịch Covid-19 vẫn đang căng thẳng, cần nhân viên y tế. Vốn cán bộ y tế ở các TP lớn, nhất là y tế cơ sở đã thiếu rồi mà chống dịch lại càng cần nhiều nhân viên y tế. Nếu nhân viên y tế nghỉ việc nhiều thì càng thiếu người chống dịch.

Nhận định về nguyên nhân nhân viên y tế nghỉ việc nhiều, GS Trí cho biết, ngành y là ngành chịu nhiều áp lực, lương bổng lại thấp nên nhiều người kiệt sức, stress, cuộc sống khó khăn, đi tìm việc khác thanh thản mà thu nhập đủ sống.

 "Tôi được biết, đa số nhân viên y tế không phải làm 8 tiếng mà 10 tiếng, 12 tiếng mỗi ngày. Cá biệt có bác sĩ làm 20 tiếng mỗi ngày, vô cùng mệt mỏi", GS Trí cho biết.

Nhân viên y tế công nghỉ việc giữa dịch Covid-19 kỳ IV: Cần chính sách để giữ "tâm", giữ "sức" - Ảnh 1.

Một giấc ngủ của nhân viên y tế giữa mùa dịch (Nhân viên y tế dù quá mệt cũng chỉ dám chợp mặt một chút, bảo hộ vẫn phải mặc ở tâm dịch Bắc Giang. Ảnh BYT).

Về việc gần 1.000 nhân viên y tế công nghỉ việc trong 10 tháng năm 2021, gấp đôi năm 2020, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM phải thốt lên: "Nhân viên y tế kiệt sức, gần 8 tháng chưa được nghỉ ngơi ngày nào nhưng nhận được mức thu nhập quá thấp, đây là lý do khiến nhiều nhân viên y tế nghỉ việc".

Theo ông Thượng, TP.HCM hiện có 20 bác sĩ/1 vạn dân, cao gấp đôi số bác sĩ trung bình trên cả nước. Tuy nhiên, so với các nước khác trong khu vực, số bác sĩ của họ dao động từ 36-62 bác sĩ/vạn dân thì còn thiếu nhiều.

Hơn nữa, các bác sĩ chỉ tập trung ở các bệnh viện lớn, khu vực nội thành, còn các y tế cơ sở rất thiếu. Theo ông Thượng, ở cấp cơ sở, TP.HCM lại chỉ có 2,3 bác sĩ/vạn dân, thấp nhất cả nước.

Nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt dẫn đến việc TP đã thiếu nhân viên y tế, chống dịch Covid-19 việc nhiều gấp 3, nay gánh nặng càng đổ ập lên những người còn lại.

Nhân viên y tế công nghỉ việc giữa dịch Covid-19 kỳ IV: Cần chính sách để giữ "tâm", giữ "sức" - Ảnh 2.

"Chiến trường" khốc liệt mà nhiều nhân viên y tế phải "chiến đấu" ròng rã cả tháng trời, áp lực không phải ai cũng chịu được (Bên trong Bệnh viện dã chiến Củ Chi TP.HCM. Ảnh BYT).

Thời gian qua, khi dịch bùng phát mạnh, nhiều tỉnh thiếu nhân viên y tế trầm trọng. Hậu quả là bệnh nhân thiếu người chăm sóc, điều trị, tỷ lệ tử vong tăng, dịch lan rộng vì không có người đi lấy mẫu, xét nghiêm, thu dung bệnh nhân...

Đồng nghiệp của tôi chỉ tạm thời nghỉ ngơi

"Thực tế việc dịch chuyển công việc ở nhân viên y tế là thường xuyên, kể cả trước thời điểm có dịch Covid-19.

Với nhân viên y tế dù làm việc ở môi trường nào thì mục đích cuối cùng vẫn là phục vụ người bệnh.

Lý do nghỉ việc không hẳn là do thu nhập giảm mà áp lực công việc kéo dài, vượt qua sức chịu đựng thì họ cần được nghỉ ngơi.

Tôi nghĩ các đồng nghiệp của tôi có thể chỉ nghỉ việc tạm thời và một vài tháng sau đó họ sẽ quay trở lại công việc".

PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực (Đại học Y Hà Nội), đang tham gia điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19

Bộ Y tế đã phải huy động hơn 20.000 nhân viên y tế, giảng viên, sinh viên ngành y vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam để chi viện trên toàn mặt trận điều trị, xét nghiệm, dự phòng... 

Đến nay, khi dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp, Bộ Y tế lại tiếp tục điều động các bệnh viện Trung ương ở miền Bắc vào Nam tham gia điều trị, giảm tử vong...

Cần một chính sách tổng thể để hạn chế nhân viên y tế công nghỉ việc

Kiến nghị về các giải pháp giữ chân nhân viên y tế, GS Trí cho rằng, Bộ Y tế cần đứng ra xây dựng chính sách tổng thể để nhân viên y tế yên tâm, đủ sức công tác, đặc biệt là chính sách phù hợp với hoàn cảnh chống dịch như hiện nay.

"Bộ Y tế phải gấp rút đề xuất một cái chính sách phù hợp với tình hình chống dịch. Đây không phải là "đãi ngộ" mà là sự công bằng về tiền lương. Người ta làm việc 8 tiếng khác mà làm 12 tiếng, 20 tiếng phải khác. 

Trước trực 1 tuần 1-2 buổi khác, mà nay gần như đêm nào cũng phải trực thì khác. Chính sách bao gồm nhiều thứ: lương, chế độ trực, chế độ phụ cấp, chế độ độc hại rồi chính sách bồi dưỡng, nâng cao...", GS Trí nhấn mạnh.

Để bớt gánh nặng cho nhân viên y tế trong dịch Covid-19, GS Trí cũng cho rằng cần phải có sự chung tay của các ngành, nhất là người dân. Người dân phải chia sẻ, thông cảm, đồng lòng với cán bộ y tế, cùng nhau chống dịch hiệu quả. Điều này sẽ giảm áp lực về tâm lý, san sẻ bớt gánh nặng công việc rất nhiều cho nhân viên y tế.

Nhân viên y tế công nghỉ việc giữa dịch Covid-19 kỳ IV: Cần chính sách để giữ "tâm", giữ "sức" - Ảnh 4.

Không chỉ điều trị, nhân viên y tế còn là người chăm sóc, thay giặt, cho ăn, tư vấn tâm lý và... tổng đài kết nối bệnh nhân với người thân (Các bác sĩ BV Bạch Mai giúp bệnh nhân gọi điện cho người thân tại Trung tâm Hồi sức TP.HCM. Ảnh BVCC).

PGS.TS Trần Xuân Bách, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế Y tế, Trưởng nhóm nghiên cứu "Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu trong Covid-19" cũng chỉ ra rằng: Thu nhập cao từ các nguồn khác và sự kỳ thị Covid-19 đã khiến nhân viên y tế có mong muốn nghỉ việc cao hơn.

"Tôi sẽ kiến nghị về các chính sách cho nhân viên y tế chống dịch trong kỳ họp Quốc hội sắp tới".

GS Nguyễn Anh Trí

Do đó, nếu như Chính phủ, Bộ Y tế có các chính sách phù hợp, làm tăng niềm tin vào ngành y, vào nơi họ làm việc, cũng như giúp họ sống được bằng nghề thì chắc chắn sẽ làm giảm ý định nghỉ việc, chuyển công tác của họ.

 "Chúng tôi khuyến nghị, cần phải có sự cải cách tiền lương cho nhân viên y tế, không thể "cào bằng" lương nhân viên y tế với mức lương cơ sở như hiện nay. 

Họ học lâu hơn, làm việc nhiều hơn, nhiều áp lực, độc hại hơn nhưng lương lại bị "cào bằng" như mọi ngành nghề thì quá thiệt thòi.

Ngoài ra, cần cung cấp hỗ trợ tài chính và sự ghi nhận cho nhân viên y tế tuyến đầu, tăng khả năng đáp ứng và tính bền vững của công tác phòng chống dịch bệnh.

Sử dụng công nghệ và số hóa trong chăm sóc sức khỏe, cung cấp 'gói' hỗ trợ toàn diện, đảm bảo cung cấp đủ thiết bị và phương tiện để bảo vệ nhân viên y tế", PGS Bách nhấn mạnh.

Nhân viên y tế công nghỉ việc giữa dịch Covid-19 kỳ IV: Cần chính sách để giữ "tâm", giữ "sức" - Ảnh 6.

Với các nhân viên y tế, cuộc chiến Covid-19 vẫn còn tiếp diễn (Nhân viên y tế thực hiện tiêm chủng vaccine Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh HCDC).

GS Trí cũng đề nghị đào tạo kiến thức chống dịch cho nhân viên y tế mọi chuyên khoa để đảm bảo mọi cán bộ y tế đều có thể tham gia chống dịch. Cụ thể như dù được đào tạo chuyên sâu chuyên ngành gì thì nhân viên y tế cũng phải biết chữa bệnh hô hấp dù, biết cấp cứu, hồi sức... Việc này không khó vì nhân viên y tế đều được đào tạo kiến thức nền, chỉ cần bổ sung thêm.

"Quan trọng là phải chú trọng đào tạo nhân viên y tế cơ sở, những người làm ở xã, ở phường. Họ chính là những người trực tiếp tham gia chống dịch", GS Trí nhấn mạnh. 

Kiến nghị tăng lương mạnh cho nhân viên y tế

Ngành y tế TP.HCM vừa có đề án gửi Thường trực UBND TP về các cơ chế chính sách củng cố, nâng cao năng lực y tế cơ sở và giữ chân nhân viên y tế.

Cụ thể, Sở Y tế kiến nghị chính sách trước mắt hỗ trợ về lương, bác sĩ sẽ nhận thêm khoản bằng 1,5 lương tối thiểu vùng, còn điều dưỡng nhận thêm 1 lần lương tối thiểu vùng.

Để giữ chân nhân viên y tế cơ sở, Sở Y tế đã đề xuất hỗ trợ cho bác sĩ tại trạm y tế là 5 triệu đồng/tháng, trình độ đại học, y sĩ hỗ trợ 4 triệu đồng/tháng và trình độ cao đẳng 3 triệu đồng/tháng (trước đây chỉ hỗ trợ ở mức thấp từ 400.000-1 triệu đồng/tháng).

Ngành y tế đề xuất phân bổ bác sỹ mới tốt nghiệp về trạm y tế thực hành 12 tháng, 6 tháng thực hành ở bệnh viện.

Lực lượng nhân viên y tế nghỉ hưu, y tế tư nhân, tỉnh nguyện viên tham gia chống dịch sẽ được hưởng mức hỗ trợ từ 1 đến 2 lần mức lương tối thiểu vùng, áp dụng theo quy định tại từng thời điểm, từng đối tượng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem