Nhiều bệnh viện phong toả do có ca mắc Covid-19, BV Bạch Mai làm gì ngăn chặn?

Gia Khiêm Thứ sáu, ngày 07/05/2021 16:10 PM (GMT+7)
GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc bệnh viện Bạch Mai đã nêu ra nhiều phương án trong việc đón tiếp, khám chữa bệnh cho bệnh nhân trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến nhiều bệnh viện trong nước phải phong tỏa, cách ly y tế...
Bình luận 0

Những ngày qua, nhiều chùm ca bệnh đã xuất hiện khiến một số Bệnh viện bắt buộc cách ly y tế, phong toả để có phương án phòng chống dịch Covid-19, bởi đây là nơi có nguy cơ lây nhiễm đi các tỉnh thành cao, đặc biệt các tuyến bệnh viện Trung ương. 

Nhiều bệnh viện phải phong toả do có ca nhiễm Covid-19, BV Bạch Mai lên phương án gì để không "bung, toang"? - Ảnh 1.

Hình ảnh xe quân đội tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ Bệnh viện K cơ sở Tân Triều sau khi phát hiện ca dương tính SARS-CoV-2 tại đây. Ảnh chụp chiều ngày 7/5.

Cụ thể, như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình… PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai về phương án phòng chống dịch bệnh tại đây.

Bệnh viện Bạch Mai lên phương án gì phòng dịch Covid-19?

Thưa ông, chủng virus được xác định lần này là biến thể từ Ấn Độ, vừa có đặc tính của chủng xuất phát từ Anh tốc độ lây lan nhanh, ông đánh giá nguy cơ thế nào nếu dịch Covid-19 lây lan trong bệnh viện?

- Virus Covid-19 lần này khác biệt hơn những chủng lần trước bởi tốc độ lây lan rất nhanh, lây nhiễm dễ, làm cho việc phòng chống trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Nhiều bệnh viện phải phong toả do có ca nhiễm Covid-19, BV Bạch Mai lên phương án gì để không "bung, toang"? - Ảnh 2.

GS.TS. Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Có thể thấy trên các phương tiện truyền thông hay qua báo cáo của Bộ Y tế những người tiếp xúc qua 1,2 ngày đã có triệu chứng, nồng độ virus trong dịch tỵ hầu đủ cao để dương tính qua các test xác định.

Bệnh viện là nơi có nguy cơ cao nhất lây lan dịch Covid-19 bởi khi ốm mới phải đến viện. Mật độ tập trung số lượng người trong bệnh viện cao hơn những nơi khác. Do vậy, khả năng lây nhiễm trong bệnh viện cao hơn ngoài cộng đồng, chính vì thế bệnh viện phải kiểm soát chặt chẽ hơn.

Qua theo dõi các bệnh nhân, tôi nhận thấy tỉ lệ biến chứng rất cao. Tỷ lệ người bệnh tử vong qua các báo cáo của nước ngoài cao hơn nhiều lần chủng trước đây. Cần sự ý thức của tất cả người dân để bảo vệ cho chính mình, cộng đồng…

Cách đây hơn 1 năm, Bệnh viện Bạch Mai từng bị phong toả do có 40 ca bệnh Covid-19 được phát hiện liên quan, vậy Bệnh viện đã chuẩn bị phương án nào để vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch vừa đảm bảo khám chữa bệnh?

- Cách đây 1 năm, Bệnh viện Bạch Mai phải đóng cửa, thực hiện phong toả 14 ngày khiến chúng tôi rất lo lắng vì có 4.000 nhân viên y tế, tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Khi phát hiện ra ca bệnh, may mắn không có lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Công ty TNHH Trường Sinh đã lây ra cho nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân. Sau khi biết được ổ dịch chính thức tại đây, bệnh viện khoanh vùng cách ly.

Nhiều bệnh viện phải phong toả do có ca nhiễm Covid-19, BV Bạch Mai lên phương án gì để không "bung, toang"? - Ảnh 3.

Tại Bệnh viện Bạch Mai an ninh luôn được thắt chặt.

Lần nay, Bệnh viện Bạch Mai đã tăng cường công tác phòng chống dịch, đặc biệt khi dịch bệnh đang phức tạp, trở thành điểm nóng tại Hà Nội cũng như một số tỉnh.

Bệnh viện đã giảm số lượng bệnh nhân điều trị nội trú. Đảm bảo giãn cách ngay trong phòng bệnh, bệnh viện. Nhân viên y tế nghỉ thay nhau nghỉ ở nhà để đảm bảo lực lượng sẵn sàng trong tình huống xấu khi khoa phòng nào đó có ca dương tính với SARS-CoV-2. Nhân viên y tế trở thành F1 phải đi cách ly thì vẫn còn nhân viên y tế dự phòng để tiếp tục duy trì hoạt động tại các khoa phòng cũng như bệnh viện.

Nhiều bệnh viện phải phong toả do có ca nhiễm Covid-19, BV Bạch Mai lên phương án gì để không "bung, toang"? - Ảnh 4.

Bác sĩ thực hiện công tác khám chữa bệnh tại Khoa cấp cứu.

Tiến hành kiểm tra toàn bộ xét nghiệm cho nhân viên y tế. Cụ thể, sau nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, 100% nhân viên y tế tại bệnh viện đều được kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm phòng Covid-19. Có 5000 mẫu xét nghiệm toàn nhân viên y tế, học viên sau đại học trực tiếp học tập và làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Ngày mai (8/5) bệnh viện đang chạy tiếp 7000 mẫu xét nghiệm của bệnh nhân, người nhà vào phòng chăm sóc bệnh nhân. Tiến hành thực hiện tiêm vắn-xin phòng chống Covid-19 cho 1000 cán bộ bệnh viện. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tiêm vắc-xin cho toàn bộ cán bộ bệnh viện.

Chúng tôi tiếp tục thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế, đặc biệt tuân thủ việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách rất quan trọng, khai báo y tế… Hiện công tác phòng chống dịch đang duy trì rất tốt, chặt chẽ hơn thời gian qua. Bên cạnh đó, bệnh viện tích cực kiểm soát sàng lọc sớm các trường hợp để có biện pháp nâng cao phòng chống dịch.

Cụ thể có phương án nào tránh nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện, thưa ông?

- Hiện nay có một số bệnh viện tuyến Trung ương đã phải phong toả cách ly y tế khi có ca lây nhiễm trong cộng đồng. 

Đề phòng nguy cơ lây nhiễm chéo, chúng tôi đề cao cảnh giác sàng lọc ngay từ ngoài cổng, bất kỳ ai vào Bệnh viện Bạch Mai đều sàng lọc đo nhiệt độ, sát khuẩn tay, khai báo y tế, khi phát hiện triệu chứng nghi ngờ đưa ra khu vực riêng sàng lọc, xác định.

Nhiều bệnh viện phải phong toả do có ca nhiễm Covid-19, BV Bạch Mai lên phương án gì để không "bung, toang"? - Ảnh 5.

Nhiều bệnh viện phải phong toả do có ca nhiễm Covid-19, BV Bạch Mai lên phương án gì để không "bung, toang"? - Ảnh 6.

Tất cả người bệnh, người nhà bệnh nhân đều phải tuân thủ phương án phòng chống dịch.

Tất cả bệnh nhân vào viện đều được test Covid-19, các bệnh nhân có kết quả âm tính mới được vào trong phòng. Các trường hợp nào thực hiện can thiệp, mổ cấp cứu không có thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm thì chúng tôi dùng test nhanh để chẩn đoán. Song song với đó xét nghiệm lại để có kết quả chuẩn xác. Tất cả mọi người đều phải thực hiện việc xét nghiệm 100%.

Người nhà bệnh nhân muốn muốn vào thăm nom, chăm sóc bệnh nhân đều phải xét nghiệm và kết quả đó có giá trị trong 3 ngày để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho bệnh nhân, nhân viên y tế, tránh việc lây chéo trong bệnh viện.

Giảm nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện thì biện pháp rất quan trọng nữa đó là hạn chế dùng điều hoà, mở cửa, bật quạt để thông khí tự nhiên, giảm vi khuẩn, virus nếu có trong bệnh phòng.

Hạn chế việc tiếp xúc của nhân viên y tế với bệnh nhân hay những người có nguy cơ cao. Từ camera theo dõi tình hình sức khoẻ bệnh nhân. Phân tầm bệnh nhân nguy cơ vừa, cao thấp, để có biện pháp. Nâng cao kỹ năng phòng chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện, kiểm tra giám sát đôn đốc thường xuyên.

Các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tập huấn các kỹ năng chống dịch, xử lý rác thải y tế có nguy cơ cao… đây là những biện pháp tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng phức tạp. Bên cạnh đó, biện pháp cực kỳ quan trọng đó là sát khuẩn tại các điểm đóng mở cửa, khu vực nhiều người tiếp xúc, có quy trình kiểm soát người ra vào thường xuyên, chặt chẽ.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem