Nhiễm HIV ngại đi viện, một nam giới bị hoại tử nặng chỏm xương đùi 2 bên

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 16/06/2023 06:00 AM (GMT+7)
Dù đau đớn nhưng vì nhiễm HIV nên người bệnh ngại đi khám. Đến khi không chịu đựng được, thì chỏm xương đùi 2 bên đã bị hoại tử giai đoạn cuối.
Bình luận 0

Mới đây, các bác sĩ ở khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện E đã tiến hành thay khớp háng nhân tạo toàn phần cho một nam bệnh nhân 46 tuổi, ở Hà Nội, nhiễm HIV, bị hoại tử chỏm xương đùi 2 bên giai đoạn cuối. 

Bác sĩ Kiều Quốc Hiền – Trưởng khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện E cho biết, người bệnh vào viện trong tình trạng đau khớp háng 2 bên, vận động đi lại vô cùng khó khăn và đau đớn.

Điều đáng nói, do người bệnh bị nhiễm HIV nên có tâm lý e ngại đến cơ sở y tế để điều trị bệnh khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng tới quá trình vận động, thậm chí có lúc người bệnh còn phải… bò để di chuyển.

Phẫu thuật thay khớp háng toàn phần cho người đàn ông nhiễm HIV - Ảnh 1.

Sau khi được thay khớp háng 2 bên, bệnh nhân đã bình phục, có thể đi lại. Ảnh BVCC

Các bác sĩ cho người bệnh tiến hành làm các xét nghiệm và chiếu chụp cần thiết. Kết quả chụp Xquang cho thấy, người bệnh bị hoại tử toàn bộ chỏm xương đùi 2 bên giai đoạn cuối. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo toàn phần cho người bệnh.

Bác sĩ Kiều Quốc Hiền chia sẻ, trước khi tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ xác định đây là một ca mổ cho người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây nhiễm cao, nên việc phẫu thuật sẽ gặp nhiều thách thức và khó khăn hơn.

Ca mổ diễn ra trong 1 giờ. Theo bác sĩ Hiền, mặc dù kỹ thuật thay khớp háng nhân tạo toàn phần cho người bệnh này không có khác biệt nào so với các bệnh nhân khác, song đối với người bệnh này, việc lấy ven rất khó (do người bệnh đã tiêm chích ma túy nhiều năm). 

Do vậy, các bác sĩ khoa Gây mê hồi sức đã quyết định lấy ven tĩnh mạch trung ương để tiến hành dùng thuốc trong suốt quá trình mổ và sau mổ. Để thực hiện được kỹ thuật này đòi hỏi ê kíp bác sĩ khoa Gây mê hồi sức phải có chuyên môn cao…

Bên cạnh đó, do người bệnh nhiễm HIV kèm với HCV (viêm gan đặc hiệu), nguy cơ nhiễm trùng rất cao nên việc vô khuẩn trong suốt quá trình mổ và sau mổ càng phải chú trọng và phải được quan tâm nhất, hạn chế nhiễm khuẩn vết mổ sau này của người bệnh.

Trước ca phẫu thuật, người bệnh cho biết đã tiến hành điều trị ARV cách đây 7 năm. Dù đau khớp háng 2 bên khoảng 6 năm nhưng do tâm lý e ngại nên người bệnh không đến cơ sở y tế nào điều trị, gần đây, bệnh đau tăng và ảnh hưởng đến việc vận động, đi lại khó khăn…

"Điều đáng nói ở ca bệnh này là bệnh xảy ra ở người mắc bệnh truyền nhiễm, việc thay khớp háng nhân tạo toàn phần không gây ảnh hưởng đến khả năng lao động và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh sau mổ nhưng trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời, người bệnh phải đối mặt với nhiều nguy cơ", bác sĩ Hiền chia sẻ. 

Theo bác sĩ Hiền, nghiên cứu cho thấy, hoại tử chỏm xương đùi bắt nguồn từ tổn thương mạch máu nuôi xương vùng chỏm xương đùi. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh này vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên đối với những người có thói quen hút thuốc lá, bia rượu lâu năm… như bệnh nhân này thì nguy cơ cao hơn rất nhiều. 

Bệnh diễn biến âm thầm, ngày càng nặng lên, cuối cùng đau, mất chức năng khớp háng, bắt buộc phải thay khớp. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem