Nhiều bố mẹ thường xuyên bạo hành tinh thần con mà không hay

Doãn Nhàn - Thùy Anh Thứ tư, ngày 05/01/2022 18:22 PM (GMT+7)
Bạo hành trẻ em không đơn thuần là đánh đập, nhiều bố mẹ thường xuyên có những lời nói theo thói quen kiểu như "mày chẳng được tích sự gì", "cút xéo đi"... Đó đều là bạo hành tinh thần.
Bình luận 0

Theo nhận định của các chuyên gia, bạo lực trẻ em phần đa đều xảy ra trong không gian kín, do chính người thân, người quen tạo ra. Đây là nhận định được đưa tại buổi Tọa đàm trực tuyến về bạo hành trẻ em: “Trẻ em bị bạo hành - Ai chìa tay cứu", sáng ngày 5/1. 

https://danviet.vn/chu-de/be-gai-8-tuoi-nghi-bi-di-ghe-bao-hanh-den-tu-vong-3362.htm

Tọa đàm trực tuyến về bạo hành trẻ em: “Trẻ em bị bạo hành - Ai chìa tay cứu". Ảnh chụp màn hình

Thang bậc nào để đánh giá bạo lực với trẻ em về thể chất và tinh thần?

Những năm gần đây, nhiều vụ bạo hành trẻ em đến tử vong làm dậy sóng dư luận xã hội. Theo thống kê từ Bộ công an, có tới 71% trẻ em từ 4 đến 14 tuổi bị đánh đập. Trong năm 2020, có 2.000 vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng.Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều phụ huynh vẫn chưa có nhận thức rõ ràng và cụ thể về hành vi bạo hành trẻ em. 

Theo nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, tất cả những hành vi gây tổn hại đều bị xử lý về mặt hành chính. Mức xử lý khá nặng từ 10-20 triệu đồng và đi kèm những biện pháp bổ sung khác. Chưa kể các hành vi bạo lực có thể được cấu thành các tội danh khác về hình sự. Như vậy, các cơ quan nhà nước đã có công cụ pháp lý để xử lý tất cả những hành vi gây tổn hại cho trẻ.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH)

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng, không hành vi gây tổn hại nào cho trẻ em có thể được biện minh. Cứ gây tổn hại cho trẻ em là phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Ngày nay, người xâm hại, bạo lực với trẻ em còn phải chịu sự trừng phạt của dư luận xã hội. Xâm hại, bạo lực trẻ em là câu chuyện của mọi quốc gia khác. Nó là vấn đề mang tính lịch sử, tồn tại song song với xã hội loài người và cũng mang tính thời sự và cần thảo luận nhiều. 

Hiện nay có rất nhiều hình thức bạo hành đối với trẻ em: đánh, tát, quất roi con mang tính răn đe, hoặc bắt nhốt vào nhà vệ sinh… 

Bà Lê Mai Quyên - Tư vấn viên Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cho rằng có 2 loại bạo lực trẻ em phổ biến đó là bạo hành thể chất và bạo hành tinh thần. 

Bạo hành về thể chất được xác định khi trẻ có thương tổn trên cơ thể. Ngoài ra còn xác định hậu quả của bạo hành thể chất xem nó tác động thế nào tới trẻ, có khiến trẻ thay đổi hành vi không, trẻ có xu hướng làm hại bản thân hay xu hướng tấn công người khác không.

“Trẻ bị đánh đập bằng cái gì, tát bằng tay có mức độ khác với đánh bằng công cụ. Trẻ có bị tấn bằng vật sắc nhọn không, có cấu véo, cắn, lắc, xô đẩy, bóp cổ, làm nghẹt thở gãy xương không”, bà Quyên viện dẫn. 

Riêng với các hành vi bạo hành về tinh thần thường sẽ tinh vi hơn. Nhiều bố mẹ hay nói những lời theo thói quen, kiểu như "mày chẳng được tích sự gì", "cút xéo đi",... Đó đều là bạo hành tinh thần. Việc trẻ liên tục bị từ chối, phủ nhận, không được chấp nhận cũng là biểu hiện của bạo hành.

Hay có nhiều hành vi khác như cha mẹ có hành vi phân biệt đối xử giữa các con trong gia đình, cho trẻ tiếp xúc với văn hóa phẩm không phù hợp với lứa tuổi cũng là xâm hại...

Đôi khi, dù vô thức hay cố ý, các bậc cha mẹ đã vô tình có những hành vi bạo hành lên trẻ em. Theo ông Đặng Hoa Nam: “Có một sự thật là những người xâm hại, bạo lực trẻ nhiều nhất lại chính là các bậc cha mẹ hoặc người chăm sóc, gần gũi với trẻ hàng ngày. Không riêng ở Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng vậy”.

Cần thay đổi văn hóa làng xã "đèn nhà ai nhà nấy rạng"

Theo các chuyên gia, hậu quả của nạn bạo hành trẻ em đến từ chính quan điểm sống. Hiện nay bộ phận lớn người dân có quan điểm "đèn nhà ai nhà nấy rạng". Tuy nhiên, để xử lý, chấm dứt bạo hành trẻ em cần có sự lên tiếng, tố cáo từ cộng đồng và phải từ bỏ quan điểm như vậy. Hiện nay có nhiều dịch vụ để người dân có thể lên tiếng một cách an toàn như 111, 113, 115. 

Hiện nay đã có chế tài xử lý trường hợp người dân phát hiện nhưng không tố cáo để xảy ra bạo hành trẻ em

Hiện nay pháp luật Việt Nam đã có chế tài xử lý trường hợp người dân phát hiện nhưng không tố cáo để xảy ra bạo hành trẻ em. Ảnh minh họa: T.L

“Luật pháp Việt Nam quy định, người dân cần tố cáo khi nghi ngờ trẻ em bị xâm hại. Không phân định người tố cáo là ai, hành vi xâm hại là gì. Ví dụ, em bé bị đau bụng thì các bạncứ báo cáo. Kể cả khi không phải bạo hành, các bạn cũng không bị truy cứu trách nhiệm. Các bạn được lên tiếng, bảo mật thông tin. Tổng đài 111 có trách nhiệm đánh giá nguy cơ và can thiệp. Chúng ta không chỉ cứu trẻ em mà cứu cả bậc cha mẹ, người chăm sóc. Nếu tố cáo sớm, có thể những bản án nặng hơn sẽ không xảy ra”, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh về trách nhiệm cộng đồng, tố cáo hành vi bạo hành trẻ em. 

Còn bà Lê Mai Quyên thì cho rằng, mỗi người dân nên là một báo cáo viên của Tổng đài 111. “Chúng tôi không mong người gọi định giá đâu là bạo lực trẻ em, vì đây là trách nhiệm của chúng tôi. Điều chúng tôi cần là thông tin được cung cấp "Tôi thấy nghi ngờ", "Tôi nghe thấy tiếng khóc, rất nhiều vào giờ đấy, ngày đấy, và nhiều tiếng khác nữa".... Các bạn không cần phải ngồi suy nghĩ đây có phải bạo hành không, việc đó chúng tôi sẽ lo. Thay vì chần chừ hãy nhấc máy và gọi điện thoại tới số 111”. 

Vụ bạo hành cô bé 8 tuổi tử vong ở TP.HCM vẫn được dư luận hết sức quan tâm. Nhiều người cho rằng, câu chuyện không đơn thuần chỉ là hành vi của một người nuôi dưỡng đánh con hay là sự bạo lực của một "dì ghẻ" trẻ chưa có kinh nghiệm nuôi con mà đó đích xác là sự bạo hành, và kết quả là giết người. 

“Để tránh những sự việc đau lòng như vậy xảy ra, quan trọng nhất cần thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi người xung quanh. Cần lên tiếng, dám lên tiếng để bảo vệ trẻ em ở mọi nơi, mọi lúc và phải kết thúc quan điểm đèn nhà ai nhà ấy rạng”, chuyên gia Đào Trọng An nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem