Nhiều người "ám ảnh" vì mất ngủ hậu Covid-19

Gia Khiêm Thứ tư, ngày 09/03/2022 13:00 PM (GMT+7)
Nhiều người dân cho biết, sau khi mắc Covid-19, dù đã khỏi bệnh nhưng đêm nào cũng ngồi "đếm cừu" vì không thể nào chợp mắt. Thậm chí, nhiều người đã dùng thuốc ngủ. Bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo vấn đề này.
Bình luận 0

Mất ngủ hậu Covid-19 kéo dài cần đi khám

Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng rất nhanh. Bên cạnh những triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, ho, khó thở… thì tình trạng mất ngủ đang là nỗi ám ảnh với nhiều F0 trong thời gian trị bệnh cũng như hậu Covid-19.

Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Lê Văn Tuấn (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, sau khi nhiễm Covid-19 khỏi bệnh, nhiều đêm anh không thể nào chợp mắt, có lúc cơ thể mệt mỏi, căng thẳng.

Nhiều người "ám ảnh" vì mất ngủ hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Y, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

"Đêm khuya nằm trên giường nhưng tôi không thể nào ngủ sâu giấc. Cố nhắm mắt không ngủ được, tôi lại nằm xem điện thoại, xem phim. Ban đầu tôi cứ nghĩ có thể do mình mệt, khó chịu nhưng không ngủ được. Vài ngày sau tình trạng mất ngủ cứ thế tiếp diễn khiến tôi thấy lo lắng. Tôi ra hiệu thuốc mua thuốc ngủ uống với mong muốn sẽ chợp mắt", anh Tuấn chia sẻ.

Cũng như anh Tuấn, anh Mạnh Tú (27 tuổi, trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) chưa thể bắt nhịp công việc sau khỏi Covid-19. Anh thường xuyên mất ngủ, lo âu và mệt mỏi do di chứng Covid-19 kéo dài. Anh Tú mắc Covid-19 từ ngày 18/2, triệu chứng bệnh nhẹ, chỉ bị sốt hai hôm đầu và ho.

Ngày thứ 8 của bệnh, anh xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, vạch T mờ dần. Thời điểm này, anh bắt đầu rơi vào trạng thái khó ngủ, hay mơ lung tung. Tình trạng này càng trở nên trầm trọng vào ngày 28/2, khi anh test nhanh âm tính, đủ 10 ngày tự cách ly và điều trị tại nhà. Giấc ngủ là một điều "xa xỉ" với anh, mỗi ngày anh chỉ ngủ được 1-2 tiếng, nhiều đêm thức trắng, không thể chợp mắt.

Nhiều người "ám ảnh" vì mất ngủ hậu Covid-19 - Ảnh 2.

Bác sĩ Chu Thị Quỳnh Thơ, Quyền Trưởng Khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Chu Thị Quỳnh Thơ, Quyền Trưởng Khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, vấn đề mất ngủ hậu Covid-19 có thể thuộc hai chuyên khoa cả bên sức khoẻ tâm thần và phục hồi chức năng liên quan đến sức khoẻ tâm thần.

"Nếu mất ngủ kéo dài sẽ nguy hiểm, sẽ tác động trở lại với sinh hoạt hàng ngày. Khi không ngủ tốt, không thể nào đủ sự tập trung trong công việc, không đủ năng lượng để tham gia các hoạt động khác trong sinh hoạt hàng ngày. Rõ ràng mất ngủ về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh", bác sĩ Thơ nói.

Theo bác sĩ Thơ, nếu gặp vấn đề mất ngủ trầm trọng, tốt nhất nên đến nơi khám chuyên khoa, khám phòng khám hậu Covid-19 và có thể chuyển sang khám chuyên khoa tâm thần.

Nhiều người "ám ảnh" vì mất ngủ hậu Covid-19 - Ảnh 3.

Y, bác sĩ điều trị theo dõi điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Trước việc không ít người uống thuốc ngủ, bác sĩ Thơ cho rằng, không nên tự ý dùng, đó là sai lầm ngay từ đầu. "Nhóm thuốc ngủ cần được kê đơn của bác sĩ, không thể biết được chính xác mình dùng thuốc nào cho hợp lý, đôi khi căn nguyên đến từ vấn đề khác mà giải quyết bằng thuốc không hiệu quả. Có thể phải can thiệp tâm lý hoặc can thiệp khác liên quan đến hoạt động trị liệu phục hồi chức năng. Như vậy dùng thuốc ngủ được đêm nay nhưng mai hết thuốc lại mất ngủ. Khi dùng như vậy không phải là giải pháp tốt.

Ngoài việc một số chứng bệnh mất ngủ, theo bác sĩ Thơ, Khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thời gian gần đây chủ yếu hỗ trợ, điều trị và hay gặp bệnh nhân kèm triệu chứng kể cả về thể chất, có bệnh nhân về tâm lý tâm thần. Hơn cả là bệnh nhân gặp vấn đề về hô hấp, hoạt động thể chất, chức năng sinh hoạt hàng ngày nhiều.

Mất ngủ hậu Covid-19 : Chủ yếu là do stress

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, mất ngủ trong thời gian mắc Covid-19 là chuyện rất bình thường. Tình trạng mất ngủ có thể diễn ra trong thời gian bị Covid-19, cũng có thể xuất hiện vào thời gian hậu Covid-19. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này hầu như chỉ là do stress.

Vì vậy, hãy làm tất cả những việc lành mạnh, những việc có thể mang lại niềm vui, tiếng cười, sự thoải mái cho bạn để giải tỏa stress. Nếu mất ngủ, căng thẳng, nhức đầu thì hãy uống thuốc thảo dược phù hợp, không việc gì phải chịu đựng cơn khó chịu để rồi stress thêm.

Ngoài ra, người bệnh cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, vận động khoa học, điều độ. Tránh tình trạng nhàn rỗi quá mức dẫn đến hiện tượng ngủ vào ban ngày và mất ngủ vào ban đêm.

Nên tập thói quen ngủ 6-8 tiếng/đêm và cố gắng đi ngủ - thức dậy vào cùng một giờ như nhau vào tất cả các ngày trong tuần. Nên ngủ trước 23 giờ. Nên giảm bớt thời gian sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ.

Tắt các thiết bị điện tử trước khi ngủ ít nhất 30 phút. Phòng ngủ nên sạch sẽ, yên tĩnh, đủ tối và có nhiệt độ thích hợp. Có thể ngâm chân hoặc thiền 30 phút trước khi ngủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem