Quyết định được đưa ra trong bối cảnh chính phủ nước này đang gặp khó khăn trong việc đưa ra thiết kế cho máy bay. Không chỉ có vậy, để đối phó với mối đe dọa quân sự ngày càng lớn từ Triều Tiên cũng như các hoạt động của không quân Trung Quốc tại biển Hoa Đông, Nhật Bản cũng cần nhanh chóng cải thiện khả năng phòng thủ của mình, dẫn tới việc chi tiêu ồ ạt cho các hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo và máy bay tàng hình F-35 của Mỹ.
Dẫu biết Tokyo đang trong tình thế cấp thiết và cần các khí tài để phòng thủ, tuy nhiên, sự trì hoãn trong việc phát triển máy bay chiến đấu F-3 đang làm dấy lên câu hỏi về tương lai của hợp đồng quân sự “béo bở” nhất thế giới, trị giá hơn 40 tỷ USD (bao gồm việc phát triển và triển khai) này.
Máy bay chiến đấu F-2 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Hiện tại, để kịp đưa chương trình F-3 thành trọng tâm trong kế hoạch chi tiêu quốc phòng sẽ được công bố vào cuối năm 2018 (và sẽ được triển khai vào tháng 4/2019), chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe cần phải đưa ra quyết định chậm nhất là trong nửa đầu năm sau.
“Quyết định cuối cùng về chương trình F-3 sẽ bị hoãn”, 1 nguồn tin của Reuters cho biết. Nguồn tin này cũng tiết lộ rằng sau năm 2018, chính phủ Nhật bản có thể sẽ đưa ra lựa chọn về việc tự mình phát triển F-3 hoặc hợp tác với các đối tác quốc tế.
Khó khăn
Tới thời điểm hiện tại, các nhà phân tích ước tính chi phí phát triển F-3 sẽ tiêu tốn 40 tỷ USD. Thậm chí, một số nguồn tin còn khẳng định đây mới chỉ là “màn dạo đầu” của chương trình tỷ đô này. Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản hiện nay vào khoảng 50 tỷ USD và đang tăng dưới 1%/năm trong vài năm qua. Với chi phí khổng lồ như vậy, dự án F-3 dù có trải dài vài năm cũng sẽ là 1 gánh nặng lớn cho ngân sách của nước này.
Trong khi đó, để đối phó với các mối đe dọa đến từ Triều Tiên và Trung Quốc, xứ sở hoa anh đào đã phải gấp rút mua các khí tài của Mỹ, trong đó có máy bay F-35 của Tập đoàn Lockheed Martin, tên lửa phòng thủ Raytheon và máy bay vận tải Osprey do Tập đoàn Boeing và Công ty Textron hợp tác sản xuất.
Máy bay F-35B Lighting II của Thủy quân Lục chiến Mỹ
Trước đó vào năm 2013, Nhật Bản đã chi 118 tỷ yên (khoảng 1 tỷ USD) để mua thiết bị thông qua Chương trình Bán khí tài quân sự cho nước ngoài (FMS) của chính phủ Mỹ. Ba năm sau, con số này đã tăng gấp 4 lần, lên tới 486 tỷ yên.
Trong chuyến thăm tới Tokyo, tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi thủ tướng Shinzo Abe mua thêm vũ khí của Mỹ trong bối cảnh Washington đang hối thúc các đồng minh đóng góp nhiều hơn cho việc phòng thủ chung.
Do vậy, chi phí quá lớn cũng như nhu cầu phòng thủ ngay trước mắt có lẽ là các lí do chính khiến chính phủ Nhật Bản quyết định tạm hoãn giấc mơ máy bay chiến đấu “made-in-Japan” của mình.
Trách nhiệm “kép”
Hiện tại, mối quan tâm an ninh lớn nhất của Nhật Bản là tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, nước này cũng không quên để mắt tới người hàng xóm Trung Quốc. Được biết, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, máy bay chiến đấu của Nhật Bản đã phải xuất kích 806 lần để ngăn chặn máy bay Trung Quốc. Do đó, đảm bảo an ninh hạt nhân, kiềm chế hoạt động của không quân Trung quốc tại biển Hoa Đông và phía tây Thái Bình Dương sẽ là nhiệm vụ đầu tiên mà F-3 sẽ phải gánh vác.
Nhiệm vụ còn lại cũng không kém quan trọng là thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của xứ sở hoa anh đào. Theo đó, đã 20 năm kể từ khi phát triển máy bay F-2, Nhật Bản vẫn chưa cho ra đời 1 chiếc máy bay chiến đấu nào cho riêng mình. Do đó, Tokyo dự định giao chương trình F-3 cho Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi (MHI) – hãng sản xuất của F-2 và cũng là cha đẻ của máy bay chiến đấu Zero lừng danh trong Thế chiến 2. Được biết, vào tháng 1/2016, Mitsubishi đã thử nghiệm 1 mẫu phi cơ có tên ATD-X với chi phí phát triển khoảng 350 triệu USD. Đây được xem như là bước đầu trong việc phát triển máy bay tàng hình nội địa.
Huyền thoại Mitsubishi A6M Zero của Nhật Bản
Dù việc tự phát triển F-3 nhận được nhiều sự ủng hộ, thế nhưng nhiều quan chức chính phủ vẫn lo ngại về khoản chi phí khổng lồ để mang về 1 chiếc máy bay 100% “made-in-Japan”. Theo những người này, hợp tác quốc tế nhằm giảm bớt chi phí cũng như khai thác công nghệ mới từ các đối tác là 1 lựa chọn hợp lý hơn nhiều so với việc tự mày mò.
“Tất cả những gì mà chúng ta có bây giờ 1 chiếc hộp biết bay”, không có hệ thống vũ khí hay cảm biến nào, 1 nguồn tin cho biết.
Hiện tại, các đối tác tiềm năng cho chương trình F-3 bao gồm Tập đoàn BAE Systems của Anh - nhà thiết kế chính cho tiêm kích đánh chặn tầm cao Eurofighter, nhà sản xuất F-35 Lookheed Martin và Tập đoạn Boeing – cha đẻ của F-18. Tất cả đều đã đáp ứng cung cấp thông tin ban đầu về dự án F-3 cho Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Mai Đại (Bussiness Insider)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.