Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trường quản lý nhưng không được tự quyết?
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, việc quản lý cây xanh trên đường phố trước đây thuộc phòng quản lý công viên cây xanh - Sở Giao thông - Vận tải, sau này chuyển giao về Sở Xây dựng. Hệ thống cây xanh trên đường phố sẽ được đánh số thứ tự và đấu thầu chăm sóc, cắt tỉa, đốn hạ.
Còn đối với cây xanh trong khuôn viên trường học, bệnh viện (được các đơn vị trồng khi xây dựng các cơ sở này) thì do phía đơn vị quản lý có trách nhiệm chăm sóc. Nếu có nhu cầu, các trường học, bệnh viện có thể liên hệ với các công ty công ích quận - huyện, công ty công viên cây xanh để thuê các đơn vị trên chăm sóc.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số trường học, quy định như vậy chưa thật sự thỏa đáng. Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) đặt vấn đề: "Những cây cổ thụ quý có giá trị kinh tế hơn hẳn các cây phượng, cây bàng trong khuôn viên, phải chăng chỉ thuộc quản lý của trường? Trong trường hợp hội đồng trường thông qua, thì trường có được đốn hạ cây để lấy khoảng không xây dựng phòng học hoặc bán cây đem tiền về cho trường hay không?".
Ông Phú cho biết, hiện trường ông có 11 cây gỗ cổ thụ. Trong đó, 1 cây thuộc phần đất của nhà trường nhưng cũng được đánh số quản lý. Các cây mỗi khi muốn cắt cành, tỉa cây đều phải mời đơn vị chuyên môn vào khảo sát rồi nhận quyết toán với chi phí khoảng 2 triệu một cây.
Theo ông Phú, các cơ quan chức năng, trong đó có Sở Xây dựng, nên quy định cụ thể trách nhiệm của từng bên với việc quản lý cây xanh trong trường, đặc biệt là những cây cổ thụ, chứ không chỉ giao cho trường. Nếu nói trường quản lý, thì cần nêu rõ quản lý ở mức độ nào, bón phân, tưới cây hằng ngày có được xem là có quản lý hay không?
Tại cuộc họp báo ngày 26/5, ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM - cho biết: Những vấn đề chuyên môn kỹ thuật như trồng cây, đốn cây an toàn trong nhà trường thì trường không thể tự quyết định. Chẳng hạn khi trường xây mới, các cây được phép trồng sẽ nằm trong quy định của giấy phép xây dựng phê duyệt. Các cây lớn tuổi khi đốn đi đều phải xin phép chứ hiệu trưởng không được quyền tự quyết.
Đại diện Sở Xây dựng cho biết, việc đốn hạ thì đây là tài sản của trường học, bệnh viện nên lãnh đạo các nơi này sẽ tự quyền quyết định, nhưng phải thông qua Sở Xây dựng, cụ thể là Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM. Công tác trên cần thuê các đơn vị chuyên nghiệp thực hiện để tránh các sự cố, tai nạn lao động.
Rà soát lại toàn bộ hệ thống cây xanh
Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật và Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh yêu cầu các đơn vị rà soát, kiểm tra tình trạng sinh trưởng, phát triển của toàn bộ các cây xanh đang được phân cấp quản lý, kể cả cây xanh nằm trong các khu vực công cộng của địa phương như cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện...
Sở Xây dựng cũng đề nghị quận, huyện tập trung kiểm tra kỹ rễ, thân, cành, tán lá để phát hiện, xử lý kịp thời các cây xanh già cỗi, mục ruỗng có nguy cơ ngã đổ.
Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật phối hợp với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh tích cực hỗ trợ UBND các quận, huyện trong việc kiểm tra, đảm bảo an toàn về cây xanh do địa phương quản lý; lập danh sách trong đó có cụ thể tên, số điện thoại của các cá nhân, đơn vị phụ trách theo từng địa bàn để có văn bản thông báo đến địa phương nhằm cùng phối hợp kiểm tra, giải quyết các sự cố khi cần thiết.
Khi quận, huyện cần trợ giúp có thể liên hệ số điện thoại 028.39291470 (Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật) và 028.38236565 (Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh) để được hỗ trợ.
Sở GDĐT TP.HCM cũng có văn bản khẩn về việc tăng cường đảm bảo an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh.
Theo đó, Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục kiểm tra, cắt tỉa cành, chăm sóc cây xanh, xử lý thông thoáng hệ thống thoát nước, chống dột trong khuôn viên nhà trường; kiểm tra và đảm bảo an toàn hệ thống điện tại các phòng học, phòng chức năng, phòng thí nghiệm, phòng thực hành...
Sở cũng đề nghị Ban giám hiệu các trường học cần chủ động, kịp thời có phương án ứng phó trước hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai bão, lũ lụt... nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên; phối hợp với chính quyền, tổ chức đoàn thể địa phương tổ chức hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh, các lớp học bơi, học kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước trong thời gian nghỉ hè...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.