Nhiều khoản gắn mác “tự nguyện” đầu năm học, phụ huynh nghe xong bỗng… giật mình
Nhiều khoản gắn mác “tự nguyện” đầu năm học, phụ huynh nghe xong bỗng… giật mình
Tào Nga
Thứ năm, ngày 03/10/2024 06:20 AM (GMT+7)
Tiền vệ sinh trường lớp, tiền trang bị vật dụng trong lớp, tiền làm mái hiên che... đều là những khoản thu đầu năm học gắn mác "tự nguyện" nhưng "trên tinh thần bắt buộc"...
Các khoản thu đầu năm luôn là đề tài tranh cãi mỗi dịp năm học mới. Bên cạnh những khoản thu chính đáng để phục vụ cho học tập thì cũng phát sinh nhiều khoản "bất thường" khiến phụ huynh phải giật mình.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, một phụ huynh ở một trường tiểu học tại Hà Nội chia sẻ: "Mới đây ban phụ huynh lớp thông báo nhà trường có kế hoạch làm mái che sân trường. Dự trù kinh phí mỗi lớp sẽ đóng 30 triệu đồng là một con số không nhỏ, tương đương với mỗi học sinh đóng gần 600.000-700.000 đồng.
Mặc dù các thông báo đều trên tinh thần tự nguyện nhưng vận động ngầm là gọi điện cho từng người nói gom đủ tiền mới triển khai, tìm đơn vị thi công... Phụ huynh đóng trong tâm thế không thoải mái vì cứ bảo "góp đi, đóng đi nhưng không hiểu gì". Tôi không tiếc tiền đóng và các phụ huynh khác cũng thấy cần mái che mát cho con, song chưa đồng tình vì chưa có kế hoạch rõ ràng".
Liên quan đến nội dung trên, hiệu trưởng nhà trường cho hay: "Đây là do phụ huynh bàn bạc quyết định, không phải kế hoạch của nhà trường".
Một phụ huynh Trường THCS Hồng Dụ ở Hải Dương phản ánh, ngày 22/9/2024, trường tiến hành họp phụ huynh và có phổ biến một số khoản thu chi dự kiếncho năm học 2024-2025. Riêng khoảntiền về thuê người lao động, xã hội hóa, phụ huynh không đồng tình.
Theo bảng dự kiến thu chi, 490 học sinh (100% số lớp tham gia) thì mỗi học sinh đóng 20.000 đồngtháng tiền dọn vệ sinh trường, cắt cỏ sân vận động, cắt tỉa, chăm sóc vườn cây của trường... Tổng thu dự kiến 9.800.000 đồng.
Trong đó, dự kiến thuê nhân công dọn vệ sinh, quét dọn trường là 320.000 đồng.
Phụ huynh cho rằng, với học sinh cấp 2 có thể để các em lao động để rèn luyện tính tự giác, kỷ luật và có trách nhiệm với cộng đồng chứ không nhất thiết phải thuê người làm với mức giá một ngày là 320.000 đồng. Ngoài ra, phụ huynh cũng có ý kiến về việc nhà trường vận động khoản tiền xã hội hóa để mua tivi là 300.000 đồng/học sinh.
Liên quan đến khoản thu trên, vị Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Dụ, Hải Dương lý giải: "Trên thực tế, nhà trường đã thông tin đến toàn thể phụ huynh học sinh về một số khoản thu dự kiến cho năm học 2024-2025. Trong đó có khoản lao động vệ sinh, tính theo tháng. Theo Nghị quyết 08/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương quy định, khoản vệ sinh trường lớp, nhà vệ sinh trong các cơ sở giáo dục được thu mức trần là 20.000 đồng/tháng. Từ quy định đó, nhà trường đã chi tiết hóa, tức là đưa công khai dự toán.
Hiện, nhà trường có 503 học sinh, các em có hoàn cảnh khó khăn sẽ được miễn khoản này nên tổng số học sinh đóng là 490 em. Trước đó, nhà trường đã lấy ý kiến của toàn bộ phụ huynh 12 lớp. Có hai phương án, thứ nhất là thuê người dọn vệ sinh, nếu lớp nào không đồng tình thuê thì sẽ để học sinh tự lao động chứ không có chuyện ép buộc ở đây. Nhà trường cũng đã gặp phụ huynh phản ánh thông tin trên mạng xã hội và giải thích cho phụ huynh. Bởi ban đầu phụ huynh hiểu nhầm thu 20.000 đồng/ngày, nhưng thực tế số tiền đó là tính theo tháng.
Việc nội dung này gây xôn xao trên mạng xã hội bởi do một phần công tác phổ biến thông tin chưa rõ ràng, dẫn đến phụ huynh chưa hiểu hết vấn đề. Nhà trường sẽ rút kinh nghiệm và cho phổ biến lại để cha mẹ học sinh nắm được".
Mới đây, một phụ huynh ở TP.HCM bức xúc với các khoản thu được ban đại diện phụ huynh trình bày trong cuộc họp đầu năm tại lớp.
Theo hình ảnh phụ huynh này chia sẻ, dự thảo kinh phí hoạt động của ban đại diện lớp gồm 3 khoản: Hoạt động ban đại diện lớp, tri ân và kinh phí liên hoan. Lớp có 27 học sinh, mỗi phụ huynh sẽ đóng gần 1,9 triệu đồng.
Cụ thể, dự thảo kinh phí hoạt động lớp có tổng số tiền lên đến hơn 28,6 triệu đồng, gồm các khoản như trang bị vật dụng trong lớp (2 triệu đồng), photo tài liệu học tập (2 triệu đồng) chi phí hỗ trợ hoạt động cho trường (8,1 triệu đồng)...
Với dự thảo hoạt động tri ân, lớp này dự kiến tri ân giáo giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng ngày 20/11 mỗi người 1 triệu đồng; giáo viên quản sinh, phục vụ mỗi người 300.000 đồng; 11 giáo viên bộ môn mỗi người 500.000 đồng... Tổng cộng 9,4 triệu đồng.
Đóng quá nhiều quỹ, cần lên án
Trao đổi với PV báo Dân Việt về các khoản thu đầu năm, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương bày tỏ: "Tôi thấy năm nào cũng thế, phụ huynh phản ánh, báo chí viết nhiều, đến năm học sau thì việc tương tự lại được phản ánh. Ngoài quỹ trường, quỹ lớp, quỹ hội cha mẹ học sinh thì còn phát sinh thêm nhiều quỹ khác khiến phụ huynh phiền lòng.
Chuyện cứ lặp đi lặp lại như vậy mà chúng ta bằng rất nhiều nỗ lực của nhiều cấp, nhiều ngành và ngay cả bản thân ngành giáo dục nhưng chưa xử lý được triệt để vấn đề này.
Có những khoản thu vô lý, ví dụ nếu đã trang bị cơ sở vật chất một lần thì có thể dùng được nhiều năm, hay hệ thống rèm cửa, điều hòa, máy chiếu nếu học sinh một lớp đóng góp thì có thể sử dụng cho những lớp năm sau.
Thế nhưng khi các em học sang lớp mới lại phải đóng góp từ đầu. Cũng có trường hợp khoản thu do thỏa thuận của phụ huynh với giáo viên chủ nhiệm. Nếu đóng quá nhiều quỹ thì chúng ta cần lên án.
Tuy nhiên ở một góc độ nào đó, tôi rất chia sẻ với các trường, bởi vì việc thu quỹ nhiều hầu như chỉ xảy ra ở các trường công lập, còn các trường ngoài công lập rất ít. Với các trường công lập, số tiền từ ngân sách nhà nước cấp cho không nhiều, từ 90 triệu cho đến hơn 100 triệu đồng/năm, rõ ràng các trường cũng rất khó khăn nên phải huy động quỹ từ phía cha mẹ".
TS Vũ Việt Anh, chuyên gia tâm lý cho biết, hiện nay các khoản thu trong trường học thường gây tranh cãi tập trung ở 4 khoản: quỹ trường, quỹ lớp; mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học; tổ chức các hoạt động ngoại khóa; hoạt động bảo vệ, vệ sinh, nước uống, sửa chữa các cơ sở vật chất.
Để hợp thức hóa các khoản thu này, các trường học đều sử dụng hình thức thỏa thuận với cha mẹ học sinh. "Mặc dù là thỏa thuận nhưng vẫn cần phải quản lý, giám sát. Cơ quan quản lý giáo dục cần ban hành các quy định cụ thể để phụ huynh biết được khoản thu nào bắt buộc và khoản thu nào không được thu. Nhiều khi phụ huynh không nắm rõ, nhắm mắt làm ngơ các khoản thu được nhà trường gợi ý trước đó", ông Việt Anh nói.
Về phía nhà trường, theo TS Vũ Việt Anh, cần nêu cao tính minh bạch của người đứng đầu. Hiệu trưởng phải làm rõ tính cần thiết từ các khoản thu xã hội hóa và các khoản thu này phải vì mục đích giáo dục học sinh. Đặc biệt, các khoản thu không được chồng chéo với các khoản thu theo quy định của nhà nước.
8 khoản ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu
Theo quy định, nhà trường được thu các khoản gồm học phí, thu hộ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân theo Luật bảo hiểm y tế.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục được thu thêm các khoản có sự thỏa thuận với cha mẹ học sinh hoặc thu theo Nghị quyết của HĐND từng tỉnh, thành như: Tiền ăn bán trú, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú, tiền dạy thêm, học thêm trong nhà trường, tiền mua học phẩm với trẻ mầm non, tiền vệ sinh, tiền nước uống, thẻ học sinh...
Ban đại diện cha mẹ học sinh là tổ chức của phụ huynh học sinh được bầu ra với nhiệm vụ là cầu nối giữa nhà trường và gia đình. Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu 2 khoản, gồm kinh phí để tổ chức hoạt động của ban đại diện có được từ sự ủng hộ tự nguyện của và nguồn tài trợ hợp pháp khác.
Kinh phí hoạt động của ban đại diện trường được trích từ kinh phí hoạt động của các ban đại diện lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban đại diện lớp đầu năm học.
Theo quy định tại Thông tư 55 năm 2011 của Bộ GD&ĐT, ban đại diện phụ huynh không được quyên góp của người học và gia đình người học những khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện và không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban. Cụ thể, 8 khoản tiền không được thu gồm:
Bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường; Bảo vệ an ninh nhà trường; Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ; không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Có thể thấy, mặc dù các văn bản đã ghi rõ ràng các khoản được và không được thu trong nhà trường, tuy nhiên, những năm gần đây, việc lạm thu vẫn âm ỉ diễn ra trong các nhà trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.