![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2017/images/2017-07-25/150094821899393-chong-ham.jpg)
Hải quân Trung Quốc ngày càng mạnh khiến Nhật Bản phải tìm cách đối phó.
Tên lửa mới là XASM-3, được mệnh danh là ''ngư lôi trên không'' có thể di chuyển với tốc độ Mach 3 (3.675 km/h), tránh các lá chắn tên lửa để đánh chìm các tàu trên mặt nước của đối phương. XASM-3 được xem là một trong số những sát thủ diệt hạm uy lực nhất hiện nay và theo đó, sẽ khiến Hải quân Trung Quốc "mất ăn mất ngủ".
Các tên lửa chống hạm truyền thống như Harpoon của Mỹ và Exocet của Pháp sử dụng động cơ tên lửa và động cơ phản lực để bay ở tốc độ cận âm. Các tên lửa này được gọi chung là "các tàu lượn biển" vì bay trên các con sóng chỉ 4,5 m. Việc bay tầm thấp như vậy có ưu điểm là nhằm giúp tên lửa đang bay tránh bị phát hiện trước khi chạm tới mục tiêu.
Tên lửa càng bay thấp, khoảng cách nó bị phát hiện (trước khi chạm đến mục tiêu" càng ngắn. Một radar cách mặt đất 18m có thể phát hiện được một tên lửa "lượn biển" đang bay ở độ cao 9m ở khoảng cách 30 km (trước khi tên lửa chạm mục tiêu). Chẳng hạn, một tên lửa Harpoon bay ở độ cao 10 m, lá chắn phòng không của đối phương sẽ chỉ phát hiện ra nó vào khoảng 2 phút cuối của chuyến bay. Như vậy đối phương sẽ có ít thời gian để đối phó.
Các "tàu lượn biển" vẫn được sử dụng ở phương Tây cho tới gần đây. Mặc dù các công nghệ mới đã được phát triển như tên lửa P-270 Moskit của Liên Xô nhưng Chiến tranh Lạnh đã kết thúc trước khi Mỹ, NATO và các nước đồng minh bắt tay vào chạy đua công nghệ.
Từ những năm 1990, sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh đã khiến các chương trình phát triển tên lửa ngừng lại. Điều đó có nghĩa là các mẫu tên lửa cũ như Harpoon vẫn được sử dụng rộng rãi mà không cần thay thế.
Tuy nhiên, có một nước vẫn tập trung vào chiến tranh hải quân. Đó là Nhật Bản. Đó là bởi đối thủ láng giềng và là kẻ thù truyền thống của họ là Trung Quốc đã nhanh chóng tăng cường chất lượng và số lượng của Hải quân khi Bắc Kinh đẩy mạnh xây dựng các tàu khu trục và tàu sân bay cũng như tàu đổ bộ cỡ lớn đồng thời ra sức thành lập một hạm đội tác chiến tàu sân bay.
Từ một lực lượng Hải quân chỉ có thể hoạt động ở các vùng biển trong khu vực, tương đối gần nhà, Hải quân Trung Quốc hiện đã có thể hoạt động đầy đủ ở các vùng biển xa, vươn tới tận Ấn Độ Dương hay Biển Baltic. Hiện Hải quân Trung Quốc được xem là vượt mặt Lực lượng Tự vệ Biển của Nhật Bản về cả số lượng tàu lẫn trọng tải tàu.
Được phát triển từ giữa những năm 2000, tên lửa chống hạm mới XASM-3 hứa hẹn sẽ giúp Lực lượng Tự vệ Biển của Nhật Bản cân bằng sức mạnh với Hải quân Trung Quốc. Tương tự như Moskit, XASM-3 được trang bị động cơ phản lực và có tốc độ cực đại vượt quá Mach 3. Như các tên lửa chống hạm trước nó, XASM-3 cũng bay ngay trên các đỉnh sóng và có lớp vỏ được thiết kế đặc biệt để tăng cường khả năng tàng hình. Sự kết hợp trên của XASM-3 khiến bất cứ con tàu nào không may sẽ phải nhận "án tử" chỉ 30 giây kể trước khi tên lửa chạm mục tiêu.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2017/images/2017-07-25/150094821865729-sat-thu.jpg)
XASM-3 hứa hẹn sẽ giúp Nhật Bản cân bằng sức mạnh Hải quân với Trung Quốc.
XASM-3 dài 5m, nặng 907 kg, bay được 148 km nhỏ hơn tên lửa Tomahawk và tên lửa đánh chặn phòng không SM-6 của Hải quân Mỹ, còn có khả năng chống gây nhiễu điện tử tương đối mạnh, chính vì thế khả năng sống sót của nó trong chiến trường đã được nâng cao lên rất nhiều. Nhật Bản dự kiến bắt đầu sản xuất hàng loạt XASM-3 vào năm tới 2018. Nhật Bản mới đây đã tuyên bố trang bị XASM-3 cho tiêm kích F-2.
Việc XASM-3 kết hợp với tiêm kích F-2 được coi là vô cùng nguy hiểm cho bất cứ tàu chiến này lọt vào tầm ngắm của chúng. F-2 thuộc loại tiêm kích chiến đấu đa năng 1 động cơ, được đánh giá là nhỉnh hơn cả F-16. Điểm yếu duy nhất của loại tiêm kích này là giá thành quá cao lên tới hơn 100 triệu USD một chiếc. Ngoài trang bị cho F-2, XASM-3 còn được trang bị cho máy bay diệt ngầm P-1 và F-35.
Ngoài ra, Lực lượng Tự vệ Biển Nhật Bản cũng đang phát triển XSSM. Tên lửa mới này sẽ được trang bị cho các tàu chiến Nhật Bản và phù hợp với hệ thống phóng thẳng đừng Mark 41. Việc này sẽ cải tiến khả năng chống hạm đáng kể cho Lực lượng Tự vệ Biển Nhật Bản.
Theo đó, việc phát triển các tên lửa chống hạm tối tân hơn sẽ giúp Nhật cân bằng sức mạnh hải quân với Trung Quốc mà không cần phải đóng thêm tàu mới. Khả năng đáng sợ của XASM-3/XSSM dội xô nước đá vào bất cứ khái niệm nào cho rằng, Nhật Bản có thể bị đe dọa hoặc bị đánh bại trên biển vì cách duy nhất để thoát khỏi những tên lửa này đơn giản là tránh gây chiến tranh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.