Đêm 29 và 30.4, hàng vạn khách du lịch trong nước cũng như quốc tế đổ về Đà Nẵng để thưởng lãm các màn trình diễn pháo hoa đặc sắc. Bất chấp trước đó, chính quyền Đà Nẵng đã ra tay chấn chỉnh tình trạng “chặt chém” khách, nhưng những ngày diễn ra cuộc thi pháo hoa, giá cả dịch vụ lưu trú vẫn bị đẩy lên cao.
|
Nhiều du khách đã đến xem pháo hoa và chịu những điều không đẹp. |
Dọc các tuyến đường chính, giá khách sạn tăng tới 50%, thậm chí 100%. Chị Nguyễn Như Thảo (du khách Hà Nội) cho biết: Tôi vào nghỉ tại khách sạn Varna (đường Trần Hưng Đạo) và lấy loại phòng deluxe giá niêm yết là 880.000 đồng. Nhưng nhân viên lễ tân khách sạn “hét” giá tới 1.500.000 đồng. Vì đi từ Hà Nội vào tới đây cận ngày trình diễn nên tôi phải chấp nhận mà thấy đắng lòng.
Ngoài ra, các khách sạn cao tầng có dịch vụ xem pháo hoa cũng làm du khách tá hỏa vì giá trên trời và cảnh chen lấn ngột thở vì chủ khách sạn nhồi nhét khách. Chủ khách sạn nhận một lượng người đông gấp mấy lần số bàn ghế mà khách sạn có, đến mức du khách đứng cũng không có chỗ đừng nói ngồi hoặc nằm.
Không chỉ tại khách sạn mà ngay sát mép các vỉa hè, hiện tượng người dân bán chỗ ngồi cũng xảy ra. Một chỗ ngồi xem pháo hoa, người xem phải thuê từ 50.000-100.000 đồng; một chiếc bạt từ 500.000-1.000.000 đồng.
Mặc dù trước ngày diễn ra pháo hoa, ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết sẽ phạt 20.000.000 - 50.000.000 đồng với các chủ điểm giữ xe nếu tăng giá giữ xe hơn giá niêm yết. Nhưng dọc các điểm giữ xe ở đường Phạm Văn Đồng, Quang Trung, Ngô Quyền... giá trông giữ một chiếc xe máy tới 20.000-30.000, xe ô tô 100.000-200.000 đồng. Khách gửi xe tại đây chỉ nhận được một tờ giấy ghi số chứ chẳng có con dấu hay địa chỉ gì.
Tại các điểm nóng như khách sạn, nhà hàng, bãi giữ xe... không thấy bóng dáng một cán bộ quản lý nào, mặc dù trước đó chính ông Phạm Văn Kha - Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng đã tuyên bố sẽ cử đoàn liên ngành theo dõi sát sao vấn đề này, kiên quyết không để xảy ra tình trạng “chặt chém”.
Đình Thiên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.