Nhập tịch cầu thủ và chuyện ở Asian Cup

Thứ hai, ngày 29/01/2024 16:30 PM (GMT+7)
Asian Cup 2024 đang tiến hành vòng đấu loại trực tiếp và người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng như khu vực đã và cùng dõi theo từng bước đi của 2 đội tuyển khu vực vượt qua vòng bảng là Thái Lan và Indonesia.
Bình luận 0

ĐT Indonesia đã đối đầu với đội bóng hàng đầu châu lục là ĐT Australia và nhận thất bại với tỷ số đậm đà 0-4 vào ngày 28/1. Trong khi đó, ĐT Thái Lan sẽ có cuộc đọ sức đáng chú ý với ĐT Uzbekistan vào ngày 30/1. Với thực lực hiện tại, rất có thể đội bóng hàng đầu Đông Nam Á sẽ gây ra cú sốc lớn trước đội bóng Trung Á, như cách ĐT Tajikistan giành được trước đội Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) sau loạt đá luân lưu (5-3).

Nhập tịch cầu thủ và chuyện ở Asian Cup- Ảnh 1.

Cầu thủ Asnawi Mangkualam dễ dàng đánh lừa thủ thành Nguyễn Filip để mở tỷ số của trận đấu trong trận ĐT Việt Nam gặp Indonesia. Ảnh: Thụy An

Trong khi chờ thời gian và những diễn biến trên sân cỏ trả lời thì giới chuyên môn và người hâm mộ hướng về câu chuyện nhập tịch cầu thủ của các đội bóng khu vực và những điều có thể bàn luận ngay lúc này. Ngay sau trận thua được dự báo trước với Australia, ông Shin Tae-yong của ĐT Indonesia có nói một ý rất đáng quan tâm, rằng “Không phải bóng đá Việt Nam đang yếu đi, mà là Indonesia đang phát triển tốt hơn. Chắc chắn bóng đá khu vực sẽ quan tâm đến nhập tịch cầu thủ để phát triển…”.

Đúng vậy, việc ĐT Indonesia “lột xác” trong trận đấu với ĐT Việt Nam là bởi sự có mặt của lần lượt 7 cầu thủ nhập tịch và các cầu thủ này đã giúp cho hàng thủ Indonesia vững vàng trong mọi tình huống, tuyến giữa đủ sức khiến cho đối thủ “ngợp” dẫn đến không theo kịp các tình huống… Sự áp đặt về thể hình, thể lực của đối thủ khiến cho Đội tuyển Việt Nam với nhiều nhân tố trẻ đã bị chia cắt, bị dồn ép và đánh mất những khả năng vốn có, dẫn tới phạm lỗi đáng tiếc và thua trận.

Trong trận đấu với Australia, các cầu thủ nhập tịch Indonesia cũng không tỏ ra nao núng trong các tình huống phòng ngự hay tấn công. Họ có nhiều cơ hội qua người, phối hợp đưa bóng đến vòng cấm đối thủ nhưng nói chung để làm được một điều gì đó thực sự thì không thể. Bởi đối thủ biết cách tung ra những cú đòn chính xác, đúng thời điểm, nhất là khi Indonesia xuống sức, không thể theo kèm.

2 bàn thắng trong mỗi hiệp đấu, trong đó có 3 bàn vào cuối mỗi hiệp cho thấy sự già giơ của Australia và để thấy, dù có số đông cầu thủ nhập tịch, hiện đang sinh sống và thi đấu ở châu Âu, nhưng họ thực sự chỉ là niềm hy vọng ban đầu, chưa thể tính chuyện đi xa, vươn tầm như mong đợi…

Như vậy, vượt qua để tiến vào vòng 16 đội lần đầu tiên trong lịch sử, ĐT Indonesia dù “nổ vang trời” nhưng vẫn không thể vượt qua được “mốc” ĐT Việt Nam trong lịch sử Asian Cup khi chúng ta từng 2 lần vượt qua vòng bảng, vòng 16 đội để lọt tới tứ kết. Đến đây thì có thể thấy việc nhập tịch cầu thủ từ châu Âu là quan trọng và cần thiết, nhưng chắc chắn không phải là “cây đũa thần” để vươn ra châu lục của các nền bóng đá khu vực.

Nhập tịch cầu thủ và chuyện ở Asian Cup- Ảnh 2.

Indonesia áp sát ngay trên phần sân của ĐT Việt Nam, khiến các cầu thủ ĐT Việt Nam không có nhiều thời gian để xử lý bóng. Ảnh: Thụy An

Còn nhớ bóng đá nữ Philippine từng nhập tịch cả dàn tuyển thủ, từng bất ngờ chiến thắng trước “chị cả” Việt Nam, như cách đội nam Indonesia từng làm được mới đây tại Asian Cup 2024. Nhưng sau đó, ĐT nữ Việt Nam đã bình tĩnh, tự tin để lấy lại nhịp độ, thi đấu hợp lý trước đối thủ và cho thấy sức mạnh to lớn của sự đoàn kết, của lối chơi phù hợp, của nền tảng thể lực, kỹ chiến thuật để giành thắng lợi.

Nói cho cùng, ở Asian Cup lần này, ĐT Việt Nam thua ĐT Indonesia từ một tình huống phạm lỗi cá nhân, và chính chúng ta không ít lần khiến đối thủ co cụm, phòng ngự trong hiệp 2. Tất nhiên, chỉ một cầu thủ nhập tịch như Nguyễn Filip là tốt, nhưng không đủ. ĐT Việt Nam cần có những trung vệ nhập tịch có thể hình và thể lực tốt, cần một trung phong nhập tịch cũng như một cầu thủ tiền vệ chơi sáng tạo, biết cầm nhịp tốt.

Trong khi chờ đợi với sự thận trọng và kỹ lưỡng, ĐT Việt Nam cần sự trở lại lành lặn và phong độ cao của Ngọc Hải, Duy Mạnh, Tiến Dũng, Thành Chung, Hoàng Đức, Tiến Linh, Tuấn Hải… Nếu ông Philippe Truosier biết khai thác tiềm năng các trụ cột cũ, phát huy sức trẻ của các nhân tố mới, dù với số ít nhân sự nhập tịch như hiện nay, ĐT Việt Nam hoàn toàn không ngán ngại đối thủ nào ở khu vực.

Nói thế để khẳng định, bóng đá Việt Nam cần có những cầu thủ Việt kiều hồi hương và cống hiến cho các đội tuyển, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là phát huy, khai thác tốt các tài năng thi đấu trong và ngoài nước. Rõ ràng, ông Shin Tae-yong nói đúng về chuyện nhập tịch cầu thủ, nhưng hoàn toàn chưa đủ vì cần thời gian và nhiều điều quan trọng khác mới có thể xây dựng được một đội tuyển mạnh, đáp ứng yêu cầu khi ra biển lớn.

Rút kinh nghiệm từ những thành, bại, được và chưa được của Indonesia, đồng thời phải học cách nâng cao chất lượng của Thai League, của việc cho các tài năng ra nước ngoài thi đấu, đồng thời tạo bước đột phá riêng, chưa từng có thì mới có hy vọng đưa bóng đá Việt thực sự vươn tầm, thực sự tiệm cận trình độ châu lục như mong mỏi.


Hoa Bùi (Theo Báo Nghệ An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem