Ngày chúng tôi 18 tuổi, đất nước không còn thanh bình. Chúng tôi đứng trước giấy nhập ngũ. Lúc đó những khái niệm “nhân dân”, “Tổ quốc”, “biên giới”… rất thiêng liêng. Và chúng tôi không chối bỏ trách nhiệm của tuổi trẻ trước vận mệnh của đất nước, của chính những người thân.
Tôi luôn nhớ về mảnh đất An Lung Vieng. Nơi đó tôi đã trực tiếp chôn 52 đồng đội của mình. Họ ngã xuống nhưng tên tuổi họ mãi sống trong trái tim chúng tôi.
Nhà biên kịch Đoàn Tuấn. (Ảnh: T.V)
Tôi thương bao người lính trong đơn vị, kể từ sỹ quan đến lính trơn, ở quê xa, viết một lá thư về nhà khó nhọc bao nhiêu. Phải nhờ quân bưu hay ai đó mang lên trung đoàn, nhưng trung đoàn mênh mông, biết gửi bộ phận nào, có ai về phép không, có đợt xe nào về nước không mà chuyển, giữa đường có bị địch phục không...? Rồi khi về đến trong nước, còn muôn ngàn khó khăn. Tôi ái ngại khi nghe người lính ca lên những câu:
"Vì quê nghèo xa quá
Không có người đưa thư".
Tôi hình dung những nơi như Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, nơi anh Lý Văn Nhiếp quân khí, Anh Thân 6 ngón C5, anh Lường Văn Pấng C8… ngày đêm thương nhớ một ngôi nhà bé nhỏ trong sương, cheo leo sườn núi, một bóng hình áo chàm, như vệt sáng trong mờ xa tít tắp…
Ai là người đưa thư đi trên những con đường vắt vẻo, những nhịp cầu như treo trên núi? Các anh có mặt ở nơi này đã là một sự cố gắng vĩ đại. Quê nhà các anh cũng đang bị giặc phương Bắc đe dọa. Gia đình các anh cũng đang thấp thỏm, lo âu.
Vậy mà, những người con miền núi đó vẫn trầm tĩnh như núi, thâm nghiêm như rừng, không một chút biểu hiện tính khí nóng vội như những anh lính trẻ người thành phố chúng tôi. Giọng Nhân cứ láy đi láy lại điệp khúc như cao trào:
"Còn nhớ, con mình ngày đó
Tháng chưa tròn, anh đặt tên chúng mình
Giờ con biết đọc hay chưa?
Hay nhắc tên ba hoài
Để em nhớ thương thêm".
Nhà biên kịch Đoàn Tuấn tặng sách "Mùa chinh chiến ấy" viết về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam cho đồng đội. (Ảnh: NVCC)
Những người lính trẻ trắng trong, một bàn tay con gái còn chưa được cầm, sao lại xúc động hát và nghe đoạn này? Người nhạc sỹ chắc cũng trải qua đời lính như chúng tôi. Chắc anh từng trải hơn chúng tôi. Cảm ơn anh đã gợi cho chúng tôi những nét phác về tương lai về cách đặt tên cho đứa con đầu lòng.
Thật hạnh phúc, một hạnh phúc vĩ đại, khi được đặt tên cho một con người. Nếu mình nuôi con chó, con mèo, đặt tên là Giôn hay Zim, nó vẫn là con mèo, con chó. Bởi nó đã hình thành. Mình mua về, chỉ việc đặt cho nó cái tên, cho thêm sự thân thiện.
Còn đằng này, mình tạo ra một con người, một thế giới, một vũ trụ, một cuộc đời mà mình nhìn thấy, mình ôm trên tay mà vẫn không hết ngạc nhiên, bồi hồi. Lúc đó, mình mới hiểu ý nghĩa, mới hiểu sự sâu sắc của cuộc đời là thế nào.
Tôi nhớ đến lá thư của anh Nghị - Đại đội trưởng C7, người Hà Tĩnh, mà tôi may mắn được anh cho xem:
- Này, ông Tuấn biết không? Đây là bàn tay của thằng con mình. Còn đây là bàn chân của nó. Xinh không? Dễ thương không?
- Ủa, làm sao lại vẽ được vào đây?
- Vợ mình, khi viết thư, đặt bàn tay thằng con trên giấy rồi đưa nét bút theo đường những ngón tay. Bàn chân cũng thế. Ông tướng này nghịch lắm! Chắc mẹ nó phải giữ chặt khi cho nó giẫm lên trang giấy. Lại còn tô lại nữa chứ! Đúng là đàn bà! Thật kỳ công!’’.
Rồi Nhân kết thúc bài hát:
"Thư biết em chẳng được
Vẫn ghi cho đẹp tình".
Nhân hát câu này mấy lần và nói với tôi:
- Nhớ không, dù biết người yêu không nhận được, nhưng vẫn viết cho đẹp tình.
Tôi nghĩ đến phép ứng xử có hậu của người lính. Vẫn thầm lặng viết thôi. Nói với người yêu như nói với chính mình. Tiếng thì thầm cầu nguyện tình yêu của người lính, như những phân tử nhỏ nhất, bé nhất, li ti nhất, vẫn lặng lẽ bay trong đêm.
Xuyên qua những khu rừng, xuyên qua những dãy núi, xuyên qua trăm ngàn họng súng quân thù, xuyên qua hàng ngàn cây số, sông, suối, cánh đồng… về đậu trên mái tóc người tình, hóa thành hơi thở, thấm vào giấc mơ.
"Em ơi! Đợi anh về
Đợi anh hoài em nhé
Lời cầu nguyện thầm thì
Trên môi người ra trận…".
Tôi nhớ anh Hà Huy Lan, đã chết. Lá thư nào của vợ, anh cũng chép lại vào cuốn sổ tay. Mỗi lần chép là một lần uống từng chữ của vợ vào trái tim mình. Mỗi lần chép như một lần cùng vợ âu yếm trong mơ. Chép xong rồi lại đọc. Không những đọc một lần mà còn đọc nhiều lần nữa.
Ơi cô gái thành Vinh xinh đẹp! Ở nơi xa xôi, cô có biết, cô được đại đội trưởng của chúng tôi yêu cô như thế nào không? Cầu mong cô cũng yêu anh Lan của chúng tôi như thế.
Tôi cũng biết anh Trần Thanh Chương - Chính trị viên C7, cũng hay chép lại thư nhà trong sổ tay.
Và trong mỗi chiếc balô của người lính đều có một góc ấm áp nhất, trân trọng nhất - đó là nơi để những lá thư. Bọc trong mấy lớp nilon. Làm gối mềm khi đi ngủ. Là ngôi nhà trên lưng trong lúc hành quân. Là kỷ vật vô giá bây giờ và mai sau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.