Nhật ký chiến trường của nguyên Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị

Hoài Thu Thứ ba, ngày 30/04/2019 07:25 AM (GMT+7)
"Có lúc 6 người chia nhau những quả cam non. 6 người cùng chia nhau dây rau má, gói cơm bằng nắm tay đã bị mưa rã, thiu, chua ngoét...", ông Phạm Quang Nghị viết trong nhật ký.
Bình luận 0

“Việc cho in những ghi chép, những dòng nhật ký mà phần nhiều ghi lại một cách vội vàng những cảm xúc của mình trong thời kỳ chiến tranh, với tôi, là một sự mạo hiểm” - nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chia sẻ như vậy vớiZing.vn khi nói về cuốn sách “Nơi ấy là chiến trường” mới ra mắt của ông.

Với 500 trang, cuốn sách ghi chép lại những dòng nhật ký của ông Phạm Quang Nghị trong suốt những năm tháng đi B (vào Nam chiến đấu).

Vật bất ly thân

Lật giở từng trang sách in, ông Nghị trầm ngâm bởi cho in những bài viết, những ghi chép mà phần nhiều ghi lại một cách vội vàng những cảm xúc của mình trong thời kỳ chiến tranh. Với ông, đây là một sự mạo hiểm không chỉ ở góc độ văn chương.

img

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị lật giở từng trang nhật ký ghi lại kỷ niệm trong suốt những năm ở chiến trường, nay đã được in thành sách. Ảnh: Hoài Thu.

"Tôi cũng từng nghĩ, nếu đem so với tất cả những công việc tôi đã làm trong chiến tranh như hành quân, đào hầm, bắn súng, lấy cùi, chằm lá trung quân, làm lán trại, nấu ăn trong rừng… thì việc vụng về nhất của tôi là làm thơ, viết văn”, ông tâm sự.

Ông có thói quen ghi nhật ký mỗi ngày từ khi còn học cấp 3. Đến khi đi chiến trường, “gia tài” đầu tiên ông cất vào balo là mấy cuốn sổ, vì sợ vào chiến trường bom đạn ác liệt không có giấy, bút để ghi.

Từng câu chuyện, từng kỷ niệm, từng con người đều được ông lưu giữ trong nhật ký, và giữ như vật bất ly thân, mà như ông nói, “tôi còn thì nhật ký còn”. Suốt những năm chiến tranh, từ khi lên đường đi B, chỉ trừ những khi hành quân thâu đêm, giặc càn và bom pháo quá dữ dội… còn hầu như, ngày nào ông cũng viết.

Ông cũng tâm sự lẽ ra sẽ để cho những trang nhật ký này ngủ yên trong góc tủ hoặc nằm yên đâu đó như suốt gần nửa thế kỷ qua, nhưng thời gian làm cho những cuốn sổ ghi chép, những trang nhật ký bị hư hại nặng nề. Và ông không muốn những ký ức thiêng liêng về thời kỳ lịch sử ấy mất đi, nên cách tốt nhất là in ra những trang sách, như ngày hôm nay.

Theo nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị, “Nơi ấy là chiến trường” không phải hồi ký, mà là những trang nhật ký ông viết cách nay mấy chục năm.

Từ khi ấp ủ ý định in sách đến khi cuốn sách được xuất bản chỉ vỏn vẹn nửa năm, nhưng việc khó nhất, ông nói, đó là đánh máy lại những trang nhật ký đã phai mờ, sờn rách, cùng rất nhiều chữ viết tắt. Thậm chí, có những đoạn chính tác giả phải luận rất lâu mới hiểu ra được ý nghĩa, bởi thời chiến tranh, sợ nhật ký rơi vào tay giặc nên nhiều đoạn viết phải dùng ký hiệu, viết tắt.

Và may mắn, một người có nhiều năm kinh nghiệm đọc bản thảo, đánh máy đã giúp ông nhiều trong việc này, nên cuốn sách cũng được hoàn thành rất nhanh.

Nhật ký của ông bắt đầu từ những tháng ngày vượt Trường Sơn năm 1971. Khi ấy, ông là chàng trai trẻ, trọng lượng cơ thể chưa được 50 kg nhưng lúc nào cũng khoác trên vai chiếc balo nặng gần 40 kg, với các trang bị cá nhân gồm súng đạn, bình nước, đồ nấu cơm, nào là thức ăn thức ăn khô và gạo cho 5 ngày…

Trong suốt quãng đường hành quân khoảng 2.500 km từ Bắc vào Nam, ông luôn đeo trên vai chiếc balo nặng trĩu. Mất hơn 6 tháng ông mới vào được đến chiến trường, bởi có những khi “ốm không thể đi nổi”, phải nằm ở những trạm xá ven đường.

Đến khi vào chiến trường, dù ngày ốm nhiều hơn ngày khỏe, nhưng ông vẫn ghi nhật ký, vẫn luôn tìm cách vượt qua khó khăn, tranh thủ mọi điều kiện để học hỏi. Thậm chí, ông còn đọc và ghi chép rất tỉ mỉ các tư liệu về vùng ven, về Sài Gòn, về tình hình bố trí lực lượng của địch, ghi chi tiết tên tuổi, số lính, chức vụ, quê quán của 17 hàng binh…

Vào giai đoạn cuối của chiến tranh, ông còn ghi rất cụ thể các số liệu từng giờ bay, từng quả pháo mà địch quy định cho từng trận càn, từ cấp sư đoàn đến đại đội.

Sau quãng thời gian vượt Trường Sơn và ở “R”, ông tiếp tục ghi nhật ký trong những chuyến thâm nhập thực tế dài ngày ở Bù Đốp - Lộc Ninh, Tây Ninh, về vùng ven Đồng Tháp Mười, Mỹ Tho… Ông với cương vị là cán bộ tuyên huấn đã cùng sát cánh cùng với nhân dân trong những cuộc đấu tranh vừa công khai vừa bí mật, đan xen giữa sự sống và cái chết.

“Có lúc 6 người chia nhau những quả cam non. 6 người cùng chia nhau dây rau má, chia nhau gói cơm bằng nắm tay đã bị mưa rã, thiu, chua ngoét và lúc khát nước chỉ nhúng ngón tay nhễu vào cổ họng khô cháy một hai giọt nước. Lúc nhặt được cục ruốc bằng đầu ngón chân, mừng ứa nước mắt, người chỉ huy chỉ cho mỗi ngày mỗi người một hạt nhỏ, ngậm vào thấy tan ngon, ngọt lịm…”, ông Nghị ghi trong nhật ký.

Những dòng nhật ký của ông cũng ghi lại nhiều cảnh tang thương, tố cáo tội ác của kẻ thù.

“Bom Mỹ lại rơi vào giữa thị trấn Lộc Ninh, xuống những mái nhà đông đúc trẻ em và ông bà già. Và ngay cả lúc bom Mỹ đã tàn sát gần 100 người dân, những người còn lại lo lắng, hớt hơ hớt hải, chạy cuống quýt… thì cũng toàn ông già bà già, phụ nữ, trẻ con dắt díu, bế bồng, tay mang tay xách…”.

Bởi vậy mà ông nói “chiến tranh không phải đâu xa, chiến tranh ở mỗi mái nhà lở lói, ở mỗi trái tim nhức nhối, căm uất, phẫn hờn”.

Cảm xúc trong giây phút chiến thắng

img

Những trang nhật ký, trang ghi chép được ông Phạm Quang Nghị giữ suốt mấy chục năm.

Chia sẻ với Zing.vn, ông cho biết trong cuốn sách ấy, cùng với rất nhiều kỷ niệm thời kháng chiến, ông cũng không quên ghi lại thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975 - lúc đất nước được thống nhất sau bao năm chiến tranh.

“Giờ sung sướng tuyệt đỉnh. Nghe tin chính quyền Sài Gòn đã đầu hàng. Tôi như muốn hoà vào tự nhiên. Nỗi sung sướng khôn tả. Đây đó có tiếng súng bắn dường như để chào mừng... Bây giờ tôi không biết làm việc gì để thoả lòng trong giờ phút vinh quang tuyệt đỉnh của dân tộc Việt Nam”, những dòng nhật ký trong thời khắc trọng đại của đất nước được ông Phạm Quang Nghị ghi lại.

Tả lại giây phút ấy, ông nói vui đến nỗi “có thể vỡ tung lồng ngực”. Mọi người quây quần, cùng nhau múa hát với tất cả niềm hân hoan tột cùng, niềm sung sướng vô hạn.

Bài hát mở đầu khi ấy là bài Giải phóng miền Nam hùng hồn, tiếp đến là bài ca ngợi Bác Hồ kính yêu. “Người gõ nồi, kẻ ôm can đập, làm rộn cả một góc rừng. Trong niềm xúc động nghẹn lời, nước mắt sung sướng của tôi trào ra”.

Sau chiến thắng miền Nam khoảng một tuần, ông từ “biệt rừng” Tây Ninh về lại Sài Gòn.

Chiếc xe Giải phóng mang số 99N-0018-B2 tới đón, khi đến Sài Gòn, đã thấy một không khí cách mạng hừng hực, cờ bay khắp mọi nhà, khắp mọi ban công, tầng lầu, trẻ em đùa vui nắm tay nhau nhảy múa trên sân thượng…

Tấm gương trong trẻo của một thế hệ thanh niên

Chia sẻ về cảm xúc sau khi đọc cuốn “Nơi ấy là chiến trường”, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái, đánh giá cuốn sách như một bộ phim tái hiện chân thực về chiến tranh, về quê hương đất nước, về cuộc sống, về tâm trạng người chiến sĩ, người dân và các đối tượng bên kia chiến tuyến…

Ông Soái cũng đặc biệt ấn tượng với cuốn sách này, bởi nó thể hiện rõ, trong những năm ở chiến trường, ngoài việc phản ánh chân thực những gì đang diễn ra nơi chiến tuyến ác liệt, tác giả còn luôn dành tình cảm đối với người mẹ kính yêu của mình.

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam, cũng chia sẻ ông ấn tượng với cách ghi chép công phu, tỉ mẩn, cụ thể của nguyên Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị.

Theo ông, đó không chỉ là những thông tin tư liệu lịch sử quý báu cho thế hệ sau này mà còn là bài học cho những người làm báo học hỏi. Cuốn nhật ký cũng cho thấy tấm gương trong trẻo của một thế hệ thanh niên, sinh viên, trí thức thời đó với trách nhiệm với Tổ quốc…

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét, “Nơi ấy là chiến trường” là cuốn nhật ký phản ánh hiện thực chiến tranh. Nhưng hiện thực chiến tranh ấy không chỉ có bom đạn, sống chết, mà quan trọng hơn, còn là tình cảm, tâm trạng và chiều sâu của hồn người.

Và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị đã thực hiện được cả hai yêu cầu ấy một cách sống động, hài hòa, tự nhiên như chính cuộc sống.

“Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm mà tôi đọc những trang nhật ký của anh vẫn thấy cuốn hút, mới mẻ, cảm động và gần gũi như vừa mới hôm qua”, nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem