Nhật Bản lại dọa bắn hạ tên lửa Triều Tiên

Thứ bảy, ngày 31/03/2012 06:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sáng 30.3, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã ra lệnh cho Lực lượng Phòng vệ (SDF) nước này đánh chặn tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Bình luận 0

Sáng 30.3, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã ra lệnh cho Lực lượng Phòng vệ (SDF) nước này đánh chặn tên lửa của CHDCND Triều Tiên, trong trường hợp các mảnh vỡ của tên lửa trong quá trình phóng vệ tinh rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản.

Mệnh lệnh trên được Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Naoki Tanaka đưa ra sau khi ông cùng với nhiều bộ trưởng khác trong Nội các của Thủ tướng Yoshihiko Noda nhất trí về chủ trương này tại một cuộc họp của Hội đồng An ninh Nhật Bản do Thủ tướng Noda chủ trì.

img
Một khẩu đội tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3 tại thủ đô Tokyo. Reuters

Theo Hãng thông tấn Kyodo, với mệnh lệnh trên của Bộ trưởng Tanaka, hệ thống phòng thủ tên lửa của SDF được triển khai sẵn sàng bắn hạ tên lửa của Triều Tiên. SDF cũng sẽ triển khai lực lượng cứu hộ được huấn luyện xử lý thảm họa đến các khu vực mà Nhật Bản cho rằng tên lửa của Triều Tiên có thể bay qua.

Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc dẫn một nguồn tin của Chính phủ nước này ngày 30.3 khẳng định, Triều Tiên đã phóng thử 2 tên lửa tầm ngắn hôm 29.3. Các tên lửa này có tầm bắn khoảng 120km, đã được phóng từ bờ biển phía Tây của Triều Tiên hướng ra biển Hoàng Hải.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã chỉ thị cho SDF chuẩn bị đối phó với vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng vào tháng 4 tới. Theo đó, SDF bắt đầu chuẩn bị triển khai các khẩu đội tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3 tại khu vực thủ đô Tokyo và các tỉnh phía Nam Nhật Bản như Okinawa và Ishigaki.

Các tàu khu trục Aegis trang bị tên lửa đánh chặn SM-3 cũng được triển khai ngoài khơi các tỉnh vùng Tây Nam Nhật Bản. Các đơn vị cứu hộ của Lực lượng Phòng vệ mặt đất (GSDF) sẽ được triển khai tại khu vực chuỗi đảo Sakishima ở tỉnh Okinawa.

Những động thái cứng rắn của Tokyo được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện thông tin Triều Tiên đã bắt đầu nạp nhiên liệu vào tên lửa để thực hiện vụ phóng vệ tinh và vụ phóng sẽ diễn ra sớm hơn dự kiến, có thể vào ngày 12 hoặc 13.4.

Bất chấp chỉ trích của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cho rằng vụ phóng vệ tinh này của Triều Tiên thực chất là một vụ thử tên lửa tầm xa và vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc, Bình Nhưỡng tuyên bố không từ bỏ kế hoạch phóng vệ tinh vì mục đích khoa học, nhấn mạnh đây là quyền hợp pháp của một nước có chủ quyền.

Theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA, vệ tinh Quang Kwangmyongsong-3 là vệ tinh thu thập dữ liệu khí tượng địa tĩnh tiên tiến, sẽ vô cùng hữu ích đối với việc dự báo thời tiết phục vụ nông nghiệp và các lĩnh vực kinh tế khác.

Một quan chức phụ trách chương trình phát triển không gian của Triều Tiên cho biết, nước này sẽ cho mời các chuyên gia và nhà báo nước ngoài tới quan sát tại hiện trường để kiểm chứng "bản chất dân sự" của vụ phóng vệ tinh này.

Trả lời phỏng vấn của KCNA, đại diện Ủy ban Công nghệ không gian vũ trụ Triều Tiên cho biết, vệ tinh Gwangmyongsong-3 nặng 100kg, chuyển động theo quỹ đạo Mặt trời tại độ cao 500km và tuổi thọ của vệ tinh là 2 năm. Các chuyên gia khoa học phân tích, vệ tinh Gwangmyongsong-3 chỉ là vệ tinh thí nghiệm, vì vệ tinh ứng dụng phải nặng hơn 500kg và tuổi thọ thiết kế hơn 5 năm. Một số chuyên gia phương Tây cho rằng, vệ tinh nhẹ không cần phải sử dụng hệ thống phóng tên lửa riêng và mục đích của Bình Nhưỡng đã rất rõ ràng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem